Đồng euro số - lời đáp trả của ECB với chiến lược tiền kỹ thuật số của Mỹ
Ông Trump trước đó đã tuyên bố sẽ 'thúc đẩy sự phát triển và tăng trưởng của các stablecoin hợp pháp và được hỗ trợ bởi đồng USD trên toàn thế giới.'
Ông Piero Cipollone, thành viên hội đồng quản trị Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), mới đây cho rằng các ngân hàng ở Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) cần một đồng euro kỹ thuật số để đối phó với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc đẩy stablecoin, một loại tiền kỹ thuật số thường được neo giá với đồng USD.
Ông Trump trước đó đã tuyên bố sẽ "thúc đẩy sự phát triển và tăng trưởng của các stablecoin hợp pháp và được hỗ trợ bởi đồng USD trên toàn thế giới."
Đây là một phần trong chiến lược tiền kỹ thuật số rộng lớn hơn mà ông nêu ra trong sắc lệnh hành pháp được ban hành trong tuần này.
Sắc lệnh hành pháp của ông Trump cũng cấm Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phát hành tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC).
Ông Cipollone cho rằng việc Mỹ thúc đẩy stablecoin sẽ thu hút thêm khách hàng rời bỏ các ngân hàng truyền thống và điều này càng củng cố thêm lý do để ECB phát hành đồng euro kỹ thuật số của riêng mình như một giải pháp đối phó.
Phát biểu tại một hội nghị ở Frankfurt, ông Cipollone giải thích rằng việc Mỹ thúc đẩy stablecoin trên phạm vi toàn thế giới sẽ càng làm suy yếu vai trò trung gian của các ngân hàng, khiến họ mất phí giao dịch và mất khách hàng.
Chính vì vậy, theo ông Cipollone, ECB cần phải có một đồng euro kỹ thuật số để đối phó với tình hình này.
Stablecoin hoạt động tương tự như các quỹ thị trường tiền tệ ở điểm chúng đều cho phép người dùng tiếp cận với lãi suất ngắn hạn của một loại tiền tệ chính thức, mà hầu hết là đồng USD.
Tương tự như việc gửi tiền vào quỹ thị trường tiền tệ để hưởng lãi, nắm giữ stablecoin cũng có thể mang lại lợi nhuận dựa trên lãi suất của đồng tiền mà nó được neo giá vào, thường là đồng USD.
Ngược lại, đồng euro kỹ thuật số về cơ bản sẽ là một ví điện tử trực tuyến được ECB bảo đảm, nhưng do các công ty như ngân hàng vận hành. Công cụ này sẽ cho phép mọi người, kể cả những người không có tài khoản ngân hàng, thực hiện thanh toán.
Lượng euro kỹ thuật số nắm giữ có thể sẽ được giới hạn ở mức vài nghìn euro và không được hưởng lãi. Các ngân hàng đã bày tỏ lo ngại rằng đồng euro kỹ thuật số sẽ làm cạn kiệt nguồn tiền của họ, khi khách hàng chuyển một phần tiền mặt sang ví điện tử được ECB bảo đảm.
ECB hiện đang thử nghiệm cách thức hoạt động của đồng euro kỹ thuật số trong thực tế. Tuy nhiên, ECB sẽ chỉ đưa ra quyết định cuối cùng về việc có phát hành đồng tiền này hay không sau khi các nhà lập pháp châu Âu thông qua luật liên quan.
Theo tổ chức Atlantic Council, Nigeria, Jamaica và Bahamas đã phát hành tiền kỹ thuật số, và 44 quốc gia khác, trong đó có Nga, Trung Quốc, Australia và Brazil đang tiến hành các chương trình thử nghiệm./.