Chế tài xử phạt hành vi mua bán dữ liệu cá nhân: Liệu đã đủ sức răn đe?
Mặc dù lực lượng chức năng liên tục triệt phá các đường dây mua bán trái phép dữ liệu cá nhân tuy nhiên tình trạng này vẫn diễn biến phức tạp. Nhiều ý kiến cho rằng, cần tăng nặng chế tài xử phạt đối với hành vi mua bán dữ liệu cá nhân để ngăn chặn hậu họa.
Nhức nhối mua bán dữ liệu cá nhân
Thời gian gần đây, chị Nguyễn Bích Diệp (trú tại phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội) liên tục bị quấy rầy bởi những cuộc điện thoại lạ. “Bất kể sáng, tối... thậm chí nửa đêm những cuộc điện thoại lạ gọi đến quảng cáo, mời chào mua bán sản phẩm, đất đai, tham gia sự kiện... khiến tôi quá mệt mỏi. Càng lạ hơn, người gọi lại đọc đúng tên tuổi, địa chỉ nhà ở, cơ quan làm việc, không biết họ lấy ở đâu” - chị Diệp chia sẻ.
![Công an TP Huế vừa triệt phá đường dây mua bán 56 triệu dữ liệu cá nhân do đối tượng L.C.Đ. cầm đầu.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_113_51473627/9f3631390077e929b066.jpg)
Công an TP Huế vừa triệt phá đường dây mua bán 56 triệu dữ liệu cá nhân do đối tượng L.C.Đ. cầm đầu.
Tương tự, anh Tuấn Anh (một chủ doanh nghiệp ở TP Bắc Ninh) cho biết, trong thời gian dài anh liên tục bị làm phiền bởi những cuộc gọi đến từ người lạ. Các số điện thoại lạ không chỉ mời chào quảng cáo mà còn dọa dẫm về việc nợ thuế, các vụ án... “Thấy số điện thoại lạ gọi đến không nghe không được, mà nghe thì toàn gây phiền hà, không cẩn thận còn mắc lừa các đối tượng lừa đảo. Không biết bao giờ mới chấm dứt tình trạng này” - anh Tuấn Anh nói.
Chị Diệp và anh Tuấn Anh chỉ là hai trong nhiều người trở thành nạn nhân của việc mua bán dữ liệu cá nhân, nhất là mua bán trên không gian mạng. Chỉ cần gõ từ khóa “mua bán data khách hàng, mua bán dữ liệu cá nhân” trên nền tảng các trang mạng xã hội là xuất hiện nhiều nhóm rao bán, trao đổi thông tin cá nhân của nhiều người trên tất cả các lĩnh vực. Thông tin được rao bán bao gồm số tên tuổi, địa chỉ cư trú, số điện thoại, thư điện tử, nghề nghiệp, mức thu nhập của khách hàng.
Thực tế, thời gian qua, các lực lượng chức năng đã phát hiện, triệt phá nhiều đường dây mua bán dữ liệu cá nhân với quy mô lớn, cho thấy vấn nạn mua bán dữ liệu cá nhân diễn biến rất phức tạp.
Mới đây nhất, ngày 11/2, Công an TP Huế đã triệt phá đường dây mua bán trái phép thông tin dữ liệu cá nhân quy mô lớn do đối tượng tên L.C.Đ. (SN 1997, trú tại Hà Nội) cầm đầu, cùng nhiều “chân rết” hoạt động tại nhiều địa phương trên cả nước. Đường dây này sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi như: sử dụng sim “rác”, tài khoản ngân hàng không chính chủ, tạo các tài khoản ảo trên các mạng xã hội để thực hiện hành vi phạm tội. Từ năm 2019 đến nay, L.C.Đ. cùng đồng bọn đã thu thập, mua bán trái phép hơn 56 triệu thông tin dữ liệu cá nhân, thu lợi bất chính hàng tỷ đồng.
Cần tăng chế tài xử phạt?
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Vũ Ngọc Sơn - Trưởng ban Nghiên cứu công nghệ (Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia) cho biết, việc lộ lọt thông tin cá nhân mang lại nhiều hệ lụy. Nhiều người phải nhận các quảng cáo làm phiền, khi các tổ chức, công ty sử dụng dữ liệu cá nhân vào mục đích quảng cáo, mời chào dịch vụ. Nghiêm trọng hơn là việc các đối tượng lừa đảo có thể sử dụng những dữ liệu này để dựng lên các “kịch bản” để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Nói về nguyên nhân việc mua bán dữ liệu cá nhân diễn biến phức tạp, ông Sơn cho rằng, về chủ quan, một số người dùng chưa ý thức được việc bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình. Đôi khi cung cấp dữ liệu cá nhân, thông tin bí mật khá thoải mái, không kiểm soát, thậm chí đưa thông tin cá nhân lên các mạng xã hội. Bên cạnh đó, một số đơn vị, tổ chức thu thập dữ liệu cá nhân không có hệ thống an ninh mạng đảm bảo cho các dữ liệu, dẫn tới Hacker có thể đột nhập vào hệ thống lấy cắp dữ liệu. Mặt khác, quy trình quản lý dữ liệu của các nhà cung cấp dịch vụ có thu thập dữ liệu cá nhân không được đảm bảo. Dẫn tới một số nhân viên có quyền truy cập sau đó lấy các dữ liệu cá nhân này bán ra ngoài để trục lợi.
Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Lê Ngọc Hoàng - Trưởng Văn phòng Luật sư Long Tâm (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, hành vi mua bán dữ liệu cá nhân là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm, có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào hành vi cụ thể và mức độ nghiêm trọng trên thực tế.
Trong trường hợp hành vi mua bán dữ liệu cá nhân đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì chủ thể thực hiện hành vi sẽ bị truy cứu về tội “đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017. Người phạm tội sẽ bị phạt tiền từ 30 - 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù nhẹ nhất 6 tháng, nặng nhất 7 năm tùy theo hành vi thực hiện và mức độ nghiêm trọng.