Khát vọng đổi đời, thoát nghèo nhờ nuôi lợn đen bản địa do T.Ư Đoàn hỗ trợ
Từ 10 con lợn đen ban đầu được trao tặng, nhiều hộ gia đình đã nhân giống lên hàng chục con, mang lại lợi nhuận cao. Mô hình nuôi lợn đang mở ra con đường phát triển kinh tế bền vững cho bà con xã Tam Hợp (Tương Dương, Nghệ An).
Người dân xã biên giới Tam Hợp (huyện Tương Dương, Nghệ An) vươn lên thoát nghèo nhờ mô hình nuôi lợn đen bản địa thuộc nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi do Trung tâm Hỗ trợ thanh thiếu nhi Việt Nam (T.Ư Đoàn) hỗ trợ.
Mô hình nhỏ, lợi nhuận lớn
Cẩn thận bê nồi cám lợn nấu sẵn từ trong bếp ra, chị Vi Thị Nhung (SN 1984, trú bản Xốp Nặm, xã Tam Hợp, Tương Dương, Nghệ An) cho biết, hàng ngày chị phải nấu đến 2,3 nồi mới đủ cung cấp cho đàn lợn 16 con cả lớn và nhỏ của gia đình. “Lợn ăn nhiều phải vất vả kiếm rau, chuối rồi nấu nhưng được cái vui. Lợn ăn càng nhiều càng nhanh lớn thì mình mới nhanh bán có tiền được”, chị Nhung cười nói.

Nhờ mô hình nuôi lợn đen hiệu quả, đời sống người dân xã Tam Hợp (huyện Tương Dương) đổi thay, phát triển.
Được biết, chị Nhung là 1 trong 45 hộ ở xã Tam Hợp được nhận lợn giống từ mô hình nuôi lợn đen bản địa thuộc nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 do Trung tâm Hỗ trợ thanh thiếu nhi Việt Nam (T.Ư Đoàn) hỗ trợ. Đến nay sau hơn 1 năm thực hiện, mô hình đã phát triển tốt, giúp người dân ở xã Tam Hợp từng bước thoát nghèo.
Vẫn còn nhớ ngày đầu được xét duyệt là 1 trong 45 hộ nhận lợn từ mô hình, chị Nhung vui sướng nhưng cũng không thôi lo lắng. Bởi chưa có kinh nghiệm nuôi, chị Nhung sợ phụ lòng mong mỏi của chương trình, của cán bộ xã. Tuy nhiên được sự động viên của cán bộ huyện, xã, chị Nhung quyết tâm và bước đầu đã thành công với mô hình này.


Chuồng trại được người dân xã Tam Hợp liên tiếp dựng lên để phát triển đàn.
“Chưa có kinh nghiệm nên thời gian đầu mình phải đi hỏi những người từng nuôi để chuẩn bị thức ăn, nấu thức ăn rồi chăm sóc. Lo nhất là những lần đàn lợn ốm, bỏ ăn. Nhưng nhờ cán bộ huyện, xã tận tình hướng dẫn kỹ thuật nên mình cũng quen dần và giờ đã có kinh nghiệm”, chị Nhung nói.
Với sự chăm chút cẩn thận của mình, 10 con lợn giống ban đầu của chị Nhung “lớn nhanh như thổi” và được xuất chuồng bán chỉ sau 5 tháng nuôi. Bán lứa đầu, chị Nhung trích tiền mua lại 10 con lợn giống về tái đàn sản xuất. Đến nay sau 1 năm triển khai, chị Nhung đã nuôi lứa lợn thứ 3 và mang lại thu nhập tốt.


Sau hơn 1 năm nuôi, chị Nhung đã bán được 2 lứa và tiếp tục nuôi lứa thứ 3 với 16 con.
"Lứa đầu tôi bán 2 con là đủ tiền giống. Con nhỏ nhất tôi bán được 3,5 triệu đồng, con lớn thì nhiều tiền hơn. Vừa rồi lợn mẹ đẻ ra được một đàn lợn con. Giờ trong chuồng đang có 16 con cả lớn và nhỏ. Mong chúng nhanh lớn cho tôi nhờ”, chị Nhung nói và cho hay, với chị, đàn lợn không chỉ đơn thuần là tài sản, mà còn là niềm tin, là điểm tựa để hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Cũng như chị Nhung, bà Viêng Thị Nương (SN 1975, dân tộc Tày Pọng) là một trong những điển hình thành công nhờ mô hình nuôi lợn đen bản địa. Từ 10 con lợn giống ban đầu được trao tặng, sau hơn 1 năm nuôi, bà Nương đã bán được 3 lứa, đưa về thu nhập hơn 60 triệu đồng. “Cứ bán lợn xong tôi lại mua lứa giống mới về nuôi. Ít tháng nữa bán lứa này, tôi sẽ mở rộng chuồng để nuôi khoảng 30 con. Cảm ơn chương trình, cảm ơn Trung Ương Đoàn, huyện, xã đã trao tặng đến tôi và người dân mô hình hay này”, bà Nương nói.

Từ 10 con lợn ban đầu, bà Nương đã nuôi thành công và bán được 3 lứa. Hiện bà Nương đang nuôi lứa thứ 4 với 20 con lợn trong chuồng.
Đồng hành cùng người dân phát triển kinh tế
Ông Lương Phi Thanh - Chủ tịch UBND xã Tam Hợp cho biết, đây là mô hình nuôi lợn đen duy nhất được thực hiện trên địa bàn huyện Tương Dương do T.Ư Đoàn hỗ trợ. Khác với nhiều chương trình trước đây, mô hình này đã cho thấy hiệu quả thực tiễn như thời gian nuôi ngắn, vốn đầu tư thấp, lợi nhuận cao và đặc biệt, người dân dễ dàng chủ động tái đàn, phát triển lâu dài.
"Từ khi có chương trình, xã đã họp bàn, xét duyệt để lựa chọn các hộ dân thụ hưởng một cách minh bạch, công bằng. Đến khi triển khai, bà con rất hồ hởi, nhất trí cao. Quá trình chăn nuôi, huyện, xã thường xuyên đến kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật để bà con hiểu và chăn nuôi một cách tốt nhất. Khi lợn trưởng thành và bán đi, các hộ dân đều phải báo với ban chỉ đạo xã để kiểm tra, đảm bảo quá trình thực hiện minh bạch, hiệu quả. Nhiều hộ đã bán được 2, 3 lứa, mang lại thu nhập tốt, ổn định," Chủ tịch xã Tam Hợp nói.


Mô hình nuôi lợn đen bản địa đang triển khai tốt, giúp người dân vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế.
Những lứa lợn được bán đi đưa về khoản tiền không lớn nhưng đã giúp các hộ dân ở xã Tam Hợp có thêm tiền để trang trải cuộc sống, thậm chí là mua sắm các thiết bị trong gia đình hay sửa sang lại chính ngôi nhà đang ở khang trang hơn, sạch đẹp hơn.
Nhìn lại chặng đường hơn một năm qua, mô hình nuôi lợn đen ở xã Tam Hợp thực sự đã đem lại luồng sinh khí mới cho vùng đất còn nhiều khó khăn này. Với sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền địa phương và sự nỗ lực bền bỉ của người dân, những chuồng lợn nhỏ đã và đang nhen lên ngọn lửa khát vọng đổi đời.


Trong suốt thời gian nuôi, chính quyền xã, cán bộ đoàn thanh niên xã Tam Hợp thường xuyên đến các hộ dân để hướng dẫn kỹ thuật, quan tâm động viên, đồng hành để người dân thực hiện tốt mô hình.
Bí thư Đoàn xã Tam Hợp Lô Thị Hoài Giang cho hay, nhờ sự hỗ trợ của Trung tâm Hỗ trợ thanh thiếu nhi Việt Nam (T.Ư Đoàn), mô hình nuôi lợn đen bản địa đang từng bước giúp người dân địa phương thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế. Đây thực sự đã trở thành một trong những mô hình chủ lực, giúp người dân địa phương từng bước thoát nghèo.
“Đoàn xã cùng chính quyền địa phương thường xuyên cắt cử lực lượng xuống động viên, kiểm tra, hướng dẫn các hộ dân chăn nuôi nhằm thực hiện mô hình một cách tốt nhất. Nhờ sự chịu khó của người dân, mô hình đã được triển khai rất hiệu quả, người dân ai cũng phấn khởi”, chị Lô Thị Hoài Giang nói.
Chính quyền xã Tam Hợp kỳ vọng, với nền tảng đã có, trong thời gian tới mô hình sẽ tiếp tục được mở rộng, lan tỏa đến nhiều hộ dân hơn. Từ đó đưa Tam Hợp không chỉ tiến gần hơn tới mục tiêu xóa đói giảm nghèo mà còn làm giàu quê hương, đất nước.