CEO Ngân hàng MB nói gì về các món nợ của Novaland, Trung Nam?

CEO MB Phạm Như Ánh và các thành viên Ban điều hành đã có những chia sẻ với các nhà đầu tư về kết quả kinh doanh năm 2024 của doanh nghiệp trong đó có tình hình các khoản nợ của Novaland và Trung Nam.

Chia sẻ tại hội nghị trực tuyến với các nhà đầu tư chiều 10/1, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) Phạm Như Ánh cho biết, các khoản nợ của hai khách hàng lớn là Novaland và Trung Nam Group tại nhà băng hiện đều thuộc nợ nhóm 1, tức nợ đủ tiêu chuẩn.

“Đến cuối năm 2024, các khoản nợ của Novaland và Trung Nam đang là nợ nhóm 1. Khả năng 6 tháng đầu năm 2025 các vướng mắc pháp lý tại hai dự án Novaland Phan Thiết, Aqua City Đồng Nai sẽ được tháo gỡ”, ông Ánh nói.

Trong khi đó, những vướng mắc của các khách hàng Trung Nam Group tại các dự án năng lượng dự kiến sẽ được giải quyết trong quý I/2025 khi chính quyền đang tập trung tháo gỡ.

Bà Phạm Thị Trung Hà, Phó Tổng giám đốc MB cho biết thêm, trong quý III và quý IV/2024, ngân hàng đã giải quyết triệt để các khoản nợ xấu.

Liên quan dư nợ của Novaland và Trung Nam, bà Hà cho hay tài sản đảm bảo của hai khách hàng này luôn gấp 1,5-2 lần so với dư nợ. Hiện cả hai khách hàng này vẫn trả nợ bình thường.

Ông Phạm Như Ánh cũng đã hé lộ một số thông tin sơ bộ về kết quả kinh doanh năm 2024, với các chỉ số vượt kế hoạch do ĐHĐCĐ đề ra. Cụ thể, lợi nhuận ngân hàng mẹ tăng 12%, đạt 27.600 tỷ đồng; doanh thu tăng 21%.

Nợ xấu của ngân hàng mẹ đến 31/12/2024 là 1,2%, tỷ lệ trích lập dự phòng bao phủ nợ xấu lên đến 112%. Trong khi đó, huy động vốn tăng 19% (tương đương 800.000 tỷ đồng).

Tổng giám đốc Ngân hàng MB Phạm Như Ánh. Ảnh: MB

Tổng giám đốc Ngân hàng MB Phạm Như Ánh. Ảnh: MB

Các công ty thành viên thuộc hệ sinh thái MB Group đều đạt kết quả kinh doanh theo kế hoạch, trong đó Chứng khoán MBS đạt 930 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 30% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, đóng góp của các công ty thành viên chỉ mới đạt 5% trong tổng cơ cấu doanh thu. Mục tiêu của MB là con số này phải từ 20-25%.

MB xây dựng kế hoạch thận trọng trong năm 2025 do tình hình thế giới còn nhiều biến động, lãi suất đồng USD giảm chậm hơn dự kiến. Theo đó, nhà băng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 10% cho năm 2025, tương đương 32.000 tỷ đồng, và sẽ tăng tốc nếu điều kiện cho phép.

Ngân hàng tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 2025 lên đến 25%, tương đương mức tăng khoảng 200.000 tỷ đồng, trong đó ưu tiên 50% room tín dụng cho mảng bán lẻ.

Sở dĩ việc MB có thể đạt tăng trưởng tín dụng toàn tập đoàn lớn như vậy là nhờ việc nhận chuyển giao bắt buộc Ngân hàng OceanBank (vừa được đổi tên thành MBV).

Theo chia sẻ của ông Ánh, MB sẽ bán nợ cho MBV và phần bán nợ sẽ được tính ngoài kế hoạch tăng trưởng theo hướng ngân hàng được bù đắp lại phần bán đi.

“Con số cụ thể thì tôi không thể tiết lộ, nhưng có thể lấy ví dụ nếu bán 10% thì ngân hàng sẽ được tăng trưởng bù 10%. MB chỉ bán dư nợ để MBV sinh lời, không ảnh hưởng đến khả năng sinh lời/tổng tài sản của MB”, ông Phạm Như Ánh nói.

Theo ông Đàm Nhân Đức – Kinh tế trưởng Ngân hàng MB, tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) tăng trở lại trong quý IV/2024, hiện đạt 281.000 tỷ đồng. Trong đó CASA từ khách hàng cá nhân chiếm đến 60%. Tỷ lệ này trước khi MB thực hiện chuyển đổi số chỉ là 25%.

Tuân Nguyễn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ceo-ngan-hang-mb-noi-gi-ve-khoan-no-cua-novaland-va-trung-nam-2362138.html
Zalo