Hiến tặng mô tạng: Cho đi là còn mãi…
Việt Nam hiện đứng đầu các nước Đông Nam Á về ghép tạng (mỗi năm trên 1.000 ca) và đã làm chủ hầu hết các kỹ thuật ghép tạng.
Tuy nhiên, nguồn hiến mô tạng từ người cho chết não hiện vẫn còn hạn chế.
Những nghĩa cử đẹp và tấm lòng cao cả
Năm 2023, có đến 94% nguồn tạng hiến là từ người cho sống, còn người cho chết não chỉ chiếm khoảng 6%. Với thông điệp “cho đi là còn mãi”, hàng chục ngàn người trên cả nước đã tình nguyện đăng ký hiến mô, tạng để cứu người. Hiến xác, hiến tạng cho y tế để cứu giúp người bệnh là một việc làm vô cùng cao đẹp.
Năm 2024, tỷ lệ hiến tạng từ người cho chết não tăng lên khoảng 10%. Tỷ lệ này dù tăng gấp đôi sau một năm nhưng tỷ lệ người chết não hiến tạng trên 1 triệu dân vẫn còn rất thấp so với thế giới.
Trong khi đó, nhu cầu cần tạng từ nguồn chết não rất lớn, nhưng nguồn cung rất hiếm, tỷ lệ đăng ký hiến tạng sau chết não của Việt Nam thấp. Vì vậy, người dân đăng ký hiến mô, tạng khi qua đời mang lại ý nghĩa đặc biệt to lớn trong việc cứu sống những bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo mà chỉ còn cách ghép tạng mới mang lại sự sống cho họ.
Đó là trường hợp nam thanh niên 18 tuổi (quê An Giang) bị chấn thương sọ não rất nặng, dập não, tụ máu màng cứng, nhập Bệnh viện Thống Nhất trong tình trạng hôn mê sâu, Glassgow 3/15 điểm thể hiện mức độ hôn mê nặng.
Tại đây, thanh niên này được bác sĩ Khoa Cấp cứu hồi sức, tiến hành đặt nội khí quản đồng thời mời hội chẩn khoa Khoa Phẫu thuật Gây mê - Hồi sức và Ngoại Thần kinh để tiến hành phẫu thuật cấp cứu.
PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế - Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất cho biết, trong 7 ngày, tình trạng bệnh nhân ngày càng nặng, diễn tiến chết não. Bệnh viện tiến hành kích hoạt Chi hội vận động hiến ghép mô tạng của bệnh viện, gặp gỡ ông bà nội, cha mẹ của bệnh nhân. Nhận được giải thích kỹ, gia đình đồng ý hiến tặng tạng khi bệnh nhân chết não.
Theo BS.CKII Nguyễn Duy Cường - Phòng Kế hoạch Tổng hợp - Bệnh viện Thống Nhất, sau khi đánh giá nguy cơ chết não của bệnh nhân cận kề, bệnh viện kích hoạt toàn bộ hệ thống để đánh giá tình trạng bệnh nhân một cách nghiêm ngặt từ cơ sở pháp lý đến chuyên môn bằng các hội đồng độc lập. Bệnh nhân được đánh giá chết não 3 lần, mỗi lần cách nhau 6 giờ. Giữa 3 lần hội chẩn đánh giá chết não, bệnh nhân nhiều lần diễn tiến nặng, nguy cơ tử vong bất cứ lúc nào.
Ngày 23/11, chuyên gia của Trung tâm Điều phối Ghép tạng quốc gia đã đến cùng với Bệnh viện Thống Nhất tư vấn, tìm hiểu nguyện vọng của gia đình người bệnh, hướng dẫn các thủ tục pháp lý trong việc hiến mô tạng.
10 giờ 20 phút ngày 24/11, hội đồng hoàn thành việc xác định chết não. Sau khi có kết luận của hội đồng đánh giá tình trạng chết não, PGS.TS.BS Lê Đình Thanh chủ trì hội chẩn chuyên môn cùng các chuyên gia để thống nhất và quyết định bắt đầu phẫu thuật lấy tạng lúc 10 giờ 45 phút cùng ngày.
Bệnh viện Thống Nhất phối hợp với Trung tâm Điều phối Ghép tạng quốc gia và các chuyên gia đến từ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM và Phân viện Pháp y quốc gia tại TPHCM thực hiện lấy, bảo quản và vận chuyển tạng đến các bệnh viện ở TPHCM, Hà Nội và Huế. Ca phẫu thuật lấy tạng từ người hiến chết não thành công.
Ngoài ra, nhiều đơn vị hỗ trợ cuộc vận chuyển tạng ghép đi các nơi an toàn và rút ngắn thời gian như Cảnh sát Giao thông - Công an quận Tân Bình (TPHCM), Sân bay Tân Sơn Nhất. Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) hoãn chuyến bay 30 phút để chờ vận chuyển tạng hiến.
Cứu sống 7 người ở ba miền đất nước
Nguồn tạng hiến từ thanh niên không may chết não được ghép thành công, cứu chữa, đem lại sự sống mới cho 7 người bệnh.
Theo đó, 7 đơn vị tạng được vận chuyển nhanh chóng đến các bệnh viện để ghép cho người nhận. Cụ thể, 2 quả thận ghép cho 2 bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối tại Bệnh viện Thống Nhất.
Đây là ca ghép thận thứ 19 của đơn vị này và là trường hợp ghép thận đầu tiên trên người bệnh chết não. Giác mạc được ghép cho 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Huế. Quả tim và một phần gan gấp rút được chuyển ra Hà Nội để ghép cho hai người bệnh tại Bệnh viện Việt Đức.
Một phần gan trái của người hiến được ghép cho người bệnh tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM. Người nhận tạng hiến là bệnh nhi 3 tuổi bị xơ gan giai đoạn cuối, đang chờ được ghép gan.
Theo TS.BS Trần Công Duy Long - Phó khoa ngoại Gan Mật Tụy - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, đây là lần thứ 4 ngành y khoa trong nước tách lá gan thành hai phần, ghép cho một bệnh nhi ở TPHCM và một bệnh nhân người lớn ở Hà Nội. Lá gan được tách làm hai ngay trong cơ thể của người bệnh.
“Điều này giúp tiết kiệm được nguồn tạng hiến, tăng cơ hội cứu sống nhiều bệnh nhân suy gan giai đoạn cuối. Phần lá gan lớn được chuyển ra ghép cho bệnh nhân người lớn ở Bệnh viện Việt Đức. Phần gan còn lại đã được ghép cho bệnh nhi 3 tuổi tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM”, TS.BS Trần Công Duy Long chia sẻ.
Bày tỏ niềm tri ân trước nghĩa cử cao đẹp của thanh niên 18 tuổi bị chết não cùng gia đình, PGS.TS.BS Lê Đình Thanh nhận định, việc thanh niên hiến tặng các tạng và mô để cứu sống 7 bệnh nhân trên khắp đất nước là một nghĩa cử vô cùng cao đẹp, giúp văn hóa hiến tạng từ người cho chết não dần được hình thành trong cộng đồng, góp phần đem lại cuộc đời mới cho những bệnh nhân khác.
Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật từ các chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất đã thực hiện thành công 15 ca ghép thận, mang lại hy vọng mới cho nhiều bệnh nhân. Hiện, Bệnh viện Thống Nhất đang chuẩn bị cho kỹ thuật ghép gan, dưới sự hỗ trợ chuyển giao từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Bệnh viện Thống Nhất vừa ra mắt Chi hội vận động hiến mô tạng như một sáng kiến quan trọng trong việc phát triển hoạt động ghép tạng, mở ra nhiều cơ hội cứu sống cho các bệnh nhân đang cần sự giúp đỡ.
PGS.TS.BS Đồng Văn Hệ - Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về Ghép bộ phận cơ thể người cho biết: Từ đầu năm đến nay, cả nước có hơn 30 ca chết não hiến tạng, chủ yếu ở khu vực phía Bắc. Hy vọng thời gian tới sẽ có thêm nhiều ca hiến tạng ở khu vực phía Nam, giúp cứu sống nhiều người suy tạng giai đoạn cuối.