Việt Nam sẽ có nhà máy silicon đa tinh thể dùng cho bán dẫn
Công ty Tokuyama (Nhật Bản) cho biết sẽ xây dựng nhà máy sản xuất silicon đa tinh thể - vật liệu thiết yếu cho chuỗi cung ứng bán dẫn.

Việt Nam và Nhật Bản tăng cường hợp tác về công nghệ cao, chuyển đổi xanh, bán dẫn. Ảnh minh họa: TL
Diễn đàn hợp tác Việt Nam Nhật Bản về hợp tác trong các ngành công nghiệp chiến lược, công nghệ cao, chuyển đổi xanh và bán dẫn được tổ chức chiều 28-4 tại Văn phòng Chính phủ dưới sự đồng chủ trì của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru, TTXVN đưa tin.
Tại đây, đại diện Công ty Tokuyama (công ty hàng đầu thế giới về silicon tinh thể dùng trong chất bán dẫn) cho biết, doanh nghiệp này đang chuẩn bị triển khai một cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Với các chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp bán dẫn của Việt Nam, công ty quyết định xây dựng nhà máy silicon đa tinh thể tại Bà Rịa – Vũng Tàu.
Ông Ishiba Shigeru, Thủ tướng Nhật Bản, nhận định Việt Nam là điểm đến tiềm năng với các doanh nghiệp Nhật Bản nhờ sở hữu thị trường 100 triệu dân, cộng với nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao.
Trong hời gian tới, Nhật Bản sẽ hỗ trợ Việt Nam đào tạo, phát triển nguồn nhân, tiếp nhận t250 nghiên cứu sinh trình độ tiến sĩ về bán dẫn. Thủ tướng Ishiba Shigeru cam kết sẽ giúp Việt Nam phát triển công nghiệp công nghệ cao, giảm phát thải carbon, xây dựng nhà máy sản xuất silicon đa tinh thể - loại vật liệu không thể thiếu trong bán dẫn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức, công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, năng lượng sạch, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn sẽ là chìa khóa cho sự phát triển nhanh và bền vững của cả hai nước.
Việt Nam đang cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh với tinh thần ba thông là thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt và con người thông minh.
Ngoài ra, Việt Nam đang thực hiện bộ tứ chiến lược gồm cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy và sắp xếp đơn vị hành chính; đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để phát triển kinh tế số. Việt Nam cũng coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất cho phát triển kinh tế quốc gia.
Tính đến tháng 3 năm nay, Nhật Bản hiện có 5.500 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng số vốn gần 80 tỉ đô la Mỹ, trải rộng trên 59 tỉnh thành. Các dự án của Nhật Bản chủ yếu tập trung vào công nghiệp chế biến, năng lượng, công nghệ cao, y tế, giáo dục. Trong quí 1, vốn đầu tư từ Nhật đã tăng 20% so với cùng kỳ, đây là tín hiệu tích cực cho giai đoạn hợp tác mới.