Châu Âu lo ngại bị gạt khỏi đàm phán về Ukraine
Liên minh châu Âu (EU) nhấn mạnh vai trò chủ chốt trong các cuộc đàm phán hòa bình tiềm năng về Ukraine, bày tỏ lo ngại việc bị gạt ra ngoài lề sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Putin.
Ông Trump và ông Putin đã thảo luận về lệnh ngừng bắn nhanh chóng ở Ukraine vào ngày 12-2 mà không tham khảo ý kiến của EU hoặc Ukraine. Do đó, EU chính thức yêu cầu một ghế tại bàn đàm phán.
“An ninh của Ukraine là an ninh của châu Âu. Nếu có một cuộc thảo luận về an ninh của Ukraine, châu Âu sẽ quan tâm. Một cuộc thảo luận về an ninh châu Âu cũng liên quan đến Ukraine”, người phát ngôn Ủy ban châu Âu Paula Pinho cho biết trong một cuộc họp báo ngày 13-2 (giờ địa phương).
![Châu Âu lo ngại bị gạt khỏi đàm phán hòa bình Ukraine. Ảnh: Meng Dingbo/Tân Hoa xã](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_8_51474770/791ba0f692b87be622a9.jpg)
Châu Âu lo ngại bị gạt khỏi đàm phán hòa bình Ukraine. Ảnh: Meng Dingbo/Tân Hoa xã
Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Kaja Kallas đã củng cố lập trường này thông qua tuyên bố nhấn mạnh sự tham gia của Ukraine và châu Âu vào mọi đàm phán liên quan, nhấn mạnh nhu cầu về một nền hòa bình bảo đảm lợi ích của cả châu Âu và Ukraine, đồng thời bày tỏ mong muốn hợp tác với Mỹ.
Nhấn mạnh vai trò của châu Âu đối với tiến trình hòa bình Ukraine, Thủ tướng Phần Lan Petteri Orpo thúc giục một lập trường thống nhất của châu Âu và đề xuất tổ chức Hội nghị thượng đỉnh EU đặc biệt về vấn đề này.
Ngày 14-2, theo Tân Hoa xã, Tổng thống Donald Trump ủng hộ tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth về tư cách thành viên của Ukraine trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Theo đó, vấn đề này sẽ không được đưa ra thảo luận như một phần của các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt xung đột.
Lập trường của Tổng thống Donald Trump, hoàn toàn trái ngược với chính sách của người tiền nhiệm, được châu Âu coi là một sự nhượng bộ.
“Một nền hòa bình bị áp đặt sẽ không bao giờ nhận được sự ủng hộ của chúng tôi”, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố, bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng phải bảo đảm chủ quyền của Ukraine. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cũng chỉ trích những nhượng bộ công khai của chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Tổng thống Litva Gitanas Nauseda nhấn mạnh, mọi cuộc đàm phán hòa bình phải bảo đảm độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và quyền tự quyết định tương lai của Ukraine. Nhà lãnh đạo này kêu gọi châu Âu tham gia các cuộc đàm phán và thúc giục hành động quyết đoán về hỗ trợ quân sự cho Kiev.
Về các cuộc đàm phán, Dmytro Lytvyn, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định: "Lập trường của Ukraine vẫn không thay đổi. Châu Âu phải là một phần của bất kỳ cuộc đối thoại nghiêm túc nào vì một nền hòa bình thực sự và lâu dài. Chỉ có một lập trường thống nhất và được phối hợp mới có thể được đưa ra để đàm phán với Nga.