Xuất khẩu tôm tiếp tục tăng cao

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản, quí 1-2025, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 939 triệu đô la Mỹ, tăng 37%. Việt Nam xuất khẩu tôm nhiều nhất sang thị trường Trung Quốc, tiếp theo là những thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Baochinhphu.vn đưa tin, Trung Quốc tiếp tục là thị trường dẫn đầu với kim ngạch xuất khẩu đạt 288 triệu đô la Mỹ, tăng 125% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu nhập khẩu thủy sản, đặc biệt là tôm hùm, tăng mạnh. Giá tôm sú xuất khẩu sang Trung Quốc duy trì ở mức 9,6 đô la/kg, tăng nhẹ so với đầu năm nhưng giá tôm chân trắng vẫn chịu áp lực cạnh tranh, chỉ đạt 6,6 đô la/kg.

Mỹ là thị trường lớn thứ hai với kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 134 triệu đô la, tăng 11%. Giá xuất khẩu tại Mỹ cũng ở mức cao với tôm chân trắng đạt 10,9 đô la/kg và tôm sú 17,7 đô la/kg, ổn định hơn so với các thị trường khác.

Trong quí 1-2025, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 939 triệu đô la Mỹ. Ảnh: Trung Chánh

Trong quí 1-2025, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 939 triệu đô la Mỹ. Ảnh: Trung Chánh

Thị trường EU (Liên minh châu Âu) cũng ghi nhận tăng trưởng khả quan với kim ngạch 107 triệu đô la Mỹ, tăng 33%. Giá tôm chân trắng đi ngang ở mức 7,6 đô la/kg, trong khi tôm sú tăng nhẹ lên 10,9 đô la/kg trong tháng 3.

Nhật Bản và Hàn Quốc là hai thị trường cho thấy sự phục hồi tích cực, với kim ngạch lần lượt đạt 124 triệu đô la (tăng 20%) và 77 triệu đô la (tăng 16%). Nhật Bản đặc biệt ưa chuộng tôm chế biến và đông lạnh tiện lợi nhưng giá xuất khẩu đang giảm. Cụ thể, giá tôm chân trắng từ 9,5 xuống 8,4 đô la/kg, tôm sú từ 14,7 xuống 13,6 đô la/kg. Hàn Quốc cũng có biến động giá tương tự.

Thị trường khối CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) cũng đạt kim ngạch 269 triệu đô la, tăng 40% so với cùng kỳ nhưng vẫn phụ thuộc lớn vào Nhật Bản và Canada. Tuy nhiên, các thị trường nhỏ khác ngoài top 5 lại giảm do chi phí logistics cao và rào cản kỹ thuật.

Tuy nhiên, việc xuất khẩu tôm cũng đang gặp những thách thức từ chính sách thuế quan mới. Cụ thể, từ ngày 2-4-2025, Tổng thống Mỹ áp thuế đối ứng với nhiều đối tác thương mại. Trong đó, mức thuế áp dụng cho hàng hóa Việt Nam là 46%. Dù được tạm hoãn 90 ngày nhưng cũng tạo ra áp lực lớn cho doanh nghiệp tôm.

Trong khi đó, Mỹ là thị trường quan trọng, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam với giá trị từ 800 triệu đến 1 tỉ đô la mỗi năm. Nếu thuế được áp dụng chính thức từ tháng 7-2025, giá tôm Việt Nam tại Mỹ có thể tăng đáng kể, làm giảm khả năng cạnh tranh so với các đối thủ như Ecuador (thuế 10%), Ấn Độ (26%) hay Thái Lan (36%).

Ngoài thuế đối ứng, doanh nghiệp tôm Việt Nam còn đối mặt với hai vụ kiện chống bán phá giá (AD) và chống trợ cấp (CVD) tại Mỹ. Ngành tôm Việt Nam cũng đang đối mặt với làn sóng cạnh tranh mới từ các thị trường khác như Ecuador, Ấn Độ và Indonesia.

Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường lớn như Trung Quốc và EU đang chậm lại. Nhà nhập khẩu thận trọng trong việc đặt hàng số lượng lớn. Tồn kho giá rẻ tại Mỹ cũng khiến khách hàng do dự mua tôm với giá cao, làm gia tăng rủi ro cho doanh nghiệp Việt Nam trong quí 2-2025.

Cũng theo bản tin trên, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, để đạt mục tiêu 4 tỉ đô la trong năm 2025, ngành tôm Việt Nam cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết, doanh nghiệp cần tận dụng các triển lãm quốc tế để quảng bá thương hiệu, tiếp cận khách hàng mới và cập nhật xu hướng tiêu dùng.

Việc đầu tư vào công nghệ chế biến, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và xây dựng thương hiệu "Thủy sản Việt Nam" gắn với giá trị bền vững sẽ giúp tạo lợi thế cạnh tranh. Về chính sách, Việt Nam thúc đẩy đàm phán với Mỹ để giảm mức thuế đối ứng đồng thời tận dụng các hiệp định thương mại tự do như CPTPP và EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU) để mở rộng thị trường.

Trúc Đào

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/xuat-khau-tom-tiep-tuc-tang-cao/
Zalo