Châu Âu lại 'gặp khó' về nguồn cung khí đốt
Ở thời điểm mà châu Âu nghĩ rằng mình đã vượt qua được giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng năng lượng, giá khí đốt tự nhiên lại tăng vọt một lần nữa, đặt ra những hoài nghi về khả năng tự chủ chiến lược về năng lượng của châu Âu.
Giá khí đốt ở châu Âu đã tăng 30% chỉ trong tháng vừa qua do thời tiết lạnh kéo dài. Giá năng lượng tăng cao cộng với lo ngại về nguồn cung đang gây áp lực lên kho dự trữ khí đốt của châu Âu – vốn đang ở mức thấp nhất so với năm 2022.
![Giá khí đốt ở châu Âu đã tăng 30% chỉ trong tháng vừa qua do thời tiết lạnh kéo dài. Ảnh: Econostrum](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_65_51477217/adba783d4a73a32dfa62.jpg)
Giá khí đốt ở châu Âu đã tăng 30% chỉ trong tháng vừa qua do thời tiết lạnh kéo dài. Ảnh: Econostrum
Những kỷ lục mới của giá khí đốt tại châu Âu
Đến thời điểm hiện tại, giá khí đốt tại châu Âu đã tạo ra những kỷ lục mới, làm tăng đáng kể chi phí của các hộ gia đình. Theo dự báo của tập đoàn dịch vụ Selectra, xu hướng tăng này sẽ tiếp tục cho đến tháng 6 năm 2025.
Tại châu Âu, trong vài tháng qua, giá khí đốt liên tục tăng và đạt mức cao kỷ lục. Vào tháng 2/2025, một hộ gia đình sử dụng hệ thống sưởi ấm bằng gas sẽ phải trả hóa đơn hàng năm là 1.608 Euro, trong khi một năm trước, con số này chỉ ở mức 1.360 Euro, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Và nếu so sánh với mức giá năm 2021, thời điểm trước khi diễn ra cuộc xung đột Nga – Ukraine, giá khí đốt đã tăng gần gấp đôi.
Đối với các doanh nghiệp, con số này còn khủng khiếp hơn nữa, bởi họ được tính theo giá kinh doanh, cao hơn từ 2 đến 3 lần so với giá dành cho các hộ cá nhân. Kể từ đầu năm 2025, nhiều doanh nghiệp châu Âu đã phải tính đến bài toán rút gọn sản xuất hoặc tiết kiệm khí đốt để đảm bảo quy trình sản xuất tối thiểu. Nhiều tập đoàn đã lên quy trình và tính đến việc tăng giá các sản phẩm nhằm bù đắp các chi phí phát sinh do giá năng lượng cao. Tuy nhiên, chính điều này đang làm giảm đáng kể khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp và đẩy họ vào thế khó.
Ngoài ra, giá xăng tăng cao cũng ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ gia đình. Mặc dù giá xăng và dầu diesel chỉ tăng trung bình 5 cent/lít nhưng các hộ gia đình phải chi trả thêm từ 100 đến 150 euro (từ 105 đến 155 USD) thêm mỗi tháng cho chi phí đi lại. Chưa kể đến, giá xăng tăng cũng kéo theo chi phí vận chuyển tăng, gây áp lực lên đại đa số các công ty và doanh nghiệp. Vô hình chung, giá xăng cao kéo theo giá cả vật tư và sản phẩm tăng.
Lạm phát cũng đang có dấu hiệu quay trở lại lục địa già. Theo phản xạ có điều kiện trước tình hình vật giá tăng cao, người dân châu Âu lại bắt đầu tiết kiệm chi tiêu. Hệ quả là châu Âu đã đón một kỳ cuối năm 2024 không mấy tốt đẹp. Đây là lần đầu tiên kể từ quý 4/2023 khu vực Eurozone không tăng trưởng. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khu vực đồng tiền chung châu Âu chỉ đạt mức 0,9% trong quý 4 vừa qua, thấp hơn 0,1% so với mức dự kiến trước đó.
GDP ở Pháp và Đức, hai đầu tàu của châu Âu, lần lượt ghi nhận mức giảm là 0,1 và 0,2% trong quý 4/2024. Pháp và Đức chiếm khoảng một nửa GDP của khu vực đồng Euro. Mặc dù có cả nguyên nhân bất ổn chính trị nhưng việc giá khí đốt tăng cũng ít nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng của khu vực và đẩy phần lớn các nước châu Âu vào thế khó.
Phương án bổ sung kho dự trữ khí đốt của châu Âu
Mặc dù các quốc gia thành viên Khối 27 có đủ dự trữ khí đốt để vượt qua mùa đông, nhưng an ninh nguồn cung vẫn chưa chắc chắn. Nhiệt độ thấp ảnh hưởng đến châu Âu kết hợp với việc giảm sản lượng năng lượng tái tạo đã khiến trữ lượng khí đốt giảm nhanh hơn so với năm 2023 và 2022.
Chỉ trong vòng mấy tháng mùa đông, châu Âu đã sử dụng hết khoảng hơn 30% tổng số khí đốt dự trữ. Cụ thể, tính đến ngày 14/1, trữ lượng khí đốt của Liên minh đạt mốc 64,15%, thấp hơn gần 14% so với mức 78,9% ghi nhận vào cùng thời điểm năm 2024. Con số này rơi vào khoảng 50% tại một số quốc gia phụ thuộc trực tiếp vào khí đốt của Nga như Slovakia (nơi nguồn cung cấp khí đốt của Nga chiếm khoảng 60% tổng lượng khí đốt) và Áo (khoảng 70% trong giai đoạn 2022-2024). Nguyên nhân của sự thụt giảm đến từ việc Ukraine chính thức đóng cửa các đường ống dẫn dầu từ phía Nga kể từ ngày 1/1/2025. Tuy nhiên, ở cấp độ EU, nguồn cung cấp khí đốt của Nga qua đường ống Ukraine chỉ chiếm khoảng 2,5% tổng số.
Trong bối cảnh này, châu Âu đang phải đối mặt với nhu cầu nhập khẩu khí đốt tăng cao bởi các nước đều đang cần một lượng khí đốt khổng lồ để lấp đầy các bồn chứa nhiên liệu. Các kho dự trữ phải đạt ít nhất 90% tổng trữ lượng trước ngày 1/11 năm nay. Thời gian dành cho lục địa già cũng không còn nhiều, nhất là trong bối cảnh các xung đột vẫn ngày một leo thang tại khu vực Trung Đông, hiện là một trong những nguồn cung lớn của châu Âu nói riêng và thế giới nói chung.
Giá khí đốt tương lai ở châu Âu đang phản ánh những áp lực này. Theo dự báo, các chi phí vẫn cao hơn khoảng 45% so với cùng kỳ năm ngoái và khí đốt đang được giao dịch ở mức khoảng gấp ba lần trước khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào 2/2022.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, châu Âu có thể tạm thời cảm thấy an toàn khi nhu cầu nhập khẩu khí đốt hóa lỏng LNG ở châu Á đang có xu hướng giảm. Thật vậy, theo số liệu ghi nhận vào 12/2024, Trung Quốc đã nhập khẩu 7,66 triệu tấn LNG, so với 8,2 triệu tấn vào cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, năng lực xuất khẩu LNG của Mỹ dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong khoảng từ 2024 đến năm 2028. Ngoài ra, châu Âu sẽ có thêm một gã khổng lồ cung cấp khí đốt kể từ 2026, đó là Qatar.
Trên cơ sở đó, các trung tâm nghiên cứu dự báo rằng xu hướng tăng giá khí đốt sẽ chững lại vào giữa 2025 trước khi bắt đầu tụt dốc xuyên suốt 2026 và 2027. Các chuyên gia cũng nhận định rằng các kho dự trữ của châu Âu sẽ nhiều khả năng vượt qua mốc 90% tiêu chuẩn với chi phí vượt trội không quá 20% cho mùa đông sắp tới 2026.
Chiến lược tự chủ năng lượng của châu Âu
Trên thực tế, châu Âu đã học được bài học đắt giá của mình qua cuộc xung đột Nga – Ukraine. Đến thời điểm hiện tại, dù giá khí đốt tăng cao do những bất ổn đến từ Trung Đông và việc Ukraine đóng các đường ống dẫn khí từ phía Nga, nhưng nhìn chung nguồn cung cấp khí đốt của Nga qua đường ống Ukraine chỉ chiếm khoảng 2,5% tổng số khí đốt của EU. Đây là một mức an toàn minh chứng cho việc châu Âu dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga.
Mặc dù trong năm 2024, châu Âu vẫn nhập khẩu 19.298 triệu mét khối LNG của Nga nhưng với các nguồn cung khí đốt hóa lỏng đến từ Mỹ và sắp tới là Qatar, châu Âu hoàn toàn có thể giảm dần sự phụ thuộc này. Theo Cơ quan quản lý năng lượng châu Âu, kể từ 2025, châu Âu sẽ nhập khẩu thêm gần 50 triệu m³ LNG mỗi ngày từ Mỹ nhờ việc đưa vào sự dụng 3 đường ống dẫn dầu mới.
Chưa kể đến các dự án năng lượng tái tạo của châu Âu cũng đã dần chạm đến mốc ổn định, bắt đầu cung cấp cho lục địa già các loại năng lượng có năng xuất cao như điện gió, điện mặt trời. Các nhà máy điện hạt nhân của châu Âu cũng đang có kết quả tốt khi đảm bảo đại đa số các nhu cầu về điện của người dân cũng như các doanh nghiệp bản địa.
Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng khí đốt đang giảm tại khu vực châu Á, châu Âu lại có thêm động cơ để tự tin vào việc dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga.