Chủ động phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi

Thời gian gần đây, nhiều con trâu ở vùng miền núi hai huyện Triệu Phong và Đakrông của tỉnh Quảng Trị đang khỏe mạnh bỗng yếu dần rồi bị chết với dấu hiệu xuất huyết mũi, miệng. Trước tình hình này, ngành nông nghiệp địa phương đang khẩn trương triển khai các giải pháp giúp người dân ứng phó để bảo vệ đàn trâu...

Tiêm phòng bệnh trên đàn trâu ở huyện miền núi Đakrông.

Tiêm phòng bệnh trên đàn trâu ở huyện miền núi Đakrông.

Trong các ngày đầu tháng 2, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Trị cùng chính quyền địa phương phát hiện nhiều con trâu bị chết nằm rải rác trong các cánh rừng của xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong và xã Ba Lòng, huyện Đakrông. Điều tra cho thấy, có 20 con trâu bị chết là của các hộ dân ở xã Ba Lòng, chăn nuôi theo hình thức thả rông trong rừng xã Triệu Ái.

Trâu chết có biểu hiện chướng hơi, xuất huyết mũi, miệng; hạch hầu sưng... Tính đến cuối ngày 10/2, tổng số trâu chết được phát hiện là 34 con, trong đó 26 con tại xã Triệu Ái; tám con được phát hiện tại xã Ba Lòng. Số trâu bị chết này nghi do dịch bệnh.

Ông Nguyễn Trung Hậu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Trị cho biết, đàn gia súc của các hộ dân này chủ yếu được chăn nuôi theo tập quán thả rông trong rừng. Mặc dù được khuyến cáo nhưng người dân không tiêm phòng vắc-xin định kỳ cho đàn trâu, cộng thời tiết rét đậm kéo dài khiến trâu bị chết. Đơn vị chức năng đã đề nghị Ủy ban nhân dân các xã cùng hộ chăn nuôi có trâu chết phối hợp với cơ quan liên quan tiến hành tiêu hủy để hạn chế lây lan dịch bệnh. Chính quyền yêu cầu các hộ dân cam kết nhốt gia súc tại chuồng, không được thả rông, tiếp tục theo dõi đàn trâu, bò, triển khai tiêm phòng khẩn cấp, hỗ trợ các chủ chăn nuôi về phòng chống dịch, chăm sóc nuôi dưỡng, phác đồ điều trị.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cùng các đơn vị chức năng và chính quyền địa phương đã đến ổ dịch chỉ đạo công tác phòng chống dịch. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị Hồ Xuân Hòe cho biết: Sở đã khẩn trương chỉ đạo các đơn vị liên quan xác định nguyên nhân và tìm giải pháp khắc phục sớm nhất, giúp bảo vệ đàn trâu, tài sản lớn của người dân. Chi cục Chăn nuôi và Thú ý đã lấy mẫu xét nghiệm gửi Chi Cục Thú y vùng III để xác định nguyên nhân. Ngày 10/2, Chi Cục Thú y vùng III có kết quả xét nghiệm: Số trâu chết nêu trên là do bệnh tụ huyết trùng trâu, bò và bệnh lê dạng trùng (ký sinh trùng đường máu).

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện có trâu bị dịch bệnh chỉ đạo các địa phương khẩn trương tổ chức tiêu hủy toàn bộ số trâu chết theo đúng quy định. Tăng cường kiểm tra, giám sát đàn gia súc tại các huyện chưa có dịch bệnh, nhằm phát hiện sớm trường hợp trâu, bò có biểu hiện mắc bệnh để kịp thời bao vây, khoanh vùng, xử lý ổ dịch. Người chăn nuôi cần thông báo ngay cho chính quyền địa phương, nhân viên thú y xã khi phát hiện trâu, bò có biểu hiện mắc bệnh hoặc bị chết để kịp thời triển khai biện pháp phòng chống. Rà soát, thống kê tổng đàn gia súc trên địa bàn, tổ chức tiêm phòng vắc-xin theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Theo các chuyên gia, bệnh tụ huyết trùng do vi khuẩn gây ra trên trâu, bò với các dấu hiệu đặc trưng là tụ huyết, xuất huyết ở các vùng da mỏng trên khắp cơ thể. Vi khuẩn thường xâm nhập vào máu gây nhiễm trùng máu. Trâu, bò thường mắc bệnh ở ba thể ác tính, cấp tính, mạn tính, trong đó phổ biến là thể cấp tính. Bệnh tiến triển từ ba đến năm ngày, tỷ lệ chết lên đến 90 tới 100%. Còn bệnh lê dạng trùng là bệnh truyền qua vật chủ trung gian từ các loài ve, chúng hút máu trâu, bò bệnh sau đó truyền bệnh cho con khỏe, gây tỷ lệ chết cao. Để phòng bệnh, cần tiêm phòng vắc-xin định kỳ, thuốc trị ký sinh trùng; thường xuyên vệ sinh chuồng trại, định kỳ tiêu độc, khử trùng; tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi.

 Đàn trâu ở ổ dịch xã Ba Lòng, huyện miền núi Đakrông đang được tiêm phòng dịch.

Đàn trâu ở ổ dịch xã Ba Lòng, huyện miền núi Đakrông đang được tiêm phòng dịch.

Trong hai ngày 8 và 9/2, huyện Đakrông đã tổ chức tiêm kháng sinh điều trị dự phòng cho 184 con trâu, bò tại ổ dịch ở xã Ba Lòng, đạt 100% số trâu, bò ở ổ dịch được tiêm. Huyện Triệu Phong đã tổ chức tiêu hủy số trâu chết trên địa bàn. Ngành nông nghiệp đã cấp hóa chất cho các địa phương tổ chức phun tiêu độc khử trùng tại khu vực có gia súc chết, chuồng nuôi, bãi chăn, đường giao thông.

Ông Hồ Xuân Hòe cho biết: Người chăn nuôi cần báo cáo ngay cho chính quyền địa phương và cán bộ thú y khi phát hiện trâu, bò bị bệnh. Tuyệt đối không mua, bán trâu, bò bệnh; không giết mổ trâu, bò chết không rõ nguyên nhân. Đối với các địa phương phát hiện có trâu, bò bị bệnh cần tiến hành kiểm tra toàn bộ các cơ sở chăn nuôi để có phương án ứng phó kịp thời. Áp dụng các biện pháp phòng chống dịch tổng hợp để khống chế, bao vây, dập tắt dịch bệnh trong diện hẹp. Đẩy mạnh tuyên truyền về các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong chăn nuôi gia súc đến người dân nhằm dần thay đổi, nâng cao nhận thức, từ bỏ thói quen chăn nuôi thả rông, chuyển sang chăn nuôi chuồng trại tập trung. Vận động, khuyến khích người chăn nuôi tận dụng những diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ nhằm bảo đảm nguồn thức ăn cho gia súc và hỗ trợ người dân xây dựng chuồng trại.

Tính đến 15 giờ ngày 14/2, tổng số trâu, bò tại Quảng Trị chết là 37 con (chết thêm ba con). Trước tình hình khẩn cấp này, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh ngay trong ngày 14/2 đã cung ứng 3.400 liều vắc-xin lở mồm long móng; 2.600 liều vắc-xin tụ huyết trùng trâu, bò để triển khai tiêm phòng bao vây ổ dịch và vùng nguy cơ cao tại các huyện Triệu Phong, Đakrông, Hướng Hóa.

LÂM QUANG HUY

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/chu-dong-phong-chong-dich-benh-tren-dan-vat-nuoi-post860061.html
Zalo