Chính phủ đề nghị chỉ định thầu dự án điện hạt nhân

Chính phủ đề xuất áp dụng chỉ định thầu 'chìa khóa trao tay' với nhà thầu có tên trong Hiệp định liên Chính phủ và loạt cơ chế đặc thù để dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vận hành vào năm 2030.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 14/2, Bộ trưởng Bộ Công Thương, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày tờ trình về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Theo tờ trình, Chính phủ đề xuất Thủ tướng được phép giao chủ đầu tư thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Việc đàm phán đối tác ký Hiệp định liên Chính phủ về hợp tác và tín dụng Nhà nước tài trợ xây nhà máy điện hạt nhân được tiến hành song song quá trình duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, duyệt dự án.

Sau khi Quốc hội chấp thuận chủ trương (dự kiến tại kỳ họp tháng 5/2025), Chính phủ được phép chọn nhà thầu và áp dụng hình thức hợp đồng "chìa khóa trao tay" cho dự án. Nhà thầu sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ từ lập dự án đầu tư, thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ, đến thi công xây dựng. Ngoài ra, hợp đồng còn bao gồm điều khoản mua bảo hiểm cho vật tư, thiết bị và cung cấp nhiên liệu hạt nhân cho lần nạp đầu tiên.

Cơ quan thẩm tra - Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường cho rằng việc chỉ định gói thầu hợp đồng "chìa khóa trao tay" là hợp lý để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Tuy nhiên, hình thức này có thể dẫn đến hạn chế cạnh tranh, nguy cơ lợi ích nhóm và thiếu minh bạch.

Để giảm rủi ro, Ủy ban đề nghị Chính phủ bổ sung quy trình giám sát, công khai danh sách, tiêu chí lựa chọn nhà thầu; chế tài nghiêm nếu phát hiện dấu hiệu tiêu cực trong quá trình chỉ định và thực hiện hợp đồng.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày thẩm tra. Nguồn: Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày thẩm tra. Nguồn: Quốc hội.

Mục tiêu đưa dự án vào vận hành trong năm 2030

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 174/2024/QH15 trong đó có nội dung về tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Thực hiện kết luận của Bộ Chính trị và nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân do Thủ tướng Chính phủ làm trưởng ban.

Ban Chỉ đạo thống nhất đưa dự án vào vận hành trong năm 2030 để bảo đảm an ninh cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Để đạt được mục tiêu đưa dự án vào vận hành trong năm 2030, trước mắt triển khai đồng thời, song song các giai đoạn trong công tác chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án, Chính phủ nhận thấy, cần phải có các cơ chế, chính sách đặc thù cho dự án này.

Các đại biểu tham dự phiên họp. Nguồn: Quốc hội.

Các đại biểu tham dự phiên họp. Nguồn: Quốc hội.

Về cơ chế, chính sách đặc thù như về mặt bằng, tái định cư, sinh kế cho người dân, tổng diện tích đất sử dụng, chỉ định thầu, rút ngắn thời gian, Thủ tướng đã yêu cầu tất cả các bộ, ngành thấy cơ chế, chính sách nào để làm nhanh nhất, thuận lợi nhất thì đề xuất trước ngày 15/2. Bộ Công Thương là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phải tổng hợp, báo cáo Chính phủ để đề xuất cấp có thẩm quyền trình Quốc hội.

Về tiến độ, Thủ tướng nêu rõ, phải rút ngắn thời gian hoàn thành dự án so với dự kiến trước đây, chậm nhất tới 31/12/2031 phải hoàn thành và phấn đấu hoàn thành trước 31/12/2030 vào dịp kỷ niệm 85 năm thành lập nước, 100 năm thành lập Đảng. Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan phải xây dựng đường găng tiến độ theo mục tiêu này.

Thủ tướng giao EVN làm chủ đầu tư dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, Petrovietnam làm chủ đầu tư dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2.

Việt Nam khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, dự kiến vận hành (phát điện) năm 2030 để đảm bảo cho phát triển kinh tế, xã hội. Trong đó, nhà máy Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam; còn nhà máy Ninh Thuận 2 ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải.

Khiếu Hương

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/chinh-phu-de-nghi-chi-dinh-thau-du-an-dien-hat-nhan-302727.htm
Zalo