Tăng trưởng trên 8%, mục tiêu khó nhưng bắt buộc phải đạt
Thảo luận tại tổ về mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội cho rằng năm 2025 đất nước hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi, tuy nhiên phải đối mặt với những thách thức từ trong nước lẫn thế giới.
Chiều 14/2, Quốc hội thảo luận tại tổ Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên; Chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Phạm Thị Thanh Mai chủ trì tại tổ Hà Nội.
Cho ý kiến về mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, đại biểu QH đoàn Hà Nội phân tích, năm 2025 đất nước hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi khi đà tăng trưởng tiếp tục tăng trong những năm gần đây, nút thắt về thể chế từng bước được gỡ bỏ; đã khởi động nhiều dự án cho mục tiêu này như cảng hàng không Long Thành, đường sắt cao tốc Bắc – Nam, Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận… tuy nhiên cũng phải đối mặt với những thách thức từ trong nước lẫn thế giới.
Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội, cho rằng: "Năm 2025 tăng trưởng trên 8% trên nền 7,09% là rất khó. Lịch sử Việt Nam chúng ta đã thấy điều đó. Phải vượt qua nền cao. Thứ hai là xuất khẩu, đe dọa chiến tranh thương mại, thuế. Là nước thứ ba xuất siêu sang Mỹ sau Trung Quốc và Mexico, chúng ta có nguy cơ nếu quá trình kiểm soát không chặt chẽ. Thứ ba, năm 2025 thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy nên bước đầu sẽ không thể vận hành trơn tru".
Để có được 1% tăng trưởng thì tối thiểu phải có tăng trưởng 1,5% từ công suất của hệ thống điện, chính vì vậy việc triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận nhận được sự đồng tình cao của các đại biểu Quốc hội. Nhóm giải pháp về thúc đẩy mạnh mẽ động lực tăng trưởng mới cũng được sự đồng thuận cao.
Đối với chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, các đại biểu nhấn mạnh tính cấp thiết của dự án này, để giảm chi phí vận tải đang tăng cao, mở ra cơ hội mới trong phát triển logistics.
Về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các đại biểu quốc hội cho biết cơ chế đặc thù của Nghị quyết này sẽ giúp TP Hà Nội hoàn thành các mục tiêu dài hạn triển khai trong 5, 10 năm tới.