Việt Nam trước 'ngã rẽ' tài sản số, tín chỉ carbon
Từ tài sản kỹ thuật số đến tín chỉ carbon, Việt Nam đứng trước ngưỡng cửa lớn, nơi sự chủ động chính sách sẽ quyết định thành bại.
Trong bối cảnh tài sản kỹ thuật số và tín chỉ carbon đang dần trở thành xu thế toàn cầu, Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng để gia nhập "sân chơi" này, với điều kiện phải thiết lập một khung pháp lý vững chắc và thực tiễn. Những kinh nghiệm quốc tế và những khuyến nghị tại Hội thảo “Tài sản bảo đảm ngân hàng - Những vấn đề quan tâm hiện nay” do Thời báo Ngân hàng tổ chức ngày 28/4/2025 đã hé lộ nhiều gợi ý đắt giá cho Việt Nam.
Từ kinh nghiệm thế giới đến cơ hội cho Việt Nam
Theo TS. Giacomo Merello, Chủ tịch Hội đồng Thúc đẩy kinh doanh tài sản kỹ thuật số Antigua & Barbuda, đặc phái viên Kinh tế đặc biệt của Thủ tướng Antigua và Barbuda tại Cộng hòa Singapore, Blockchain đang trở thành một cuộc cách mạng nền tảng, không chỉ trong lĩnh vực tài chính mà còn lan tỏa mạnh mẽ ra toàn bộ đời sống kinh tế.
Bản chất của Blockchain là một mạng lưới phi tập trung lưu giữ sổ cái kỹ thuật số đã mở ra một kỷ nguyên mới cho các loại tài sản tài chính như: Bitcoin, Ethereum, Stablecoin.

Hội thảo “Tài sản bảo đảm ngân hàng - Những vấn đề quan tâm hiện nay” do Thời báo Ngân hàng tổ chức. Ảnh: Hoàng Giáp
Điều đáng chú ý, một số quốc gia tiên phong đã chính thức công nhận tài sản mã hóa như một phần của hệ thống tài chính. Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) vào tháng 2/2023 đã chấp nhận trái phiếu kỹ thuật số làm tài sản thế chấp đủ điều kiện, đánh dấu một bước ngoặt lịch sử. Gần đây nhất, Swiss Exchange (SIX) cũng ra mắt dịch vụ thế chấp kỹ thuật số, cho phép sử dụng đồng thời tiền điện tử và chứng khoán truyền thống, góp phần giảm rủi ro đối tác và hợp lý hóa hoạt động.
Ở Malta, Đạo luật Tài sản tài chính ảo năm 2018 đã đặt nền móng để quốc gia này trở thành trung tâm công nghệ tài chính. Trong khi đó, Singapore với lập trường “mở nhưng kiểm soát” đã yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ mã thông báo kỹ thuật số phải được cấp phép nghiêm ngặt, đồng thời xác nhận rằng mã thông báo kỹ thuật số là tài sản hợp pháp có thể được nắm giữ ủy thác.
Trở lại với Việt Nam, TS. Giacomo Merello nhấn mạnh rằng, gần 17 triệu người Việt đang nắm giữ tài sản kỹ thuật số tính đến năm 2024, đưa Việt Nam lên vị trí thứ 5 toàn cầu về mức độ quan tâm và thứ 3 về sử dụng sàn giao dịch. Đây là một tiềm năng khổng lồ, đòi hỏi một hành lang pháp lý nhanh chóng, linh hoạt và an toàn. Ông đề xuất Việt Nam cần luật hóa tài sản kỹ thuật số như tài sản thế chấp, thiết lập các quy tắc cấp phép và lưu ký rõ ràng, đồng thời kiểm soát rủi ro tài chính chặt chẽ.
Đặc biệt, ông nhấn mạnh nguyên tắc song hành: vừa thúc đẩy đổi mới, thu hút đầu tư, vừa bảo vệ hệ thống tài chính trước các nguy cơ rửa tiền và tài trợ khủng bố. Việt Nam cũng được khuyến nghị xem xét áp dụng thuế suất nhẹ nhàng như 0,1% đối với tiền điện tử để khuyến khích sự phát triển.

TS. Vũ Thị Vân Anh, Trưởng phòng Cao cấp Khối ESG - KPMG Việt Nam chia sẻ. Ảnh: Hoàng Giáp
Bên cạnh tài sản kỹ thuật số, TS. Vũ Thị Vân Anh, Trưởng phòng Cao cấp Khối ESG - KPMG Việt Nam, đã giới thiệu một hướng đi mới: tín chỉ carbon như một loại tài sản đảm bảo. Bà cho biết, tín chỉ carbon đại diện cho việc giảm hoặc loại bỏ một tấn CO₂ có vai trò thiết yếu trong nỗ lực toàn cầu giảm phát thải và đạt mục tiêu phát triển bền vững.
Hiện nay, Việt Nam đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP, đặt nền móng cho việc vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon dự kiến vào năm 2028. Tuy nhiên, thách thức lớn vẫn nằm ở chi phí phát triển dự án cao và tỷ lệ doanh nghiệp tham gia thị trường carbon còn thấp. Theo TS. Vũ Thị Vân Anh, để tín chỉ carbon trở thành tài sản bảo đảm thực thụ, Việt Nam cần ổn định thị trường, xây dựng chuẩn mực rõ ràng, đồng thời có cơ chế thẩm định giá và đánh giá rủi ro bài bản.
TS. Vũ Thị Vân Anh cũng lưu ý, tín chỉ carbon chỉ nên được chấp nhận làm tài sản bảo đảm sau khi khung pháp lý vững chắc được ban hành và thị trường vận hành minh bạch. Bà đề xuất nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là mô hình của Thái Lan và châu Âu, để thiết kế các tiêu chuẩn về định giá, quản lý và giao dịch loại tài sản mới mẻ này.
Hành lang pháp lý phải đủ nhanh, mạnh và thực tiễn
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, về nguyên tắc, tài sản số hay tín chỉ carbon hoàn toàn có thể trở thành tài sản bảo đảm nếu thỏa mãn hai điều kiện cốt lõi: Có quyền sở hữu và không bị cấm giao dịch. Tuy nhiên, ông cảnh báo, sự biến động giá của những tài sản này tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho các ngân hàng, giống như những gì đã từng xảy ra với vàng hay bất động sản.

Luật sư Trương Thanh Đức chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Hoàng Giáp
Ở góc nhìn thực tiễn hơn, ông Đỗ Giang Nam, thành viên Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng, nhấn mạnh rằng, điều kiện cần là hoàn thiện khung pháp lý, còn điều kiện đủ là sự chấp nhận của ngân hàng, dựa trên tính ổn định và khả năng xử lý tài sản. Với tín chỉ carbon, ông cho rằng, chỉ khi thị trường vận hành đầy đủ vào năm 2028, tín chỉ carbon mới thực sự trở thành một tài sản đảm bảo đáng tin cậy.
TS. Luật sư Vũ Văn Tính thẳng thắn đề nghị Việt Nam cần ban hành luật hoặc nghị định riêng về tài sản số, quy định rõ trách nhiệm của các bên liên quan, yêu cầu sàn giao dịch đăng ký, công khai rủi ro và phát triển cơ chế pháp lý cho hợp đồng thông minh. Theo ông, việc cho phép thế chấp tài sản số trong giao dịch bất động sản sẽ mở ra những cơ hội lớn cho đầu tư nước ngoài và tối ưu hóa nguồn thu thuế.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Kim Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Kim Nam, chỉ ra rằng, thách thức lớn nhất vẫn là định giá tài sản số và quản lý rủi ro. Ông cho rằng cần có các giải pháp công nghệ minh bạch, hiệu quả để hỗ trợ quá trình này, thay vì chỉ dựa vào khuôn khổ pháp lý truyền thống.
Theo các chuyên gia, đứng trước vận hội mới, Việt Nam có cơ hội lớn để trở thành điểm sáng trên bản đồ tài sản kỹ thuật số và tín chỉ carbon toàn cầu. Tuy nhiên, như các chuyên gia đã cảnh báo, cơ hội chỉ thực sự thành hiện thực khi có một hành lang pháp lý đủ nhanh, đủ mạnh và đủ thực tiễn.
Việc hoàn thiện khung pháp lý không chỉ giúp ngân hàng và doanh nghiệp yên tâm khai thác loại tài sản mới, mà còn là bước đi chiến lược để Việt Nam thúc đẩy tài chính xanh, kinh tế số và nâng cao vị thế trong sân chơi toàn cầu hóa. Nhưng như dòng chảy blockchain vừa mạnh mẽ vừa biến động, Việt Nam cần chèo lái con thuyền chính sách một cách tỉnh táo, dũng cảm và sáng suốt.
Thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 1/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Tài chính đang khẩn trương, tích cực nghiên cứu để đề xuất khung pháp lý quản lý, thúc đẩy phát triển tài sản số, tiền kỹ thuật số.
Đây là một bước quan trọng nhằm tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch cho lĩnh vực này. Đồng thời, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đảm bảo môi trường đầu tư an toàn.