Bí ẩn trận mưa kéo dài 2 triệu năm đưa khủng long lên ngôi bá chủ Trái đất

Khoảng 230 triệu năm trước, một hiện tượng thời tiết khắc nghiệt chưa từng có trong lịch sử Trái đất đã xảy ra: Trận mưa kéo dài suốt 2 triệu năm. Các nhà khoa học gọi đây là 'Giai đoạn mưa Carnian' (Carnian Pluvial Episode) – một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử tiến hóa, đã góp phần đẩy loài khủng long lên ngôi bá chủ hành tinh.

Vào cuối kỷ Trias, siêu lục địa Pangaea chiếm phần lớn diện tích đất liền. Cấu trúc khổng lồ này khiến khí hậu trở nên khô cằn, với lớp đất đỏ khô tích tụ rộng khắp. Tuy nhiên, những bằng chứng địa chất cho thấy một sự thay đổi bất ngờ đã diễn ra: đá trầm tích tại nhiều khu vực ven biển hiện đại đều chứa dấu tích sa thạch đỏ bị nước cuốn trôi, còn trong các địa tầng nội lục, một lớp đá mỏng màu xám chứa vết mưa dày đặc đã xuất hiện.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nghiên cứu từ các mẫu hóa thạch, dữ liệu địa hóa và xác định niên đại bằng carbon phóng xạ cho thấy, Trái đất từng trải qua một giai đoạn mưa toàn cầu kéo dài suốt 2 triệu năm – một sự kiện hiếm thấy cả về quy mô lẫn tác động sinh học.

Giai đoạn mưa Carnian không chỉ làm thay đổi cảnh quan địa lý, mà còn gây ra cuộc đại biến động sinh học. Hàng loạt loài động vật và thực vật không thích nghi được với điều kiện ẩm ướt đã biến mất. Những loài thực vật chịu hạn như dương xỉ thắt nút, thông đá – nguồn thức ăn chính của nhiều loài động vật ăn cỏ – bị thay thế bởi thực vật hạt trần như thông, bách, linh sam, có cấu trúc xơ sợi thô, khó tiêu hóa.

Điều này gây ra một phản ứng dây chuyền: động vật ăn cỏ không thể tiêu hóa hiệu quả loài cây mới đã suy giảm mạnh về số lượng, kéo theo sự sụp đổ của quần thể động vật ăn thịt phụ thuộc vào chúng.

Trong bối cảnh hỗn loạn đó, khủng long – trước đó chỉ chiếm chưa đến 5% các loài động vật có xương sống trên cạn – lại bất ngờ trỗi dậy. Với hệ tiêu hóa phát triển, răng thích nghi tốt và thậm chí có cả sỏi dạ dày giúp nghiền nát thực vật, khủng long đã vượt qua thử thách dinh dưỡng một cách ngoạn mục.

Chúng còn có khả năng đứng thẳng để tiếp cận các tán lá cao, một lợi thế sống còn khi các loài cây mới đều có thân cao. Sau giai đoạn mưa Carnian, tỷ lệ hóa thạch khủng long trong các địa tầng đã tăng vọt, chiếm hơn 90% số động vật có xương sống trên cạn – báo hiệu sự bắt đầu của kỷ nguyên thống trị kéo dài hơn 100 triệu năm sau đó.

Điều gì đã gây nên trận mưa lịch sử này? Giả thuyết được nhiều nhà khoa học ủng hộ nhất cho rằng, nguyên nhân bắt nguồn từ hoạt động núi lửa mạnh mẽ trên toàn cầu – hệ quả của sự phân tách dần dần của siêu lục địa Pangaea.

Hoạt động núi lửa liên tục thải một lượng lớn CO2 vào khí quyển, khiến nhiệt độ toàn cầu tăng cao và làm bốc hơi nước từ đại dương với quy mô chưa từng thấy. Hơi nước này, khi gặp điều kiện thích hợp, đã xâm nhập vào sâu trong lục địa, thậm chí đến cả những vùng khô hạn nhất, tạo nên một chuỗi mưa dài dằng dặc suốt hàng triệu năm.

Trong quá trình này, một "cân bằng động" được hình thành giữa lượng CO2 sinh ra từ núi lửa và lượng bị loại bỏ thông qua mưa – cho đến khi hoạt động núi lửa lắng xuống, kết thúc một chương đặc biệt của lịch sử Trái đất.

Trận mưa kéo dài suốt 2 triệu năm không chỉ thay đổi khí hậu, cảnh quan mà còn tái định hình toàn bộ hệ sinh thái Trái đất. Trong sự đổ vỡ hàng loạt của các hệ sinh học cũ, khủng long là loài đã thích nghi, trỗi dậy và dần vươn lên thống trị hành tinh xanh.

Từ một kẻ bên lề tiến hóa, khủng long đã trở thành biểu tượng quyền lực của kỷ Jura – nhờ một cơn mưa không ngớt từ hàng triệu năm trước.

Như Ý (t/h)

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/bi-an-tran-mua-keo-dai-2-trieu-nam-dua-khung-long-len-ngoi-ba-chu-trai-dat/20250503093936166
Zalo