Chậm thay đổi, phụ thuộc vào một thị trường: Doanh nghiệp dệt may tự hại mình

Doanh nghiệp dệt may cần nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước, đầu tư công nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ, đa dạng hóa chuỗi cung ứng để giảm phụ thuộc vào thị trường truyền thống...

Tác động kép

Ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, ngành dệt may đang chịu tác động rất lớn từ việc Mỹ dự kiến áp thuế đối ứng. Năm 2024, xuất khẩu dệt may đạt 43,6 tỷ USD, trong đó riêng thị trường Mỹ chiếm 38,2% với kim ngạch 16,6 tỷ USD – tương đương khoảng 15% tổng nhập khẩu dệt may của Mỹ, chỉ đứng sau Trung Quốc. Các thị trường khác như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN… lần lượt chiếm tỷ trọng nhỏ hơn.

Dù xuất khẩu tới 139 quốc gia, nhưng trên 90% kim ngạch tập trung ở một vài thị trường lớn, khiến ngành dễ tổn thương trước biến động chính sách thương mại. Đặc biệt, trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung, nguy cơ từ chính sách siết chặt nhập khẩu nguyên phụ liệu có nguồn gốc Trung Quốc càng gia tăng.

Về nhập khẩu, ngành dệt may mỗi năm nhập khoảng 24,8 tỷ USD nguyên phụ liệu, trong đó Trung Quốc chiếm tới 62,5%. Mỹ cũng là nguồn cung lớn với khoảng 1,2 tỷ USD, chủ yếu là bông, vải, nguyên phụ liệu. Việc Mỹ áp thuế không chỉ ảnh hưởng tới đầu ra mà còn cả đầu vào của ngành.

Đáng lưu ý, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm tới 60% xuất khẩu dệt may. Trong 50 doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất sang Mỹ, hơn 30 là doanh nghiệp FDI. Nếu mức thuế mới không được đàm phán phù hợp, các doanh nghiệp này có thể thu hẹp sản xuất, tác động tiêu cực tới thị trường lao động và tăng trưởng ngành.

Cơ hội chuyển mình

Dù đối mặt áp lực lớn, Phó Chủ tịch VITAS cho rằng, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp dệt may thay đổi phương thức xuất khẩu, nâng cao năng lực thiết kế, tự chủ nguyên liệu, phát triển thương hiệu và chuyển đổi xanh.

Việc Mỹ áp thuế đối ứng tạo nhiều thách thức nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp dệt may chuyển mình, thay đổi phương thức xuất khẩu, nâng cao năng lực thiết kế...

Việc Mỹ áp thuế đối ứng tạo nhiều thách thức nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp dệt may chuyển mình, thay đổi phương thức xuất khẩu, nâng cao năng lực thiết kế...

"Trước đây, nhiều doanh nghiệp phụ thuộc vào thị trường như Mỹ với các sản phẩm đơn giản, giá rẻ. Nhưng bây giờ, áp lực buộc doanh nghiệp phải tự thiết kế, chủ động nguyên liệu và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị", ông Cẩm nêu.

Các hiệp định thương mại tự do như CPTPP và EVFTA đã đặt ra yêu cầu khắt khe về xuất xứ – từ sợi hoặc vải – nếu muốn hưởng thuế suất ưu đãi 0%. Tuy nhiên, thực tế triển khai vẫn còn khó khăn do thiếu chủ động và đầu tư bài bản trong chuỗi cung ứng nguyên liệu.

Ông Cẩm nhấn mạnh, quyết định áp thuế của Mỹ sẽ thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam thay đổi phương thức sản xuất, đầu tư vào tự chủ nguyên phụ liệu, xây dựng thương hiệu riêng và hướng tới phát triển bền vững lâu dài.

Đặc biệt, hiện nay với việc trên 60% vải đang nhập khẩu từ Trung Quốc, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài vào sản xuất vải trong nước, qua đó gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, đáp ứng yêu cầu xuất xứ để xuất khẩu đi Mỹ và các thị trường khác.

Doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các thương vụ Việt Nam tại Mỹ để cập nhật thông tin đàm phán, xu hướng chính sách, đồng thời chủ động chia sẻ rủi ro với nhãn hàng theo chuỗi cung ứng chứ không giải quyết đơn lẻ từng khâu.

Ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS).

Ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS).

Từ nay đến đầu tháng 7, các doanh nghiệp đang tập trung đẩy nhanh tiến độ giao hàng trước thời điểm Mỹ áp dụng các biện pháp thuế mới. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tinh thần chủ động sẽ quyết định khả năng trụ vững và bứt phá của ngành dệt may trong giai đoạn đầy thách thức này.

"Các doanh nghiệp dệt may hiện rất cần sự hỗ trợ thông tin kịp thời từ các cơ quan thương vụ tại Mỹ cũng như từ cơ quan quản lý trong nước, không chỉ cập nhật tình hình đàm phán mà còn cung cấp dự báo, khuyến nghị, qua đó giúp doanh nghiệp xây dựng phương án ứng phó phù hợp", Phó Chủ tịch VITAS đề xuất.

Về vấn đề này, ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ đánh giá, thương mại Việt Nam - Mỹ đang đối mặt với thách thức về thuế quan, song vẫn còn nhiều cơ hội. Các tập đoàn bán lẻ lớn của Mỹ như Walmart, Target, Costco, HomeDepot... vẫn tin tưởng vào khả năng hai bên đạt được thỏa thuận gỡ bỏ thuế đối ứng và đang cân nhắc tham dự sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế - Viet Nam International Sourcing và diễn đàn xuất khẩu TP Hồ Chí Minh 2025” do Bộ Công Thương tổ chức vào tháng 9 tới.

Để tăng cường hợp tác, ông Hưng đề xuất Việt Nam cần đẩy mạnh liên kết chiến lược với Mỹ trong các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, đầu tư, năng lượng, trí tuệ nhân tạo, đồng thời đa dạng hóa thị trường xuất khẩu qua các FTA thế hệ mới và kích thích tiêu dùng nội địa.

Về phía doanh nghiệp, ông Hưng khuyến nghị nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước, đầu tư công nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ, đa dạng hóa chuỗi cung ứng để giảm phụ thuộc vào một thị trường. Đồng thời, chú trọng xuất khẩu sản phẩm có hàm lượng chất xám cao nhằm nâng cao sức chống chịu trước biến động quốc tế.

Ngoài ra, liên quan đến phòng vệ thương mại, ông Hưng nhấn mạnh doanh nghiệp cần hợp tác đầy đủ với cơ quan Mỹ trong các vụ kiện để bảo vệ lợi ích và tránh rủi ro pháp lý.

Nguyệt Minh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/hiep-hoi-doanh-nghiep/cham-thay-doi-phu-thuoc-vao-mot-thi-truong-doanh-nghiep-det-may-tu-hai-minh/20250429101616071
Zalo