Chính thức công bố dự án lá chắn Vòm Vàng và tham vọng của Tổng thống Mỹ Donald Trump
Ngày 20/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đã lựa chọn thiết kế chính thức cho hệ thống lá chắn phòng thủ tên lửa không gian Vòm Vàng (Golden Dome) trị giá 175 tỷ USD.

Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố dự án lá chắn Vòm Vàng tại Phòng Bầu dục, ngày 20/5. (Nguồn: Reuters)
Báo The Guardian cho biết, theo kế hoạch, 25 tỷ USD từ ngân sách năm tới sẽ được phân bổ cho giai đoạn đầu xây dựng hệ thống.
Tổng thống Trump đồng thời chỉ định Tướng Michael Guetlein thuộc Lực lượng Không gian Mỹ làm người đứng đầu dự án đầy tham vọng này. Đây được xem là trụ cột trong chiến lược quân sự mà ông Trump theo đuổi trong nhiệm kỳ thứ hai.
Theo Reuters, phát biểu tại họp báo ở Nhà Trắng, ông Trump nhấn mạnh, Vòm Vàng sẽ “bảo vệ quê hương của chúng ta” và cho biết, Canada đã bày tỏ mong muốn tham gia vào hệ thống này, dù văn phòng Thủ tướng Mark Carney chưa đưa ra bình luận chính thức.
Dự án Vòm Vàng, do ông Trump chỉ đạo triển khai từ tháng 1/2025, nhằm thiết lập một mạng lưới vệ tinh để phát hiện, theo dõi và đánh chặn các tên lửa đạn đạo tiềm tàng. Dự kiến, hàng trăm vệ tinh sẽ được triển khai để phục vụ công tác cảnh báo sớm và phản ứng nhanh.
Ông chủ Nhà Trắng cho hay, Vòm Vàng sẽ được trang bị công nghệ "thế hệ tiếp theo" với khả năng đánh chặn các tên lửa từ mọi nguồn, bao gồm cả những tên lửa được phóng từ khoảng cách xa hoặc từ không gian.
Hệ thống Vòm Vàng sẽ được triển khai toàn diện trên ba môi trường: đất liền, biển và không gian, nhằm tạo thành một lá chắn phòng thủ hoàn chỉnh bảo vệ lãnh thổ Mỹ.
Ông Trump dẫn lại ý tưởng “Chiến tranh giữa các vì sao” (Star Wars) do cố Tổng thống Ronald Reagan khởi xướng vào những năm 1980, cho rằng: “Ronald Reagan từng mong muốn điều này từ nhiều năm trước, nhưng lúc đó công nghệ chưa đủ phát triển”.
Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ kỳ vọng hệ thống Vòm Vàng sẽ hoàn tất trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 1/2029. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong ngành tỏ ra hoài nghi về tiến độ cũng như chi phí thực tế. Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) mới đây ước tính, tổng chi phí cho dự án này có thể lên tới 831 tỷ USD trong vòng hai thập niên tới.
Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth đánh giá, đây là "khoản đầu tư mang tính thế hệ vào an ninh của nước Mỹ".
Ông Tom Karako, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), nhận định: “Điểm mới ở đây là con số 175 tỷ USD – nhưng câu hỏi đặt ra là số tiền này trải dài trong bao lâu. Có thể là trong 10 năm. Tuy nhiên, nếu kết hợp được thế mạnh công nghệ phần mềm của Thung lũng Silicon với các hệ thống phòng thủ tên lửa sẵn có, thì tiềm năng là có thật”.
Tại sự kiện công bố, Thượng nghị sĩ Kevin Cramer (bang North Dakota) nhấn mạnh, việc tham gia của các công ty công nghệ mới như SpaceX, Palantir và Anduril đang thay đổi cục diện: “Hệ sinh thái phòng thủ không gian tự động mới hiện nay thiên về công nghệ phần mềm hơn là ‘các khối kim loại lớn’ truyền thống”.
“Khối kim loại lớn” (big metal) là thuật ngữ chỉ các nhà thầu quốc phòng lâu đời như Lockheed Martin, RTX Corp hay L3Harris Technologies – những cái tên cũng được nêu trong danh sách các đối tác tiềm năng cho dự án.
Trong số này, L3Harris đã đầu tư 150 triệu USD vào cơ sở mới tại Fort Wayne (bang Indiana) – nơi đang sản xuất vệ tinh cảm biến theo dõi tên lửa siêu vượt âm và đạn đạo, có thể được tích hợp vào hệ thống Vòm Vàng.
Vòm Vàng được lấy cảm hứng từ hệ thống phòng thủ Iron Dome (Vòm Sắt) của Israel, nhưng quy mô lớn hơn nhiều. Ngoài vệ tinh giám sát, hệ thống còn bao gồm cả các vệ tinh vũ trang, có khả năng đánh chặn tên lửa ngay sau khi chúng được phóng đi.
Ông Trump tuyên bố rằng, các bang Alaska, Florida, Georgia và Indiana sẽ là những địa điểm trọng điểm trong quá trình triển khai hệ thống này.
Tuy nhiên, nguồn tài chính cho dự án vẫn chưa chắc chắn. Các nghị sĩ Cộng hòa đề xuất khoản đầu tư ban đầu 25 tỷ USD nằm trong khuôn khổ gói quốc phòng 150 tỷ USD, nhưng số tiền này lại phụ thuộc vào một dự luật hòa giải ngân sách gây nhiều tranh cãi trong Quốc hội.
“Mọi thứ sẽ đổ bể nếu dự luật hòa giải không được thông qua”, một lãnh đạo ngành công nghiệp nhận định. Theo đó, “cả tiến độ của dự án cũng sẽ gặp nguy hiểm”.