Giải mã khả năng 'định vị thần kỳ' của chim bồ câu đưa thư

Trong các bộ phim cổ trang hay chiến tranh, hình ảnh chim bồ câu đưa thư sải cánh giữa trời, mang theo những mảnh giấy bí mật luôn khiến khán giả thích thú. Nhưng điều gì khiến một loài chim không biết đọc, cũng chẳng hiểu địa chỉ, lại có thể đưa thư chính xác về đúng nơi cần đến?

Theo các nhà sinh vật học, chim bồ câu không tìm đường bằng bản đồ, mà dựa vào khả năng cảm nhận từ trường Trái Đất – điều mà con người hoàn toàn không thể cảm nhận bằng giác quan. Năm 2013, các nhà nghiên cứu phát hiện một loại tế bào đặc biệt nằm ở phần mỏ trên của chim bồ câu, có khả năng nhận biết sự thay đổi của từ trường.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Khi sống ở một địa điểm lâu dài, những tế bào này ghi nhớ cường độ từ trường tại đó. Dù bị bịt mắt và đưa đến một nơi xa lạ, chim bồ câu vẫn có thể cảm nhận sự khác biệt của từ trường và xác định phương hướng để quay về điểm gốc.

Thí nghiệm thực tế càng củng cố giả thuyết này: khi các nhà khoa học gắn cuộn dây điện lên đầu chim bồ câu để tạo ra từ trường giả, những con chim mất hoàn toàn khả năng định hướng – bay vòng quanh không mục đích.

Vậy liệu chim bồ câu có thể bị xao nhãng trên đường về – như mải chơi, mải ăn hay... tán tỉnh đồng loại? Không hề.

Chim bồ câu là loài cực kỳ gắn bó với "nhà". Chúng cảm thấy bất an nếu ở xa tổ quá lâu và luôn tìm mọi cách trở về. Thêm vào đó, với thân hình nhỏ bé, chúng luôn nằm trong tầm ngắm của các loài săn mồi, nên bản năng cảnh giác luôn giữ chúng trên đường bay thẳng tiến về tổ ấm.

Tuy nhiên, không phải con chim bồ câu nào cũng là "thư tín viên" bẩm sinh. Muốn chúng đưa thư, con người cần huấn luyện kỹ lưỡng. Và quan trọng nhất: chim bồ câu chỉ có thể gửi thư về nhà, chứ không thể chuyển đến bất kỳ địa chỉ nào như trong phim.

Ngày nay, khi tin nhắn có thể gửi đi chỉ trong tích tắc, chim bồ câu đưa thư dường như chỉ còn là biểu tượng lãng mạn của quá khứ. Nhưng những bí mật khoa học đằng sau loài chim này vẫn khiến giới nghiên cứu kinh ngạc và kính nể.

Có lẽ, điều kỳ diệu nhất không nằm ở những lá thư, mà ở khả năng "tìm đường về nhà" – một kỹ năng tưởng chừng chỉ con người mới có thể nắm giữ.

Như Ý (t/h)

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/giai-ma-kha-nang-dinh-vi-than-ky-cua-chim-bo-cau-dua-thu/20250503095128942
Zalo