'Chớp giờ vàng' cứu người bệnh

Ê kíp cấp cứu ngoại viện Bệnh viện E (Hà Nội) luôn trực 24/24h để sẵn sàng tham gia vận chuyển cấp cứu người bị tai nạn, đột quỵ, cấp cứu tim mạch, ngộ độc... nhằm nỗ lực cấp cứu kịp thời, tăng cơ hội sống cho bệnh nhân.

 Ê kíp cấp cứu ngoại viện Bệnh viện E nỗ lực cấp cứu kịp thời cho người bệnh. Ảnh: BVCC

Ê kíp cấp cứu ngoại viện Bệnh viện E nỗ lực cấp cứu kịp thời cho người bệnh. Ảnh: BVCC

Khẩn trương đến hiện trường để "chớp giờ vàng"

Thời khắc Giao thừa Ất Tỵ 2025 vừa chuyển giao, kíp cấp cứu ngoại viện Bệnh viện E, gồm: xe cấp cứu, một bác sĩ, một điều dưỡng, đã khẩn trương, liên tiếp đưa 2 người bệnh vào cấp cứu.

Bệnh nhân nam, 80 tuổi, ở Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội), bị ngã xuống nền cứng, tình trạng tiếp xúc chậm, đau vùng cột sống thắt lưng, mông và đùi, hạn chế vận động. Chỉ 30 giây sau khi tổng đài cấp cứu ngoại viện Bệnh viện E nhận điện thoại, tổ trực cấp cứu khởi động, đến hiện trường trong 10 phút để tiếp nhận bệnh nhân sơ cứu, đánh giá toàn trạng và chuyển về Bệnh viện E.

Các bác sĩ trực cấp cứu đã khám và chẩn đoán, người bệnh bị chấn thương cột sống thắt lưng và theo dõi tai biến mạch máu não.

Ngay sau đó, đội cấp cứu tiếp tục đưa bệnh nhân V.T.B (88 tuổi, ở Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) vào bệnh viện chỉ sau vài phút nhận được thông tin từ người nhà bệnh nhân. Người bệnh nhập viện trong tình trạng lơ mơ, tiếp xúc khó, phù nhẹ 2 chi, yếu nửa người bên trái.

Sau kết quả chiếu chụp cần thiết, bệnh nhân được theo dõi tai biến mạch máu não, tăng huyết áp và biến chứng của bệnh đái tháo đường…

Chị Đặng Thị T., người nhà của cụ B., xúc động nói: "Thật may vì các bác sĩ và xe cấp cứu của Bệnh viện E đã đến rất nhanh sau khi gia đình gọi điện tới tổng đài cấp cứu ngoại viện. Bác sĩ nhanh chóng đánh giá tình hình của cụ, thông tin chi tiết tới gia đình và kíp cấp cứu đã đưa cụ tới viện kịp thời".

Đó chỉ là 2 trong số hàng nghìn bệnh nhận được cấp cứu kịp thời khi sử dụng hoạt động "vận chuyển người bệnh cấp cứu ngoại viện" của Bệnh viện E. Chỉ vài chục giây sau mỗi cuộc gọi cấp cứu, xe cấp cứu ngoại viện của Bệnh viện E đã nhanh chóng lên đường đến với người bệnh, bất kể ngày đêm, nhằm "chớp giờ vàng" cứu sống bệnh nhân.

BSCKII Phạm Xuân Hiếu, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện E, cho biết, cấp cứu cho người bệnh là phải "tiết kiệm" đến từng giây bởi thời gian tiếp cận người bệnh càng nhanh thì cơ hội cứu được người bệnh càng cao.

"Kíp cấp cứu ngoại viện luôn có phương châm 'tại chỗ, khẩn trương, kiên trì và đúng kỹ thuật', bằng mọi cách phải cấp cứu nhanh nhất có thể cho bệnh nhân. Lực lượng cấp cứu 115 của bệnh viện chỉ cần nghe cuộc gọi là sẵn sàng lên đường.

Không chỉ có những người tiếp cận bệnh nhân, ngay cả lực lượng điều phối cấp cứu khi nhận cuộc gọi cũng luôn sẵn sàng khai thác và hướng dẫn người nhà thực hiện một số biện pháp sơ cấp cứu trong khi chờ xe đến", bác sĩ Hiếu cho biết.

Thêm một địa chỉ cấp cứu cho người dân

TS.BS Nguyễn Công Hựu, Giám đốc Bệnh viện E, cho biết, cấp cứu ngoại viện Bệnh viện E ra đời ngày 1/11/2023 nhằm cùng với Trung tâm cấp cứu 115 đáp ứng nhu cầu cấp cứu ngoại viện của người dân.

Theo TS. Nguyễn Công Hựu, kỹ năng sơ cấp cứu ngoại viện có vai trò quan trọng, giúp giảm thiểu nguy cơ tử vong và mức độ thương tật cho người bệnh. Tuy nhiên, kỹ năng này của người dân hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế.

"Người bệnh đột quỵ với khoảng "thời gian vàng" từ 3 đến 4 giờ đầu sau khi khởi phát, nếu người bệnh được cấp cứu kịp thời và đưa đến bệnh viện đúng lúc thì cơ hội sống và phục hồi rất cao.

Nhiều trường hợp bị chấn thương do tai nạn giao thông, lao động, sinh hoạt… không được xử trí cấp cứu ban đầu, không được kiểm soát các chức năng sống (như đường thở, hô hấp, tuần hoàn), không được băng bó, cầm máu, cố định xương gãy đúng cách… làm mất cơ hội cứu chữa, thậm chí tử vong trước khi được đưa đến bệnh viện.

Do đó, Bệnh viện E tham gia hệ thống cấp cứu ngoại viện cùng với Trung tâm cấp cứu 115 nhằm góp phần giảm tải cho Trung tâm cấp cứu 115, sơ cấp cứu và đưa người bệnh đến các bệnh viện kịp thời".

Nhân lực của Tổ cấp cứu ngoại viện Bệnh viện E gồm: Khoa cấp cứu, ê-kíp trực cấp cứu, bác sĩ nội trú, tổ xe và Tổ chăm sóc khách hàng - Phòng Công tác xã hội. Lực lượng tham gia cấp cứu được đào tạo kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu, phát hiện, xử trí tình huống và đưa bệnh nhân vào khoa cấp cứu của các cơ sở y tế nhanh nhất, an toàn.

Khi tiếp cận được bệnh nhân, bác sĩ sẽ đánh giá nhanh toàn trạng người bệnh để quyết định phương án xử trí lập tức.

"Kíp cấp cứu ngoại viện ngoài trình độ chuyên môn còn cần có bản lĩnh, tinh thần thép. Ê-kíp cấp cứu ngoại viện nhiều lúc bị chi phối bởi nhiều yếu tố phức tạp. Ở đó, không hề có lớp bảo vệ nào, nhân viên y tế phải nhạy bén để tự xử lý nếu có tình huống nguy hiểm, trên tinh thần hỗ trợ cao nhất cho bệnh nhân.

Các bác sĩ, điều dưỡng sẵn sàng cõng người bệnh từ nhà cao tầng mà lối cầu thang rất nhỏ, hẹp, dốc không thể dùng cáng. Họ cũng có tâm trạng như người thân khi bệnh nhân tiên lượng nặng, họ lại càng thêm nỗ lực để giành lại sự sống cho người bệnh", bác sĩ Hiếu chia sẻ.

Sau hơn 1 năm triển khai, hệ thống cấp cứu ngoại viện Bệnh viện E đã tiếp nhận hơn 1.500 cuộc gọi từ Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội và người dân. Ê-kíp cấp cứu ngoại viện đã xử trí nhanh chóng, khẩn trương và chính xác hầu như các tình huống cấp cứu cho người bệnh.

Hoàng Nguyên

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/chop-gio-vang-cuu-nguoi-benh-2025021412572858.htm
Zalo