Chất bổ sung cho người tóc mỏng, rụng tóc có hiệu quả không?
Một số thực phẩm chức năng được quảng bá rộng rãi là có hiệu quả trong việc kích thích mọc tóc. Tuy nhiên chất bổ sung này là gì và hiệu quả đến đâu là điều không phải ai cũng biết.
NỘI DUNG
1. Vitamin và khoáng chất
2. Protein và acid amin ngăn ngừa rụng tóc
3. Các loại thảo mộc và thực vật
4. Chất dinh dưỡng nào thúc đẩy sức khỏe của tóc?
5. Làm thế nào để biết cơ thể thiếu vitamin?
6. Điều cần lưu ý khi chăm sóc tóc
Những lọn tóc bồng bềnh, một mái tóc dày mượt là thứ mà nhiều người khao khát nhưng các yếu tố như di truyền, căng thẳng, tình trạng bệnh lý (như suy giáp) hoặc việc dùng một số loại thuốc, rụng tóc sau sinh... có thể ảnh hưởng đến độ dày, đẹp của mái tóc. Do đó, nhiều người trông đợi vào việc sử dụng các chất bổ sung giúp mọc tóc. Nhưng các chất bổ sung được quảng cáo như một giải pháp mọc tóc có thực sự hiệu quả?
1. Vitamin và khoáng chất
Thực tế không có định nghĩa chính thức nào cho thuật ngữ "chất bổ sung mọc tóc". Các chất bổ sung được phân loại như vậy có chứa các thành phần được cho là giúp tóc mọc, chẳng hạn như một số chất dinh dưỡng và/hoặc thực vật. Có nhiều loại chất bổ sung mọc tóc khác nhau như nhóm vitamin và khoáng chất, các loại thảo mộc...
Vào năm 2022, Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ đã công bố một bài đánh giá có hệ thống tập trung vào các chất bổ sung cho tóc trên tạp chí JAMA Dermatology. Sau khi đánh giá 30 nghiên cứu được công bố trước đó, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng bổ sung "capsaicin, isoflavone, omega-3 và 6 với chất chống oxy hóa, dược phẩm dinh dưỡng từ táo, glucoside tổng số của paeony và viên hợp chất glycyrrhizin, kẽm, tocotrienol và dầu hạt bí ngô" cũng mang lại một số lợi ích cho sự phát triển của tóc. Tác dụng phụ rất hiếm và nhẹ đối với tất cả các liệu pháp được đánh giá.
Trong hầu hết các trường hợp, những người nhận thấy lợi ích từ việc bổ sung vitamin giúp mọc tóc là những người bị thiếu hụt chất dinh dưỡng, vì việc cung cấp không đủ một số chất dinh dưỡng - như sắt, kẽm và vitamin D - có liên quan đến tình trạng rụng tóc. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu nghiên cứu cụ thể về hiệu quả của vitamin mọc tóc ở những người khỏe mạnh nói chung.
Thiếu vitamin và khoáng chất cụ thể có liên quan đến rụng tóc. Các chất dinh dưỡng như vitamin A, B, C, D và E, sắt, selen, kẽm thường có trong các chất bổ sung này.
Đủ vitamin và khoáng chất hỗ trợ mái tóc khỏe mạnh nhưng tiêu thụ quá nhiều một số loại, chẳng hạn như vitamin A và E, có thể dẫn đến rụng tóc, thậm chí là ngộ độc vitamin. Vì vậy nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng chất bổ sung để bảo đảm an toàn cho sức khỏe.
2. Protein và acid amin ngăn ngừa rụng tóc
Acid amin là thành phần cấu tạo nên các tế bào của cơ thể và một số loại acid amin nhất định được tìm thấy trong một số chất bổ sung giúp mọc tóc. L-cystine, L-lysine và L-methionine là những acid amin phổ biến. Theo một nghiên cứu trên chuột năm 2022 được công bố trên Tạp chí Khoa học Phân tử Quốc tế, các peptide collagen cũng được sử dụng, vì việc sử dụng chúng đã được chứng minh là giúp ngăn ngừa rụng tóc và thúc đẩy tóc mọc lại.
3. Các loại thảo mộc và thực vật
Một số loại thực vật nhất định chẳng hạn như curcumin, capsaicin và cây cọ lùn có liên quan đến sự phát triển của tóc trong một số trường hợp, chẳng hạn như rụng tóc và tóc mỏng, theo một thử nghiệm năm 2022 trên Tạp chí Da liễu Mỹ phẩm và đánh giá năm 2020 về Rối loạn phần phụ của da.
Một số loại thực vật, thảo dược ở Việt Nam như cỏ mần trầu, hương nhu, bồ kết, hà thủ ô... được đánh giá là có tác dụng trong ngăn ngừa rụng tóc.
4. Chất dinh dưỡng nào thúc đẩy sức khỏe của tóc?
Nghiên cứu về hiệu quả của các chất bổ sung cho tóc vẫn đang được tiến hành, trong đó có biotin và một số chất khác như:
Biotin: Là một loại vitamin B rất phổ biến mà mọi người thường sử dụng cho sức khỏe của tóc, da và móng. Biotin có thể cải thiện cấu trúc của một loại protein gọi là keratin, có nhiều trong tóc và được cho là cải thiện lượng tóc, độ che phủ của da đầu. Tuy nhiên, nghiên cứu về hiệu quả của nó là hỗn hợp. Không có bằng chứng cho thấy biotin có bất kỳ tác động nào trong việc kích thích mọc tóc ở những người có mức biotin trung bình.
Acid folic: Acid olic là một thành viên khác của họ vitamin B có thể có lợi cho sức khỏe của tóc. Acid folic hỗ trợ quá trình sản xuất tế bào và giúp tái tạo các tế bào tóc mới, khỏe mạnh hơn.
Vitamin E: Vitamin E là một loại vitamin chống oxy hóa có thể giúp chống lại tổn thương oxy hóa bên trong cơ thể. Căng thẳng oxy hóa có tác động tiêu cực đến sức khỏe của tóc, khiến vitamin E trở thành một chất dinh dưỡng tuyệt vời để đưa vào thói quen chăm sóc tóc khỏe mạnh.
Kẽm: Kẽm là một khoáng chất vi lượng có lợi cho sự phát triển của tóc. Thiếu kẽm cũng dễ dẫn đến rụng tóc, mỏng tóc.
Vitamin D: Đây là chất dinh dưỡng quan trọng có ảnh hưởng đến sức khỏe của tóc. Thiếu vitamin D có liên quan đến tình trạng tóc mỏng và rụng tóc. Vitamin D đã được biết là có tác dụng kích thích các nang tóc và có thể hỗ trợ hấp thụ các chất dinh dưỡng khác, chẳng hạn như canxi và magie, khiến nó trở thành một lựa chọn bổ sung toàn diện.
Các chất bổ sung cho tóc có thể giúp hỗ trợ sự phát triển của tóc và sức khỏe của tóc ở những người bị thiếu hụt hoặc dưới mức tối ưu của một số chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, chất bổ sung cho tóc không phải là giải pháp kỳ diệu cho mọi vấn đề về tóc và hiệu quả của chúng khác nhau tùy thuộc vào di truyền, lối sống cũng như sức khỏe tổng thể của từng cá nhân.
Mặc dù một số chất bổ sung giúp mọc tóc có thể mang lại một số lợi ích để thúc đẩy mọc tóc nhưng một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng giàu vitamin và khoáng chất, đặc biệt là những chất hỗ trợ sức khỏe của tóc quan trọng hơn.
Đối với việc dùng thực phẩm chức năng để thúc đẩy mọc tóc, việc chỉ dựa vào chất bổ sung để giúp tóc chắc khỏe không phải là cách tốt nhất. Các chuyên gia da liễu và dinh dưỡng cho biết để thúc đẩy mái tóc dày hơn, một chế độ ăn uống lành mạnh và các phương pháp chăm sóc tóc nhẹ nhàng là chìa khóa.
5. Làm thế nào để biết cơ thể thiếu vitamin?
Biết mình có bị thiếu vitamin hay không và bổ sung cho phù hợp nếu thiếu là một trong những cách tốt nhất để hỗ trợ hành trình mọc tóc của bạn. Các dấu hiệu thiếu vitamin khác nhau nhưng thường bao gồm mệt mỏi, suy nhược, rụng tóc, móng tay giòn và phát ban trên da. Nếu nghi ngờ mình bị rụng tóc do thiếu chất dinh dưỡng nên nói chuyện với bác sĩ da liễu về việc đi xét nghiệm và xem xét có thiếu một chất dinh dưỡng cụ thể trong chế độ ăn hàng ngày hay không.
Thực hiện một chế độ ăn uống cân bằng với đầy đủ các vi chất dinh dưỡng thiết yếu như vitamin B, vitamin E, kẽm để ngăn ngừa sự thiếu hụt và tăng cường sức khỏe cho tóc. Chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh có thể giúp hỗ trợ sức khỏe tổng thể và góp phần làm tóc khỏe hơn.
6. Điều cần lưu ý khi chăm sóc tóc
Tuy các chất bổ sung mọc tóc rất phổ biến nhưng việc sử dụng chúng sẽ không đảm bảo kết quả cho mọi người, vì ngoài thiếu hụt dinh dưỡng, sức khỏe của tóc có thể do nhiều yếu tố như di truyền, thay đổi nội tiết tố, căng thẳng và một số tình trạng y tế.
Hầu hết các chất bổ sung vitamin và khoáng chất được coi là an toàn cho người lớn khỏe mạnh. Tuy nhiên, nhiều người có thể đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng thông qua chế độ ăn uống và việc uống thực phẩm bổ sung dễ khiến họ tiêu thụ quá nhiều chất dinh dưỡng. Do đó, nên tham khảo ý kiến của chuyên gia chăm sóc sức khỏe trước khi bắt đầu sử dụng bất kỳ loại thực phẩm bổ sung mới nào, đặc biệt nếu bạn đang mang thai, cho con bú hoặc đang dùng thuốc.
Về vấn đề rụng tóc, phải xác định nguyên nhân cơ bản gây ra rụng tóc và trao đổi với bác sĩ da liễu về các lựa chọn điều trị tiềm năng như dùng thuốc bôi hoặc thuốc uống.
Bên cạnh đó, mọi người cũng có thể thử kết hợp các biện pháp chăm sóc tóc nhẹ nhàng, chẳng hạn như tránh dùng hóa chất mạnh và giảm tạo kiểu tóc bằng nhiệt giúp giảm thiểu khả năng gãy rụng tóc. Cân nhắc dùng dầu gội có chứa các thành phần làm dịu để giúp tóc chắc khỏe và hỗ trợ mọc tóc. Một cách khác để kích thích các nang tóc là massage da đầu giúp thúc đẩy sự phát triển và độ dày của tóc.
BSCKII Nguyễn Trúc Quỳnh, khoa Lâm sàng 1, Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết, khi đối mặt với tình trạng tóc rụng nhiều, một số người thường cố gắng che giấu vấn đề này bằng cách thay đổi kiểu tóc, mua các sản phẩm phục hồi tóc, bổ sung vitamin và các chất khác để giúp mọc tóc hoặc hạn chế gội đầu thường xuyên.
Tuy nhiên, những nỗ lực này thường ít hiệu quả và hiếm khi giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Nếu bạn đang có hiện tượng rụng tóc, tốt nhất nên gặp bác sĩ chuyên khoa vì rụng tóc có rất nhiều nguyên nhân, tìm ra nguyên nhân càng sớm, bạn càng có cơ hội điều trị một cách có hiệu quả nhất.