Chân gà bổ đủ bề nhưng 2 nhóm người nên hạn chế ăn

Chân gà được đánh giá chứa nhiều collagen tốt cho xương, khớp, da, tóc… nhưng người mắc bệnh tim mạch, gout nên hạn chế ăn.

1. Giàu collagen tốt cho khớp

Collagen là một loại protein chiếm khoảng 70% cấu trúc da, dây chằng và gân trong cơ thể người. Collagen giúp cải thiện độ đàn hồi của da, giảm nếp nhăn và hỗ trợ các khớp khỏe mạnh.

Chân gà chủ yếu gồm mô liên kết và sụn, rất giàu collagen. Khi nấu kỹ hoặc hầm lâu, các thành phần này chuyển hóa thành gelatin - một dạng collagen dễ hấp thu.

Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Nutrients cho thấy bổ sung collagen có tác dụng giảm đau do thoái hóa khớp và tăng cường chức năng vận động.

Chân gà có nhiều giá trị dinh dưỡng nhưng bạn nên chọn luộc, hấp thay vì chiên rán nhiều mỡ. Ảnh minh họa: Ban Mai

Chân gà có nhiều giá trị dinh dưỡng nhưng bạn nên chọn luộc, hấp thay vì chiên rán nhiều mỡ. Ảnh minh họa: Ban Mai

2. Hỗ trợ xương chắc khỏe

Xương và sụn trong chân gà là nguồn cung cấp dồi dào canxi, magie, phốt pho và collagen - những yếu tố thiết yếu duy trì độ chắc khỏe của xương.

Ăn chân gà thường xuyên có thể giúp ngăn ngừa loãng xương và thoái hóa xương do tuổi tác. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Hóa học Thực phẩm và Nông nghiệp cho thấy collagen thủy phân từ chân gà giúp cải thiện chuyển hóa xương ở chuột.

3. Làm đẹp da, tóc và móng

Collagen cũng góp phần giúp tóc và móng chắc khỏe hơn, giảm lượng tóc gãy rụng và khô xơ. Nhiều người dùng các món như nước hầm chân gà thường xuyên cho biết da mịn, ẩm mượt và ít nếp nhăn hơn.

Ngoài ra, chân gà còn chứa một lượng nhỏ kẽm, vitamin A và sắt, hỗ trợ cho tóc và móng phát triển khỏe mạnh.

4. Tăng cường miễn dịch

Chân gà chứa các axit amin như glycine và glutamine, hỗ trợ sức khỏe đường ruột - yếu tố liên quan trực tiếp đến hệ miễn dịch. Gelatin hình thành từ collagen khi nấu chân gà giúp bảo vệ niêm mạc ruột, từ đó giảm viêm và tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng.

Khoảng 70-80% tế bào miễn dịch nằm ở đường ruột, vì vậy thực phẩm giúp duy trì ruột khỏe cũng sẽ giúp tăng cường sức đề kháng.

5. Hỗ trợ lành vết thương và giấc ngủ

Glycine - một axit amin có nhiều trong chân gà - thúc đẩy quá trình hồi phục vết thương, giảm lo âu và hỗ trợ giấc ngủ ngon. Một nghiên cứu đăng trên Sleep and Biological Rhythms cho thấy dùng glycine trước khi ngủ giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ và giảm mệt mỏi.

Những ai không nên ăn chân gà?

Dù bổ dưỡng, chân gà không phù hợp với tất cả mọi người. Dưới đây là một số đối tượng nên hạn chế ăn chân gà:

- Người bị gout: Theo Hiệp hội Thận Quốc gia Mỹ, chân gà chứa nhiều purine, khi chuyển hóa sẽ tạo ra axit uric - yếu tố chính gây ra các cơn đau gout. Người bị gout hoặc có nguy cơ cao nên hạn chế tiêu thụ các món như chân gà, xương hầm, phủ tạng.

- Người có cholesterol cao hoặc bệnh tim mạch: Dù chân gà không quá béo nhưng vẫn có thể chứa cholesterol và chất béo bão hòa, đặc biệt nếu chế biến bằng cách chiên rán nhiều dầu. Người bị cao mỡ máu, xơ vữa động mạch hoặc bệnh tim nên ăn ở mức vừa phải.

Ngoài ra, khi gà còn sống, chân có thể tiếp xúc với đất, phân nên nếu không được làm sạch kỹ và nấu chín hoàn toàn, có thể mang vi khuẩn như Salmonella hoặc các chất tồn dư từ thuốc thú y.

Để đảm bảo an toàn, bạn hãy mua chân gà từ nơi uy tín, nấu kỹ (luộc, hầm).

An Yên

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chan-ga-bo-du-be-nhung-2-nhom-nguoi-nen-han-che-an-2402371.html
Zalo