Giáo sư Mỹ: Sức khỏe của thanh thiếu niên toàn cầu bước vào thời điểm bước ngoặt
Đến năm 2030, 464 triệu thanh thiếu niên được dự đoán sẽ bị thừa cân hoặc béo phì, tăng mạnh 143 triệu người so với năm 2015. Đáng chú ý, tình trạng này không còn là vấn đề của riêng các nước giàu có thu nhập cao.

Trẻ em bị mắc bệnh béo phì luyện tập để giảm cân tại Maryland, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo báo cáo mới công bố của Ủy ban Lancet, đến năm 2030, gần 500 triệu người trẻ từ 10 đến 24 tuổi trên toàn thế giới sẽ sống chung với tình trạng thừa cân hoặc béo phì – con số đáng báo động cho sức khỏe thế hệ tương lai.
Theo trang The Guardian (Anh), báo cáo cũng cho biết khoảng 1 tỷ thanh thiếu niên được dự báo có nguy cơ cao mắc các bệnh có thể phòng ngừa được, bao gồm trầm cảm, suy dinh dưỡng, HIV/AIDS và mang thai ở tuổi vị thành niên. Các chuyên gia cảnh báo sức khỏe giới trẻ toàn cầu đang tiến gần đến “ngưỡng tới hạn”.
Báo cáo chỉ ra rằng dù tỷ lệ tử vong ở nhóm tuổi này đã giảm hơn 25% trong 20 năm qua, nhưng các nguy cơ sức khỏe khác lại gia tăng nhanh chóng. Trong vòng 5 năm tới, ít nhất một nửa số thanh thiếu niên toàn cầu sẽ sống ở các quốc gia mà tình trạng sức khỏe yếu kém đang trở thành vấn đề thường trực.
Đến năm 2030, 464 triệu thanh thiếu niên được dự đoán sẽ bị thừa cân hoặc béo phì, tăng mạnh 143 triệu người so với năm 2015. Đáng chú ý, tình trạng này không còn là vấn đề của riêng các nước giàu có thu nhập cao. Các khu vực như Mỹ Latin, Caribe, Bắc Phi và Trung Đông hiện ghi nhận hơn 1/3 thanh thiếu niên từ 10 đến 24 tuổi đang sống chung với tình trạng cân nặng vượt ngưỡng.
Một trong những điểm nhấn đáng lo ngại của báo cáo là sự suy giảm rõ rệt sức khỏe tinh thần ở người trẻ. Trầm cảm, lo âu và sang chấn tâm lý đang trở thành gánh nặng phổ biến nhưng chưa được quan tâm đúng mức.
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng được xác định là một trong những mối đe dọa dài hạn nghiêm trọng đối với thế hệ thanh thiếu niên. Các tác giả nhận định: "Thanh thiếu niên hôm nay là thế hệ đầu tiên phải sống trọn đời dưới ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu".
Dự kiến đến năm 2100, khoảng 1,9 tỷ người trẻ sẽ phải đối mặt với các nguy cơ như nắng nóng kéo dài, thiếu nước và mất an ninh lương thực.
Tuy nhiên, báo cáo cũng ghi nhận một số tín hiệu tích cực như tỷ lệ hút thuốc và uống rượu ở thanh thiếu niên giảm ở hầu hết các khu vực. Ngoài ra, số lượng người trẻ không được học hành, không việc làm hoặc không được đào tạo cũng giảm nhẹ.
Tuy vậy, những tiến bộ này đang bị đe dọa nghiêm trọng do ảnh hưởng kéo dài của đại dịch COVID-19 và tình trạng thiếu kinh phí đầu tư vào y tế vị thành niên.
Giáo sư Sarah Baird, Đại học George Washington (Mỹ), đồng chủ tịch Ủy ban Lancet, nhấn mạnh: “Sức khỏe và hạnh phúc của thanh thiếu niên toàn cầu đang ở thời điểm bước ngoặt. Nếu không có hành động cụ thể, chúng ta đang đánh mất cả một thế hệ”.
Tiến sĩ Anshu Banerjee, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cũng kêu gọi các quốc gia đảm bảo thanh thiếu niên được tiếp cận dịch vụ y tế và thông tin chính xác, không bị phân biệt đối xử hay kỳ thị.
“Bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của giới trẻ không chỉ là nhiệm vụ y tế – mà còn là trách nhiệm với tương lai nhân loại”, ông cho biết.
Bà Johanna Ralston, Giám đốc điều hành Liên đoàn Béo phì Thế giới, nhấn mạnh rằng sự gia tăng béo phì không đơn thuần là kết quả của lựa chọn cá nhân, mà còn do hệ thống thực phẩm và y tế hiện tại đang thất bại trong việc bảo vệ người trẻ.
“Thanh thiếu niên đang bị bao quanh bởi thực phẩm siêu chế biến và môi trường sống không lành mạnh. Các chính sách hiện nay chưa đủ mạnh để bảo vệ họ”, bà nói.
Bà kêu gọi các chính phủ phải hành động khẩn cấp để tạo ra hệ thống thực phẩm, y tế lành mạnh hơn và ưu tiên sức khỏe của thanh thiếu niên trong các chiến lược y tế quốc gia.
Không có biên giới quốc gia nào cho những thách thức như biến đổi khí hậu, béo phì hay khủng hoảng tinh thần. Cũng vì thế, giải pháp cần có sự phối hợp toàn cầu, từ chính sách y tế đến giáo dục, từ cải cách thực phẩm đến bảo vệ quyền lợi người trẻ. Nếu chúng ta không hành động ngay hôm nay, tương lai hàng triệu người trẻ lớn lên trong tình trạng sức khỏe kém sẽ trở thành hiện thực.