Chính phủ sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho trung tâm tài chính quốc tế

Tại cuộc họp với các bộ, ngành và nhà đầu tư quốc tế, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cho biết Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế. Dự thảo nghị quyết liên quan dự kiến trình Quốc hội xem xét vào đầu tháng 5.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình trong cuộc họp sáng nay (28-4). Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình trong cuộc họp sáng nay (28-4). Ảnh: VGP

Sáng nay (28-4), Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các bộ, ngành, ngân hàng, quỹ đầu tư và nhà đầu tư quốc tế về việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, baochinhphu.vn đưa tin.

Hội nghị này nhằm tiếp tục trao đổi và tiếp thu ý kiến tham vấn từ các tổ chức quốc tế, định chế tài chính, nhà đầu tư, và chuyên gia về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cho biết, Chính phủ đã nỗ lực xây dựng các báo cáo, đề án, và dự thảo nghị quyết, dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 9 vào đầu tháng 5 để tạo hành lang pháp lý cho dự án.

Tại hội nghị, các ý kiến đều nhận xét dự thảo đã có những cải tiến lớn, phù hợp với thông lệ quốc tế, như ngôn ngữ sử dụng, đối tượng áp dụng, ưu đãi thuế quan, quản lý ngoại hối, lao động, cơ chế giám sát, và trách nhiệm của chính quyền đối với trung tâm tài chính quốc tế.

Đại diện Quỹ đầu tư Temasek đánh giá dự thảo nghị quyết đã tạo khung pháp lý quan trọng gồm cơ chế trọng tài riêng, ưu đãi thuế quan và quản lý tài sản hiện đại. Tuy nhiên, đại diện này đề nghị tiếp tục bổ sung quy định chặt chẽ về bảo mật thông tin của nhà đầu tư và giải quyết tranh chấp quốc tế tại trung tâm.

Đại diện các Ngân hàng Standard Chartered, ADB, HSBC, Quỹ SSI, JICA… mong muốn dự thảo nghị quyết làm rõ hơn các quy định về chống rửa tiền, áp dụng luật pháp tại trung tâm tài chính quốc tế theo tương quan giữa pháp luật Việt Nam và quốc tế.

Các đại diện cũng đề nghị có sự linh hoạt trong quy định về đăng ký, công nhận và chấm dứt tư cách thành viên; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tổ chức hoạt động trọng tài quốc tế giải quyết tranh chấp; thúc đẩy đầu tư, quản lý rủi ro, đặc biệt là rủi ro thị trường, bảo hiểm, phái sinh hàng hóa, và thông tin; áp dụng chuẩn mực quốc tế về kế toán; công tác tư vấn đầu tư tại trung tâm.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, dù đã đạt được nhiều chính sách nổi trội, dự thảo nghị quyết vẫn còn những nội dung cần hoàn thiện. Các đại biểu đã chỉ ra những vấn đề cụ thể, nhiều trong số đó không thể quy định đầy đủ trong nghị quyết.

Ông cho biết, nghị quyết của Quốc hội về trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam có giá trị pháp lý như một đạo luật nhưng việc sửa đổi, bổ sung sẽ đơn giản hơn.

Nghị quyết chỉ quy định những nguyên tắc chung còn hơn 20 nhóm nội dung chi tiết sẽ được Chính phủ hướng dẫn cụ thể bằng các nghị định sau khi nghị quyết được thông qua.

Phó Thủ tướng mong muốn các tổ chức quốc tế, các định chế tài chính, các nhà đầu tư, các chuyên gia uy tín trong và ngoài nước tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến đối với những vấn đề chính sách về xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.

Lãnh đạo Chính phủ cho rằng, các ý kiến đóng góp tại hội nghị không chỉ giúp hoàn thiện dự thảo mà còn phục vụ xây dựng hệ thống nghị định của Chính phủ về trung tâm tài chính quốc tế.

Ông đề nghị Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến để hoàn thiện các văn bản. Phó Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mở rộng hoạt động và trở thành những thành viên đầu tiên của trung tâm tài chính quốc tế.

Gia Nghi

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/chinh-phu-se-tao-hanh-lang-phap-ly-thuan-loi-cho-trung-tam-tai-chinh-quoc-te/
Zalo