Theo chân đồng bào Dao đỏ lên rừng tìm lá thuốc

Trong kho tàng tri thức bản địa của dân tộc Dao đỏ xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát, từ lâu, bà con đã biết sử dụng nhiều loại cây rừng để làm ra những bài thuốc quý chữa bệnh. Một lần theo chân bà con lên rừng tìm cây thuốc, chúng tôi hiểu hơn về nghề thuốc nam của người dân nơi đây.

Phải mấy lần hẹn chúng tôi mới có dịp đi cùng một số bà con người Dao đỏ xã Phìn Ngan lên rừng tìm cây thuốc. Trước khi vào rừng, chị Tẩn Sử Mẩy, Trưởng thôn Sải Duần, xã Phìn Ngan đã chuẩn bị sẵn chiếc gùi đựng cây thuốc, dao quắm và ít dây buộc. Ngoài ra, trong gùi còn có thêm chai nước, nắm cơm, ít mắm muối để ăn trưa trên rừng.

 Để hái được lá thuốc, người Dao đỏ ở xã Phìn Ngan phải vào những khu rừng sâu.

Để hái được lá thuốc, người Dao đỏ ở xã Phìn Ngan phải vào những khu rừng sâu.

Từ thôn Sải Duần, mấy thanh niên cùng nhóm phụ nữ người Dao nổ máy xe giòn tan sẵn sàng lên đường. Chúng tôi được ưu tiên ngồi trên “ngựa sắt” là chiếc xe Win dã chiến, ngược dốc theo đường bê tông lên phía đầu thôn. Qua đoạn đường trục thôn, xe rẽ vào con đường nhỏ rộng chỉ khoảng 1,5 m, tuy được đổ bê tông nhưng dốc ngược và nhiều đoạn “cua tay áo” rất gắt. Tôi ngồi sau xe mà nhiều khi “sởn da gà”.

Nhìn mấy chị người Dao một mình lái xe lên núi, ai cũng trầm trồ nể phục tay lái. Qua mấy con dốc lên lưng chừng núi, xe máy phải dừng lại vì không còn... đường bê tông. Từ đây, chúng tôi đi bộ, leo dốc bắt đầu hành trình tìm cây thuốc. Dù là người quen leo núi, đã có những chuyến chinh phục một số đỉnh núi cao, nhưng do chủ quan không luyện tập trước, nên leo dốc được chừng nửa tiếng đồng hồ thì lưng tôi đã đẫm mồ hôi, mắt hoa, cổ khô khát, chân mỏi đến nỗi không muốn bước tiếp. Trên những vòm cây cổ thụ, tiếng ve kêu ra rả như dàn nhạc, vang cả khu rừng.

 Trong những khu rừng cộng đồng của người dân xã Phìn Ngan có nhiều loài cây thuốc quý.

Trong những khu rừng cộng đồng của người dân xã Phìn Ngan có nhiều loài cây thuốc quý.

Càng lên cao, đường càng dốc khiến chúng tôi mất sức. Qua rừng cây cổ thụ là đến khu rừng vầu gần đỉnh núi. Ở đây có loài cây đang mùa sai trĩu quả, mà lạ là quả lại mọc ra từ thân cây và cành, giống cây nho thân gỗ. Anh Chảo A Khuân, Tổ trưởng Tổ Bảo vệ an ninh trật tự thôn Sải Duần dúi vào tay tôi chùm quả màu tím đỏ bảo đây là quả dâu da đất, ăn cho đỡ mệt. Quả dâu da còn non, ăn rất giòn, vị chua như quả sấu, giúp tôi tan cơn mỏi mệt. Khi quả chín, vỏ sẽ có màu đỏ, bên trong mọng nước, ăn có mùi thơm, vị thanh ngọt.

Trong khi chúng tôi đang ngồi dưới gốc cây dâu da, chị Tẩn Sử Mẩy và một số người khác đã hái được cả nắm cây dây leo nhìn giống dây gấc và lá lốt rừng. Theo đồng bào Dao nơi đây, trong rừng này nhiều cây thuốc quý, có thể phối hợp với nhau để chữa được nhiều loại bệnh. Ví dụ như lá lốt rừng có thể chữa được bệnh về xương khớp; củ hà thủ ô giúp an thần, chữa bệnh mất ngủ, bạc tóc sớm; củ khúc khắc (thổ phục linh) giúp thanh nhiệt, mát gan, giải độc, bổ máu, trừ phong thấp, tốt cho gân cốt…Vì là bài thuốc bí truyền nên các thầy thuốc người Dao chỉ truyền lại cho một số người trong dòng họ, không thể nói rõ tên từng cây thuốc và công thức kết hợp các vị thuốc với nhau.

Chị Tẩn Sử Mẩy, Trưởng thôn Sải Duần, xã Phìn Ngan cho biết: Khu rừng sinh thái và du lịch của cộng đồng có nhiều loài cây thuốc quý. Chúng tôi cũng có các tổ dịch vụ vào rừng hái cây thuốc để phục vụ khách du lịch. Đây là nguồn thuốc quý, sạch, tạo thu nhập ổn định cho người dân trong thôn.

Trong kho tàng tri thức bản địa, người Dao đỏ có nhiều bài thuốc quý chữa được bệnh viêm ngứa da, mụn nhọt, viêm dạ dày, viêm gan, đau lưng, đau bụng, mất ngủ, điều trị chấn thương, thậm chí chữa được bại liệt… Thông dụng nhất là bài thuốc tắm dùng cho phụ nữ sau khi sinh, giúp nhanh phục hồi sức khỏe; bài thuốc tắm, thuốc ngâm chân thông thường giúp thư giãn cơ thể, điều hòa khí huyết…

 Người Dao đỏ xã Phìn Ngan chỉ hái ngọn, không chặt gốc để bảo tồn những cây thuốc quý.

Người Dao đỏ xã Phìn Ngan chỉ hái ngọn, không chặt gốc để bảo tồn những cây thuốc quý.

Về cách chữa bệnh của người Dao đỏ cũng đa dạng, có bài thuốc chỉ băm nhỏ cây thuốc, phơi khô, dùng sắc nước uống hằng ngày; có bài thuốc phải giã nhỏ, sao nóng, bó vào nơi chấn thương hoặc để dưới chiếu cho người bệnh nằm lên. Cũng có vị thuốc phải đun lên để tắm, gội, rửa vết thương… Mỗi bài thuốc là sự kết hợp của nhiều vị dược liệu quý lấy từ trong rừng.

 Người Dao đỏ ở Phìn Ngan nấu lá thuốc phục vụ du khách tắm.

Người Dao đỏ ở Phìn Ngan nấu lá thuốc phục vụ du khách tắm.

Hiện nay, ở xã Phìn Ngan có những thầy thuốc người Dao đỏ vẫn duy trì nghề bốc thuốc nam gia truyền, giúp chữa bệnh cho bà con trong thôn, bản và người bệnh ở nhiều nơi. Tiêu biểu như bà Chảo Cói Mẩy, Chảo Khờ Mẩy (thôn Sải Duần); bà Chảo Kiếu Mẩy (thôn Van Hồ); bà Tẩn Sử Mẩy (thôn Trung Chải); ông Vàng Chằn Vảng (thôn Láo Vàng); bà Vàng Khờ Mẩy (thôn Láo Sáng); bà Tẩn Mắn Mẩy (thôn Trung Hồ);…

Chị Phàn Lở Mẩy, thôn Sài Duần, xã Phìn Ngan cho biết: Bà con trong thôn rất có ý thức bảo tồn các loài thuốc quý trong rừng, thường trong 1 tháng chỉ hái lá thuốc 2 lần, khi thu hoạch chỉ hái ngọn, hái lá chứ không nhổ cả cây, đào cả gốc để cho cây còn phát triển.

Được biết, người Dao đỏ ở Phìn Ngan cũng có những kiêng kị khi đi hái lá thuốc như chỉ hái lá thuốc vào ngày lẻ trong tháng, có những loại thảo dược chỉ hái vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối khi không có ánh nắng, như vậy mới phát huy tác dụng…

 Cận cảnh một loài cây thuốc quý trong rừng ở xã Phìn Ngan.

Cận cảnh một loài cây thuốc quý trong rừng ở xã Phìn Ngan.

Sau gần 1 ngày đi khắp các khu rừng trên núi Sải Duần, sản phẩm mà nhóm phụ nữ Dao đỏ thu hái được là cả gùi lá thuốc với đủ loại thảo dược thông thường, thảo dược quý hiếm để mang về phân loại, kết hợp thành những loại thuốc chữa bệnh, thuốc tắm phục vụ cho người cần dùng. Đặc biệt, tại Nhà Du lịch cộng đồng thôn Sải Duần, có mô hình tắm lá thuốc phục vụ khách được duy trì nhiều năm qua. Du khách trong nước và quốc tế đến đây, sau hành trình khám phá các khu rừng, trải nghiệm trồng quế, làm cỏ quế, cấy lúa… với bà con, sẽ được ngâm mình trong thùng thuốc tắm chế biến từ 7 loại thảo dược, giúp thư giãn cơ thể, phục hồi sức khỏe. Buổi tối sẽ được thưởng thức những món ăn từ rau rừng, thảo dược, đậm đà hương vị núi rừng.

Ông Nguyễn Đình Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát cho biết: Trong diện tích rừng hiện có của thôn Sải Duần có nhiều loại thảo dược quý hiếm. Trong những năm qua, người dân đã tận dụng rất tốt lợi thế để phát triển du lịch sinh thái, phục vụ du khách tắm lá thuốc.

 Một loại quả rừng được người Dao đỏ xã Phìn Ngan hái về làm thuốc và thực phẩm.

Một loại quả rừng được người Dao đỏ xã Phìn Ngan hái về làm thuốc và thực phẩm.

 Du khách trải nghiệm du lịch sinh thái tại xã Phìn Ngan.

Du khách trải nghiệm du lịch sinh thái tại xã Phìn Ngan.

Một ngày theo chân bà con người Dao đỏ lên rừng tìm cây thuốc, chúng tôi hiểu được công việc vất vả nhưng ý nghĩa, cũng là sinh kế của bà con nơi đây. Đồng bào Dao đỏ ở Phìn Ngan luôn có ý thức bảo vệ và giữ gìn loài cây thuốc quý trong rừng để khai thác, sử dụng bền vững và truyền lại cho con, cháu trong gia đình, dòng họ những bài thuốc quý để không bị thất truyền. Chính “kho báu” cây dược liệu trong khu rừng già là nguồn cây thuốc quý chữa bệnh cho đồng bào, là nguyên liệu để những thầy thuốc người Dao đỏ bào chế ra bài thuốc quý chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Tuấn Ngọc - Tất Đạt

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/theo-chan-dong-bao-dao-do-len-rung-tim-la-thuoc-post401927.html
Zalo