Nga 'đá bóng' về phía Ukraine, nói khúc mắc chưa thể hóa giải, Mỹ chờ đợi nhưng EU lại đòi nhìn thấy... hậu quả

Giữa lúc cộng đồng quốc tế đang chờ đợi những diễn biến tiếp theo sau thông tin về bản ghi nhớ tiềm năng mà Nga mới hé lộ có thể sẽ ký với Ukraine, châu Âu vẫn tìm cách thúc đẩy những biện pháp gây sức ép lên Moscow.

Cộng đồng quốc tế đang chờ đợi những diễn biến tiếp theo trên bàn đàm phán về xung đột Nga-Ukraine. (Nguồn: Rferl)

Cộng đồng quốc tế đang chờ đợi những diễn biến tiếp theo trên bàn đàm phán về xung đột Nga-Ukraine. (Nguồn: Rferl)

'Bóng' trên sân Ukraine

Ngày 20/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, Ukraine cần quyết định liệu có hợp tác thảo luận về một bản ghi nhớ mà Moscow đề xuất trước thỏa thuận hòa bình trong tương lai hay không, bởi theo bà, những tuyên bố gần đây của Tổng thống Volodymyr Zelensky về mong muốn hòa bình hiện đòi hỏi Kiev phải hành động cụ thể để chứng minh những tuyên bố đó.

"Quả bóng hiện đang ở trên sân Kiev", bà Zakharova nhấn mạnh, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng, "bản năng bảo tồn những gì còn lại của nhà nước" Ukraine sẽ chiến thắng, buộc họ phải áp dụng một cách tiếp cận mang tính xây dựng hơn.

Hãng thông tấn TASS dẫn lời quan chức ngoại giao Nga cũng tái khẳng định nước này chưa bao giờ ngại đàm phán với Ukraine và sẵn sàng tiếp tục các cuộc tiếp xúc theo hướng này, lưu ý rằng Moscow mong muốn đạt được một giải pháp lâu dài và công bằng cho cuộc khủng hoảng.

Bà nhắc lại đề xuất trước đó của Tổng thống Nga Vladimir Putin sau cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Donald Trump ngày 19/5: "Moscow đề xuất Kiev làm việc trên bản ghi nhớ cho một hiệp ước hòa bình trong tương lai. Trong quá trình giải quyết xung đột, điều quan trọng là phải nhận ra rằng mục tiêu này không thể đạt được nếu không loại bỏ được nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột".

Theo bà, nếu đạt được thỏa thuận, các chi tiết chính phải được phối hợp, các nguyên tắc giải quyết phải được xây dựng và các ngày ký kết hiệp ước hòa bình cũng như bảo vệ lệnh ngừng bắn tiềm năng phải được thiết lập".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh, cách tiếp cận của nước này nhận được "sự đồng tình hoàn toàn của Tổng thống Mỹ Donald Trump", đồng thời cảnh báo, những nỗ lực áp đặt bất kỳ khung thời gian cố định nào cho các cuộc đàm phán giữa Moscow và Kiev hoặc đưa ra bất kỳ tối hậu thư nào đều hoàn toàn phản tác dụng.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hội đồng an ninh Nga Dmitry Medvedev cho rằng, hiện có khó khăn về pháp lý ở Ukraine khi không có nhân vật chủ chốt nào trong chính quyền Kiev đủ tư cách pháp lý đề ký kết một hiệp ước hòa bình tiềm tàng với Moscow.

Phát biểu tại Diễn đàn Pháp lý quốc tế St. Petersburg ngày 20/5, ông Medvedev đã viện dẫn Điều 8 của Công ước Vienna về Luật Điều ước quốc tế, trong đó nêu rõ các hành động liên quan việc ký kết điều ước, do một người không được ủy quyền thực hiện, đều không có giá trị pháp lý.

Bên cạnh đó, ông cũng viện dẫn Điều 46 nêu rõ những điều ước quốc tế được ký kết song vi phạm rõ ràng những thủ tục nội bộ đặc biệt quan trọng là vô hiệu.

Tuyên bố được cho nhằm ám chỉ việc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã hết nhiệm kỳ vào ngày 20/5/2024 và Ukraine đến nay vẫn chưa tiến hành bầu cử với lý do đang trong tình trạng thiết quân luật.

Châu Âu dồn ép Mỹ

Bất chấp kêu gọi từ phía Nga, Tổng thống Volodymyr Zelensky ngày 20/5 cáo buộc, Moscow đang tìm cách kéo dài thời gian để tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt và kiểm soát lãnh thổ Ukraine.

Theo nhà lãnh đạo, xung đột phải được giải quyết thông qua đàm phán và Ukraine "sẵn sàng cho bất kỳ hình thức đàm phán hiệu quả nào" nhưng cần có những đề xuất rõ ràng và thực tế. Ông Zelensky đồng thời cảnh báo, nếu "Nga tiếp tục đưa ra các điều kiện phi thực tế và phá hoại các kết quả có thể đạt được, phải có những hậu quả nghiêm trọng".

Tương tự Ukraine, phát biểu tại một hội nghị của các bộ trưởng Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels (Bỉ) ngày 20/5, Đại diện cấp cao EU về chính sách đối ngoại và an ninh Kaja Kallas kêu gọi Mỹ có "hành động mạnh mẽ" đối với Nga, nếu Moscow không đồng ý ngừng bắn vô điều kiện.

Hãng tin AFP dẫn lời bà Kallas tuyên bố: "Mỹ nói rằng, nếu Nga không đồng ý ngừng bắn vô điều kiện thì sẽ có hậu quả. Vì vậy, chúng tôi muốn thấy những hậu quả đó, cũng từ phía Mỹ".

EU đã áp đặt gói trừng phạt mới nhất, gói thứ 17, nhằm vào Nga, đồng thời khẳng định tiếp tục nỗ lực để áp đặt những đòn trừng phạt mạnh mẽ tiếp theo nhằm gây thêm sức ép buộc Moscow "cũng muốn hòa bình".

Trong khi đó, khác với sự nóng lòng từ Ukraine và châu Âu, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tỏ ra thận trọng với Moscow khi cho hay, Nga đã cam kết sẽ đưa ra các điều khoản cụ thể để đạt được thỏa thuận ngừng bắn với Ukraine, mở đường cho các cuộc đàm phán toàn diện hơn.

"Chúng tôi đang chờ đợi những đề xuất này. Khi nhận được các điều khoản cụ thể, chúng tôi sẽ có cái nhìn rõ ràng hơn về những tính toán của ông Putin", ông Rubio nói rõ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 19/5 đã có các cuộc điện đàm riêng với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Nga Vladimir Putin, sau khi các quan chức của Moscow và Kiev gặp nhau tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) hôm 16/5 trong cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên về xung đột sau 3 năm.

Tổng thống Putin liên tục bác bỏ đề xuất ngừng bắn 30 ngày do Kiev và các đồng minh phương Tây đưa ra.

Sau cuộc điện đàm với Tổng thống Trump, Tổng thống Putin cho biết, ông sẵn sàng làm việc với Ukraine về một "bản ghi nhớ" phác thảo lộ trình khả thi và các quan điểm khác nhau về việc kết thúc xung đột.

Bảo Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nga-da-bong-ve-phia-ukraine-noi-khuc-mac-chua-the-hoa-giai-my-cho-doi-nhung-eu-lai-doi-nhin-thay-hau-qua-315009.html
Zalo