Chủ động để rắn cắn hàng trăm lần nhằm tạo miễn dịch với nọc rắn
Lớn lên tại một làng xa xôi trên địa bàn cao nguyên nước Guatemala, nhà miễn dịch học Jacob Glanville thường xuyên nghe nói các vụ rắn cắn. Trung tâm y tế gần nhất cách làng đến vài tiếng đồng hồ di chuyển nên người dân địa phương không kịp thời tiếp cận được thuốc cứu mạng.
Khi trưởng thành, ông nhận ra đây không phải vấn đề của riêng làng mình. Mỗi năm nọc rắn tác động đến gần 2 triệu người trên toàn cầu, giết chết gần 100.000 người. Thuốc giải độc thông thường sử dụng kháng thể nguồn gốc động vật tiềm ẩn nguy cơ phản ứng dị ứng nghiêm trọng và có thể không hiệu quả trước nhiều loại nọc rắn khác nhau.

Kháng thể từ một người tiếp xúc nọc rắn hàng trăm lần đem lại kháng thể quý giá - Ảnh: Stock, alexx60
Tình trạng này thúc đẩy Glanville thành lập công ty công nghệ sinh học Centivax chuyên phát triển phương pháp điều trị rắn cắn. Ông chia sẻ: “Thuốc giải độc luôn làm tôi thích thú. Tôi tự hỏi liệu kháng thể tích tụ trong một người nào đó sống sót sau khi bị cắn có thể vô hiệu hóa một số độc tố hay không”.
Trong quá trình tìm kiếm, ông tình cờ phát hiện người lý tưởng cho vấn đề này. Giờ đây bằng cách sử dụng kháng thể từ huyết thanh của một người đàn ông có tiền sử bị rắn cắn khác thường, Glanville cùng nhóm của mình phát triển ra loại thuốc giải đủ sức chống lại độc tố từ vài loài rắn nguy hiểm nhất thế giới. Kết quả hiện tại mở đường cho một loại huyết thanh phổ biến có thể bảo vệ trước nhiều độc tố khác nhau.
Người mà Glanville tình cờ phát hiện là thợ máy xe tải Timothy Friede. Là người sưu tầm rắn nghiệp dư hiện phụ trách nghiên cứu bò sát tại Centivax, anh không ít lần lấy rồi tiêm nọc rắn vào người mình với hy vọng có thể phát triển khả năng miễn dịch.
Vài tháng sau khi bắt đầu thí nghiệm, Friede vô tình bị rắn hổ mang cắn nên hôn mê 4 ngày. Tuy nhiên anh không bỏ cuộc sau trải nghiệm cận kề cái chết vì muốn cứu những nạn nhân khác. Trong 17 năm tiếp theo anh chịu hơn 200 lần cắn của rắn taipan, rắn mamba, rắn hổ mang, cộng thêm khoảng 500 liều tiêm nọc rắn.
“Rắn cắn rất đau, đau hơn bị ong đốt gấp hàng nghìn lần”, Friede mô tả.
Glanville biết đến thí nghiệm điên rồ trên vào năm 2017, do đó quyết định liên hệ để lấy máu. Đây là cuộc gọi mà chàng thợ máy xe tải mong chờ từ lâu.
Nhóm nghiên cứu tập trung vào nọc độc từ 19 loài độc nhất thuộc họ rắn hổ mang. Họ trích xuất DNA mã hóa kháng thể trong máu của Friede, sau đó sử dụng kỹ thuật biểu thị DNA trên thực khuẩn thể (phage display) tạo ra khoảng 2 tỉ kháng thể. Ủ tất cả kháng thể cùng độc tố giúp họ phân lập được kháng thể liên kết đặc hiệu với độc tố.
Kháng thể liên kết với độc tố tương ứng của chúng bằng ái lực cao. Nhóm còn quan sát thấy kháng thể còn ngăn chặn độc tố gắn vào một vị trí trên thụ thể thần kinh trên vật chủ. Vị trí này xuất hiện ở không chỉ một loại độc tố, chứng tỏ kháng thể có thể trung hòa rộng rãi nhiều nọc độc khác nhau.
Ông Glanville cho biết: “Đây là khoảnh khắc hết sức thú vị. Một thuốc giải độc phổ quát giờ đã trong tầm tay và chúng ta có công cụ. Chỉ cần tiến hành thí nghiệm để tìm ra mà thôi”.
Nhóm thử tác dụng của kháng thể trên cơ thể sống. Họ tiêm nọc độc từ 1 trong 6 loài rắn mamba đen hoặc rắn hổ mang vào chuột rồi điều trị cho chúng bằng kháng thể. Tất cả chuột không được điều trị đều chết, còn hầu hết cá thể được tiêm kháng thể đều sống sót. Sắp tới nhóm sẽ thử nghiệm trên động vật lớn hơn, sau đó đến người.
Friede ngừng thực hiện “tự miễn dịch” từ năm 2018 sau khi đã hiến máu cho nghiên cứu. Giáo sư Kartik Sunagar (Viện Khoa học Ấn Độ) cảnh báo làm vậy rất nguy hiểm với tính mạng, nên mọi người không nên tự làm theo.