Stalingrad và Volgograd - hai tên gọi, một dòng chảy lịch sử

Trên thế giới, có những tên gọi thành phố vượt ra khỏi vai trò của một địa danh đơn thuần. Những cái tên ấy thường gắn liền với các biến động lịch sử và theo thời gian, trở thành biểu tượng. Ở nước Nga suốt một thập kỷ qua, vào mỗi dịp lễ trọng đại liên quan đến Thế chiến II, thành phố Volgograd lại trở về với cái tên trước đó - Stalingrad.

Một cái tên không chỉ mang ký ức thời Liên Xô, mà còn gợi nhớ đến chiến thắng oanh liệt khi Hồng quân đánh bại phát xít Đức năm 1943 - tạo bước ngoặt xoay chuyển cục diện Thế chiến II, cuộc chiến tàn khốc và quy mô nhất trong lịch sử nhân loại. Và mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên tiếng khi dư luận trong và ngoài nước đồn đoán về khả năng khôi phục chính thức tên gọi Stalingrad cho thành phố này.

Tổng thống Putin và người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko hôm 29/4 đặt hoa tưởng niệm một trong những Anh hùng Liên Xô nổi tiếng Vasily Ivanovich Chuykov. Nguồn: Andrey Gordeyev, Vedomosti.

Tổng thống Putin và người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko hôm 29/4 đặt hoa tưởng niệm một trong những Anh hùng Liên Xô nổi tiếng Vasily Ivanovich Chuykov. Nguồn: Andrey Gordeyev, Vedomosti.

1. Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng phát xít (9/5/1945 - 9/5/2025), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh đổi tên Sân bay Quốc tế Volgograd thành Sân bay Quốc tế Stalingrad. Sắc lệnh được công bố hôm 29/4, trong đó nêu rõ: "Để lưu giữ chiến thắng của nhân dân Liên Xô trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại 1941-1945, tôi ra sắc lệnh đổi tên Sân bay Quốc tế Volgograd bằng tên gọi lịch sử Stalingrad". Động thái này diễn ra ngay sau chuyến thăm Volgograd của Tổng thống Putin và người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko.

Theo truyền thông Nga, bước đi nêu trên không phải là một quyết định đơn lẻ, mà nằm trong chiến dịch quy mô toàn quốc của xứ sở Bạch dương với chủ đề "Những cái tên vĩ đại của nước Nga" - một chiến dịch bắt đầu từ năm 2019 nhằm gắn tên gọi của các sân bay, nhà ga và công trình công cộng với các biểu tượng lịch sử quốc gia.

Ngược về quá khứ, trận Stalingrad (17/7/1942 - 2/2/1943) được giới phân tích đánh giá là một trong những trận đánh khốc liệt và có ảnh hưởng sâu rộng nhất lịch sử nhân loại. Theo nhà sử học Geoffrey Roberts, với gần 2 triệu người thiệt mạng và bị thương, trận chiến này không chỉ đánh dấu thất bại nặng nề nhất của phát xít Đức mà còn mở ra cục diện mới với thế chủ động ở mặt trận phía Đông trong Thế chiến II. Cuộc chiến diễn ra ác liệt trên từng tấc đất của thành phố Stalingrad, nay là Volgograd.

Hồng quân Liên Xô đã kiên cường phòng thủ và phản công, đặc biệt trong chiến dịch "Sao Thiên Vương" tháng 11/1942, bao vây và tiêu diệt Tập đoàn quân số 6 của phát xít Đức. Ngày 2/2/1943, Thống chế Friedrich Paulus cùng 24 tướng lĩnh và hàng chục nghìn binh sĩ phát xít Đức buộc phải đầu hàng. Như vậy, Stalingrad không chỉ là tên một địa danh mà còn là biểu tượng của lòng dũng cảm và ý chí chiến đấu vì chính nghĩa.

2. Chỉ một hôm sau sắc lệnh đổi tên sân bay, tại một diễn đàn, Tổng thống Putin đã nhận được câu hỏi về khả năng khôi phục tên gọi Stalingrad với cả thành phố. Không áp đặt, không phủ nhận, ông đáp lời với sự trân trọng, rằng đó là một ý tưởng hợp lý nếu xét đến tầm vóc lịch sử của trận chiến, nhưng quyết định sau cùng phải thuộc về những người đang sinh sống trên mảnh đất Volgograd hôm nay. Volgograd là thành phố nằm trải dài hơn 90km theo dòng sông Volga và cách Thủ đô Moscow gần 1.000km về phía Đông Nam.

Với diện tích khoảng 859 km² và dân số vượt mốc 1 triệu người, theo Moscow Times, Volgograd hiện giữ vai trò trung tâm hành chính của tỉnh cùng tên, đồng thời là đầu mối quan trọng trong mạng lưới công nghiệp và thương mại của cả nước. Thành phố tập trung nhiều ngành sản xuất chủ lực, trong đó nổi bật là cơ khí chế tạo, luyện kim, hóa chất. Đặc biệt, với nhà máy thủy điện Volga - một trong những công trình thủy điện lớn nhất châu Âu, Volgograd trở thành mắt xích then chốt trong hệ thống cung cấp năng lượng của khu vực và toàn quốc. Tất cả những yếu tố trên đã định hình nên một thành phố hiện đại, năng động, vừa mang dáng dấp lịch sử, vừa là đầu tàu công nghiệp của vùng hạ lưu sông Volga.

Thành phố này từng mang những cái tên khác nhau qua từng thời kỳ lịch sử. Theo đó, thành lập năm 1589 với tên gọi Tsaritsyn, nơi đây ban đầu chỉ là một pháo đài quân sự, nhằm bảo vệ biên giới phía Nam dưới thời các Sa hoàng trước những cuộc đột kích của các lực lượng thảo nguyên như người Tatar và Cossack. Cả hai lực lượng này đều từng nhiều lần chiếm đóng hoặc giao tranh tại Tsaritsyn trong các thế kỷ XVII và XVIII, góp phần hình thành một bản sắc kháng cự và kiên cường của thành phố. Tên gọi Tsaritsyn không liên quan đến "tsar" (Sa hoàng Nga) như nhiều người vẫn nghĩ, mà bắt nguồn từ con sông Tsaritsa - một nhánh nhỏ chảy qua trung tâm thành phố trước khi đổ vào dòng Volga.

Chính vị trí chiến lược nằm ở ngã ba sông này đã khiến thành phố trở thành điểm trung chuyển hàng hóa và giao thương quan trọng, đặc biệt sau khi tuyến đường sắt Volga - Don đi vào hoạt động năm 1862. Đến năm 1925, thành phố được đổi tên thành Stalingrad để tôn vinh vai trò của nhà lãnh đạo Joseph Stalin trong Nội chiến Nga chống quân Bạch vệ. Và tới năm 1961 dưới thời xét lại của nhà lãnh đạo Nikita Khrushchev, thành phố được đổi sang Volgograd.

Từ đó tới nay, thành phố vẫn giữ nguyên danh xưng. Nhưng cái tên Stalingrad dường như không hề phai nhạt trong ký ức của những người Nga ở thế hệ trước. Thực tế, vào năm 2013, sau khi nhận được nhiều kiến nghị của gia đình các cựu binh Liên Xô, trong phiên họp toàn thể chuẩn bị lễ kỷ niệm trọng đại đánh dấu 70 năm chiến thắng Stalingrad (2/2/1943 - 2/2/2013), hội đồng thành phố đã quyết định rằng từ thời điểm đó trở đi sẽ khôi phục tên Stalingrad vào 7 ngày trong năm.

Theo TASS, tên của Thành phố Anh hùng Stalingrad sẽ được sử dụng trên văn bản chính thức trong các sự kiện liên quan vào các dịp như sau: Ngày kết thúc trận đánh Stalingrad (2/2), Ngày Chiến sĩ bảo vệ Tổ quốc (23/2), Ngày Chiến thắng chủ nghĩa phát xít (9/5), Ngày Đức tấn công Liên Xô mở màn cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (22/6), Ngày kết thúc Thế chiến II (2/9), Ngày Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại (7/11) và Ngày bắt đầu Tổng phản công quân Đức ở Stalingrad (19/11).

3. Theo giới học giả, sắc lệnh của Điện Kremlin về việc đổi tên sân bay Volgograd thành Stalingrad cũng như các nghị quyết của hội đồng thành phố cho phép tạm thời sử dụng tên gọi cũ vào những ngày lễ trọng đại liên quan tới Thế chiến II không đơn thuần là chỉ để tưởng niệm, mà ẩn chứa nhiều tầng lớp ý nghĩa. Thứ nhất, đó là một cách để nhắc lại lịch sử - một ký ức đau thương nhưng vô cùng hào hùng với thế hệ hôm nay và mai sau. Cái tên Stalingrad không chỉ gắn liền với một địa danh hay một trận đánh, mà tượng trưng cho tinh thần bất khuất và lòng yêu nước của nhân dân Liên Xô trong cuộc chiến chống phát xít. Thứ hai, hành động này mang tính xây dựng bản sắc dân tộc và củng cố tình đoàn kết, khi biểu tượng lịch sử được hồi sinh có chọn lọc, nhằm nhấn mạnh vai trò của nước Nga như người kế thừa chính đáng của chiến thắng.

Cuối cùng, theo một số nhà phân tích, đây còn là tín hiệu chính trị tinh tế, phản ánh chủ trương tái khẳng định vị thế và di sản của nước Nga trong bối cảnh quốc tế đầy biến động. Dù chỉ trong phạm vi biểu tượng, đó cũng là cách để Moscow truyền đi thông điệp rằng, nước Nga không quên lịch sử và cũng không để ai viết lại lịch sử.

Tuy nhiên, việc nhắc tới khả năng đổi tên chính thức từ Volgograd thành Stalingrad giữa thế kỷ XXI vẫn còn nhiều tranh cãi. Theo cuộc khảo sát gần nhất về vấn đề này của Trung tâm nghiên cứu dư luận Nga (VTsIOM), khoảng 67% cư dân Volgograd không đồng tình với việc đổi tên thành phố, trong khi chỉ 26% ủng hộ. Những người đưa ra quan điểm phản đối lý giải rằng việc đổi tên có thể đòi hỏi một khoản chi phí lớn, coi đây là việc không cần thiết. Ngược lại, những người ủng hộ chỉ rõ, Stalingrad là niềm tự hào. Nhưng dù người dân Nga sinh sống tại thành phố này có lựa chọn ra sao trong những cuộc trưng cầu dân ý, có một điều không bao giờ thay đổi - lịch sử và tinh thần bất diệt đã in dấu vào từng tấc đất nơi đây.

Dòng Volga vẫn không ngừng chảy xuôi, lặng lẽ nhưng mãnh liệt như một chứng nhân kiên định của thời gian. Bên bờ sông ấy, Stalingrad - biểu tượng của lòng quả cảm và ý chí sắt đá trong những năm tháng máu lửa hào hùng chưa bao giờ mất đi, mà chỉ chuyển mình thành Volgograd của hiện tại - một thành phố năng động, hiện đại. Chính điều đó tạo nên điểm tựa tinh thần vững chắc của nhân dân và nước Nga trong bối cảnh địa chính trị đầy biến động. Khi thế giới liên tục dịch chuyển, những giá trị cốt lõi như ký ức lịch sử, bản sắc dân tộc và lòng kiêu hãnh về một thời hào hùng lại càng trở nên quý giá.

Kim Khánh

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/stalingrad-va-volgograd-hai-ten-goi-mot-dong-chay-lich-su-i768913/
Zalo