Chủ động phòng bệnh cúm

Cúm mùa thường xảy ra vào thời tiết lạnh, đặc biệt giai đoạn chuyển mùa Đông Xuân. Hiện thời tiết các tỉnh phía Bắc nước ta thuận lợi cho virus cúm phát triển và lây lan mạnh hơn.

Hiểu đúng về bệnh cúm

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), bệnh cúm mùa (seasonal flu) đã có từ rất lâu ở hầu hết các nơi trên thế giới, thường gây ra bởi virus cúm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B, lây trực tiếp từ người sang người qua đường hô hấp.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên dự trữ và tự ý sử dụng thuốc Tamiflu.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên dự trữ và tự ý sử dụng thuốc Tamiflu.

Ở người khỏe mạnh có hệ miễn dịch tốt, các biểu hiện cúm thường nhẹ, như: Sổ mũi, ngạt mũi, hắt hơi, ho, đau người, sốt; nếu được nghỉ ngơi, giữ ấm, ăn uống đầy đủ, uống thuốc cảm cúm thông thường thường tự khỏi. Tuy nhiên, ở những người có hệ miễn dịch yếu mang bệnh nền, bệnh mạn tính hoặc người cao tuổi thì virus sẽ tấn công mạnh vào hệ hô hấp và gây ra những biến chứng như viêm phổi, bội nhiễm các vi khuẩn, viêm cơ tim, suy hô hấp nặng, suy đa tạng, nguy cơ tử vong cao.

Phân tích cụ thể hơn, BS.CKI Tống Thị Ngọc Cầm - Phó Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, cúm mùa thường gây các biểu hiện ho, sốt, đau đầu, nhức mỏi người và tự khỏi sau 2-7 ngày. Khi nhiễm cúm, người bệnh sẽ mệt mỏi, chán ăn, ăn không ngon miệng. Việc này dẫn tới hệ miễn dịch bị suy giảm, tạo điều kiện cho virus cúm nhân lên, tăng nguy cơ bệnh kéo dài, trở nặng.

Hệ miễn dịch và niêm mạc đường hô hấp bị tổn thương do cúm cũng mở đường cho các loại virus, vi khuẩn khác tấn công, như phế cầu hoặc tụ cầu, dễ làm tăng thêm tình trạng viêm phổi, nhiễm trùng huyết cho người mắc. Người có bệnh nền mắc cúm dễ làm tổn thương đa cơ quan, suy cơ tim, suy hô hấp dẫn đến tử vong.

Cúm là một bệnh do tác nhân là virus cúm gây ra các triệu chứng đường hô hấp như ho, sốt, ngạt mũi, hắt hơi, khó thở... và có thể gây biến chứng nguy hiểm cần phải điều trị. Thuốc kháng virus điều trị cúm là: Oseltamivir (Tamiflu) giúp điều trị giảm nhanh triệu chứng, nhưng cần phải có chỉ định và theo dõi chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa.

Các triệu chứng trở nặng, theo bác sĩ Cầm sẽ là sốt cao liên tục từ 39 độ C, khó thở, thở nhanh, nhịp thở bất thường, choáng váng, đau cơ và đau ngực dữ dội, tím môi và đầu chi, tay chân lạnh, li bì, nôn nhiều... Lúc này, virus cúm đã nhân lên ồ ạt, dễ gây bội nhiễm các loại vi khuẩn và tấn công đa cơ quan. Vì vậy người bệnh cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để điều trị.

Không nên tự ý dùng thuốc

Theo các chuyên gia y tế, cúm mùa không phải căn bệnh quá nguy hiểm nhưng lại là bệnh dễ lây nhiễm qua tiếp xúc và đường hô hấp. Tổ chức Y tế thế giới thống kê, trung bình mỗi năm, toàn cầu có khoảng 1 tỷ người mắc cúm mùa. Trong đó, có 3-5 triệu ca nặng và 290.000-650.000 ca tử vong. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) lý giải nguyên nhân số ca cúm tăng từ cuối 2024 và trong dịp tết Nguyên đán 2025 là do điều kiện thời tiết hiện thuận lợi cho mầm bệnh lây truyền qua đường hô hấp sinh sôi, với khí hậu gió mùa, nồm ẩm... Bên cạnh đó, đây cũng là dịp nhiều lễ hội diễn ra. Nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao, người dân tập trung đông tại các địa điểm du lịch, vui chơi, tăng nguy cơ lây nhiễm.

Nhiều người cho rằng cúm là bệnh thông thường. Khi bị bệnh, họ tự chữa theo mẹo dân gian, hoặc mua thuốc, uống thuốc theo đơn cũ. Việc lạm dụng thuốc ở những bệnh nhân nhiễm virus cúm dễ làm tăng nguy cơ bội nhiễm, giảm khả năng đề kháng, đồng thời khiến virus cúm nhân lên, tấn công gây suy đa tạng.

Lo sợ trước dịch cúm, bên cạnh tiêm vaccine, nhiều người dân còn tìm mua thuốc điều trị cúm là Tamiflu để dự phòng. PGS.TS Đỗ Duy Cường cho biết, thuốc Tamiflu kháng virus điều trị cúm giúp giảm nhanh triệu chứng, nhưng cần phải có chỉ định và theo dõi chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa. Đây là thuốc dùng để ức chế virus nhân lên, làm giảm khả năng bám dính của virus ở đường hô hấp. Không phải bệnh nhân nào bị cúm cũng dùng thuốc Tamiflu. Việc dùng thuốc Tamiflu chỉ có tác dụng nếu chẩn đoán phát hiện cúm sớm trong 48 giờ đầu, theo chỉ định của bác sĩ vì thuốc này là thuốc kê đơn, thường chỉ dùng đối với các trường hợp có nguy cơ chuyển nặng.

Chủ động tiêm vaccine phòng cúm

Theo ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, nhu cầu tiêm vaccine phòng bệnh cúm những ngày qua đang tăng mạnh, các điểm tiêm đều đông lên. Thông thường vaccine không thể có hiệu quả ngay sau khi tiêm. Do đó, để vaccine đạt khả năng phòng dịch tối đa, người dân cần chủ động tiêm vaccine định kỳ, đúng lịch, trước mùa có nguy cơ xảy ra dịch bệnh, tiêm đón đầu cho mùa dịch.

Bác sĩ Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, vaccine cúm giúp giảm tỷ lệ nhập viện, nguy cơ trở nặng, tử vong do cúm. Hiện Việt Nam có hai loại vaccine cúm tứ giá, phòng 4 chủng virus phổ biến gồm cúm A/H1N1, A/H3N2, B/Yamagata, B/Victoria, dành cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn. Đây là các chủng virus cúm đang lưu hành gây nhiều ca mắc hiện nay ở Việt Nam và các nước trên thế giới.

Trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tuổi cần tiêm hai mũi cách nhau tối thiểu một tháng, nếu chưa từng chủng ngừa cúm và cần nhắc lại một mũi hàng năm. Phụ nữ nên tiêm phòng cúm trước và trong thai kỳ, tốt nhất từ tháng thứ 3 trở đi để bảo vệ sức khỏe, truyền kháng thể thụ động cho con.

Theo khuyến cáo của CDC Hà Nội, để chủ phòng cúm mùa, người dân cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, sử dụng khẩu trang thường xuyên, che miệng khi hắt hơi, rửa tay bằng xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; giữ gìn nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng; thực hiện lối sống lành mạnh; ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường vận động thể lực nâng cao thể trạng.

Người dân hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời, không nên tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng virus, cần theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc; tiêm vaccine chủ động phòng bệnh cúm mùa là biện pháp dự phòng hiệu quả...

Các bác sỹ khuyến cáo, khi mắc cúm, người dân nên nghỉ ngơi, uống đủ nước, ngủ đủ giấc, cố gắng ăn uống để nâng đề kháng. Những đối tượng nguy cơ khi có các triệu chứng sốt cao, nhức đầu, đau nhức cơ, ho nhiều, sổ mũi, tổng trạng mệt mỏi... cần được đưa đến bệnh viện để được thăm khám, điều trị kịp thời. Người dân cần đeo khẩu trang tại nơi tập trung đông người, trên phương tiện giao thông công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.

Thanh Mai

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/chu-dong-phong-benh-cum-10299978.html
Zalo