Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng chia sẻ chuyện cứu sống bệnh nhân đã ngừng tim do bị điện giật
Như Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng đã thông tin, Bệnh viện Đà Nẵng (BVĐN) vừa sử dụng phương pháp Ecmo cứu sống bệnh nhân L.H.D. (26 tuổi, trú quận Sơn Trà) ngừng tim, ngừng thở do bị điện giật. Đây là trường hợp cứu người khá hy hữu, ngoạn mục, gần như đưa bệnh nhân từ cõi chết trở về. Tiến sĩ, bác sĩ (TS.BS) Lê Đức Nhân - Giám Đốc BVĐN chia sẻ nhiều thông tin thú vị xung quanh câu chuyện này.
P.V: Bác sĩ có thể chia sẻ cụ thể, chi tiết hơn về quá trình cấp cứu bệnh nhân từ khi gặp nạn đến lúc vào BVĐN?
TS.BS Lê Đức Nhân: Trường hợp này khi gặp nạn đã ngừng tuần hoàn ngay trên mái tôn do bị điện giật. Tại đây, nạn nhân được sơ cấp cứu tại chỗ rồi vận chuyển trên xe Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng từ quận Sơn Trà đến thẳng BVĐN. Ngay tại Phòng Cấp cứu BVĐN, ghi nhận bệnh nhân xem như ngừng tuần hoàn, đồng tử 2 bên giãn không còn gì hết, lãnh đạo BVĐN quyết tâm chỉ định phải cấp cứu tuần hoàn ngay lập tức.
Điều đáng mừng là khi có báo động đỏ, các chuyên khoa cùng một lúc lập tức có mặt ngay. Từ khi bệnh nhân ngừng tuần hoàn cho đến khi thiết lập tuần hoàn Ecmo đã huy động ê-kíp lớn hàng chục người, vận động nhiều khoa phòng cùng lúc thực hiện nhiệm vụ ép tim, đẩy bệnh nhân đến cấp cứu rồi từ đó thiết lập vòng tuần hoàn lớn. Khi đưa vào cấp cứu thì mỗi người một việc, từ thiết lập máy thở, làm Ecmo cho đến thực hiện các đường truyền ven... hết sức bài bản, chuyên nghiệp. Sau khi bệnh nhân thiết lập vòng tuần hoàn xong còn phải thực hiện các biện pháp xử lý về thần kinh, giảm thiểu thiệt hại, ổn định chức năng sống cho bệnh nhân.
P.V: Điều đặc biệt nhất trong việc cứu sống bệnh nhân này là gì, thưa bác sĩ?
TS.BS Lê Đức Nhân: Đây là trường hợp cứu sống bệnh nhân khá đặc biệt. Bởi xét về chuyên môn, nếu cấp cứu tuần hoàn sau 30 phút mà không có hiệu quả thì coi như cấp cứu thất bại. Trong khi đó bệnh nhân này ngừng tim từ hiện trường đến thực hiện được kỹ thuật Ecmo trong vòng 60 phút. Thêm nữa, để thực hiện một ca Ecmo là hết sức đắt đỏ. Và trong cấp cứu, để quyết định thực Ecmo rất khó, đặt lãnh đạo BVĐN vào tình thế phải cân đo đong đếm.
Về trường hợp này, chúng tôi thấy bệnh nhân còn quá trẻ, được cấp cứu trên xe cấp cứu liên tục khi đến BVĐN. Mặc dù đã ngừng tuần hoàn trên 40 phút nhưng cơ hội hồi sinh tim, phổi trong suốt thời gian ngừng tuần hoàn cho đến khi vào máy Ecmo là có. BVĐN rất tin tưởng đội ngũ cấp cứu 115 sơ cứu ban đầu khá tốt cho nạn nhân nên quyết định tiếp tục thực hiện. Bởi lẽ, việc hồi sinh tim phổi quan trọng đến mức chỉ cần không tưới máu não trong thời gian dài thì cơ hội bệnh nhân được cứu sống bằng không.
P.V: Từ trường hợp này, BVĐN rút ra bài học gì trong việc cứu chữa bệnh nhân?
TS.BS Lê Đức Nhân: Theo tôi, từ ca bệnh này có thể minh chứng được rằng, nếu như có cấp cứu hết sức tích cực, đa chuyên khoa cùng lúc, kết hợp các phương tiện hiện đại, kỹ thuật hiện đại thì BVĐN cũng có thể đưa bệnh nhân tưởng chừng như hết hy vọng về lại cuộc sống. Lãnh đạo BVĐN rất cảm động khi chứng kiến các bác sĩ trẻ không ngại bất cứ điều gì để cấp cứu. Mỗi người một việc hết sức tất bật, chạy đua giành sự sống cho người bệnh, đây là thành công lớn của BVĐN.
Thời gian tới, BVĐN sẽ tiếp tục triển khai các đề án đa chuyên môn, đa chuyên khoa, sẽ có những quy trình báo động đỏ kết hợp các khoa phòng trong bất kỳ tình huống nào để ứng trực, cấp cứu người bệnh một cách hiệu quả. Trước đây chúng tôi đào tạo từng chuyên khoa, giờ thì kết nối lại, ví như tim mạch thì cần ê-kíp gì, đột quỵ thì làm sao? Rồi bệnh nhân ngừng tuần hoàn do điện giật thì cần những gì. Chỉ cần có những ê-kíp như vậy thì công việc cấp cứu tại BVĐN sẽ trôi chảy hơn.
Tới đây, BVĐN sẽ kịp thời khen thưởng, tuyên dương các cá nhân, tập thể tham gia cấp cứu bệnh nhân này và sẽ tiến tới xây dựng quy trình cấp cứu có kết nối với ngoại viện. Bởi vì, Ecmo là kỹ thuật cao, muốn thực hiện phải có hội chẩn sớm. Khi làm quy trình có kết nối vùng, nếu có trường hợp tương tự phát hiện báo về, BVĐN sẽ thiết lập hệ thống ngay, rút ngắn được thời gian.
P.V: Cảm ơn bác sĩ về cuộc trò chuyện này.
Đinh Nga (thực hiện)