Trung Quốc phát triển UAV khổng lồ tàng hình: Thách thức phương Tây?
Trung Quốc đang thúc đẩy một bước tiến lớn trong chiến lược quân sự với việc phát triển Jiutian, một tàu bay mẹ không người lái (UAV) khổng lồ, được thiết kế để thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận chiến tranh hiện đại.
Theo National Interest, sự ra đời của Jiutian không chỉ phản ánh bước tiến công nghệ của Bắc Kinh mà còn đặt ra thách thức trực tiếp đối với mô hình đầu tư quốc phòng hiện tại của phương Tây, đặc biệt là Mỹ.
Trong khi Mỹ tiếp tục tài trợ cho các dòng máy bay chiến đấu có người lái thế hệ mới như F-47, đồng thời định nâng cấp F-35 Lightning II thành F-55, thì Trung Quốc đang theo đuổi chiến lược khác biệt. Thay vì tập trung vào các máy bay chiến đấu truyền thống với chi phí cao, Bắc Kinh lựa chọn phát triển UAV giá thành thấp hơn, khả năng triển khai linh hoạt hơn và phù hợp với bối cảnh tác chiến hiện đại.

Jiutian, loại UAV tàu mẹ của Trung Quốc - Ảnh: CCTV
Chiến lược thống trị bầu trời
Quá trình hiện đại hóa lực lượng không quân của Trung Quốc đang đi theo hướng hoàn toàn khác với phương Tây. Điểm nổi bật là việc từ bỏ sự phụ thuộc vào máy bay có người lái và hướng đến một lực lượng không quân không người lái quy mô lớn. Đây là sự thay đổi chiến lược mang tính hệ thống, không chỉ trong sản phẩm mà còn trong cách tư duy về chiến tranh.
Jiutian SS là mẫu máy bay không người lái cỡ lớn do Tập đoàn Công nghiệp hàng không Trung Quốc (AVIC) phát triển, thể hiện rõ định hướng mới trong chiến lược không quân của Bắc Kinh. Ra mắt lần đầu tại Triển lãm Hàng không Chu Hải năm 2024, Jiutian có kích thước tương đương máy bay ném bom B-25 Mitchell thời Thế chiến 2, nhưng vượt xa vai trò giám sát thông thường. Điểm đặc biệt của mẫu UAV này nằm ở khoang nhiệm vụ dạng mô đun, cấu trúc theo kiểu tổ ong phi tiêu chuẩn, cho phép tích hợp và triển khai linh hoạt nhiều UAV tấn công cỡ nhỏ.
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) hôm 20.5 cho biết Jiutian có khả năng phóng đồng loạt tới 100 máy bay không người lái mini, và dự kiến sẽ tiến hành các chuyến bay thử nghiệm trong vài ngày tới. Một đoạn video lan truyền trên nền tảng X đã ghi lại cảnh Jiutian vận hành, trong đó cho thấy các UAV được thả ra từ cả hai bên thân máy bay, phản ánh thiết kế tối ưu cho khả năng triển khai đồng thời nhiều thiết bị bay không người lái.
Đoạn video về Jiutian được chia sẻ trên mạng xã hội X - Video: X
Việc tích hợp khả năng tấn công phân tầng bằng nhiều UAV nhỏ giúp Jiutian có thể thực hiện nhiều loại nhiệm vụ cùng lúc, bao gồm trinh sát, theo dõi mục tiêu, tấn công tầm xa và hỗ trợ hỏa lực từ trên cao. Điều này làm nâng cao hiệu quả chiến đấu, đồng thời tạo áp lực chiến thuật lớn lên hệ thống phòng thủ của đối phương.
Bên cạnh đó, một trong những yếu tố then chốt tạo nên ưu thế của Jiutian là khả năng hoạt động ở độ rất cao, điều được phản ánh ngay trong tên gọi (Jiutian có nghĩa là “cửu thiên” hay “bầu trời cao” trong tiếng Trung). Cấu trúc tàng hình kết hợp với độ cao hoạt động giúp UAV này khó bị radar mặt đất phát hiện, từ đó nâng cao năng lực sống sót trong môi trường có lực lượng phòng không mạnh.
Một cải tiến kỹ thuật đáng chú ý là động cơ đẩy đơn phía sau. Thiết kế này giúp giảm diện tích phản xạ radar và hỗ trợ tàng hình hiệu quả hơn. Jiutian được kỳ vọng sẽ hoạt động phía sau các đợt tấn công tên lửa phủ đầu, đóng vai trò củng cố kiểm soát không phận và ngăn chặn phản công từ phía đối phương.
Quá trình phát triển UAV của Trung Quốc đã diễn ra trong nhiều năm với sự âm thầm nhưng bền bỉ. Kể từ 2010, Bắc Kinh đã xuất khẩu nhiều mẫu UAV như Wing Loong và Caihong đến các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi như UAE, Ai Cập, Ả Rập Saudi. Phản hồi từ thực địa giúp Trung Quốc tinh chỉnh và nâng cấp sản phẩm, từ đó tiến đến phát triển các nền tảng phức tạp hơn như Jiutian.
Khả năng sản xuất hàng loạt với chi phí thấp là một lợi thế cạnh tranh then chốt. Một đội hình Jiutian hoạt động phối hợp cùng nhiều UAV tấn công nhỏ hơn có thể tạo ra khả năng bão hòa phòng thủ đối phương, chiến thuật “biển UAV” này là một trong những yếu tố then chốt trong chiến tranh hiện đại.
Hiệu quả chiến đấu của UAV không còn là giả thuyết. Trong chiến tranh toàn cầu chống khủng bố, Mỹ là quốc gia tiên phong sử dụng UAV. Tuy nhiên, trong các cuộc chiến gần đây như Nga - Ukraine, Israel - Iran cho đến chiến dịch “Sindoor” kéo dài 4 ngày giữa Ấn Độ và Pakistan, UAV đã chứng minh là vũ khí thay đổi cục diện trận chiến.
Tại Nam Á, các máy bay chiến đấu J-10 của không quân Pakistan sử dụng tên lửa không đối không PL-15 do Trung Quốc sản xuất đã cản phá thành công các đợt tấn công của Ấn Độ, dù đối thủ sử dụng thiết bị tiên tiến hơn. Điều này cho thấy mô hình chiến tranh mới với UAV làm trung tâm, đang dần thay thế quan niệm cũ vốn đặt nặng vào các hệ thống vũ khí có người lái, đắt đỏ.
Tác động đến chiến lược phòng thủ phương Tây
Việc Trung Quốc phát triển Jiutian không chỉ là một bước tiến về công nghệ mà còn là lời cảnh báo đối với các chiến lược gia phương Tây. Với kho tên lửa đạn đạo đồ sộ và các nền tảng UAV tiên tiến như Jiutian, Trung Quốc đang xây dựng một mô hình chiến tranh chi phí thấp, hiệu quả cao, hoàn toàn trái ngược với cách tiếp cận truyền thống của Mỹ.
Trong khi đó, các hệ thống quốc phòng phương Tây vẫn đang đeo đuổi các dự án máy bay chiến đấu đắt đỏ, đòi hỏi nhân lực cao và phụ thuộc vào công nghệ thế hệ cũ. Quan niệm sùng bái buồng lái vẫn còn hiện diện rõ rệt trong các chính sách quốc phòng, dù thực tiễn chiến trường đã chứng minh sự cần thiết của các hệ thống tự động hóa cao, triển khai linh hoạt.
Dù đang trong thế bị động, phương Tây vẫn có cơ hội điều chỉnh chiến lược. Bài học then chốt là cần tập trung vào việc phát triển các loại vũ khí giá rẻ, phù hợp với bối cảnh tác chiến hiện đại thay vì đầu tư dàn trải vào các nền tảng truyền thống có chi phí cao. Sự kết hợp giữa số lượng và chất lượng vốn là điểm mạnh của Trung Quốc hiện nay, có thể trở thành hình mẫu mới cho chiến tranh hiện đại.
Trong giai đoạn tới, các quốc gia phương Tây có thể cân nhắc việc giảm mức độ can thiệp tại các khu vực như châu Âu và Trung Đông, đồng thời đầu tư mạnh hơn vào nghiên cứu công nghệ không người lái, vũ khí tự hành và hệ thống điều khiển tập trung.
Sự xuất hiện của Jiutian đánh dấu một bước ngoặt trong tư duy quân sự toàn cầu. Với khả năng triển khai nhiều UAV nhỏ, tàng hình tốt, tác chiến ở độ cao lớn và chi phí sản xuất thấp, Jiutian cho thấy Trung Quốc đang dẫn đầu một cuộc cách mạng trong các vấn đề quân sự hiện đại. Nếu phương Tây không nhanh chóng thích nghi, những nền tảng như Jiutian sẽ khiến họ trả giá đắt trên chiến trường tương lai.