Cầu, cúng phải đúng nơi, đúng chỗ

Tầm 9 giờ sáng, một nhóm du khách quốc tế sau khi đi thuyền rồng nghe ca Huế trên sông Hương đã đáp bến Tòa Khâm (49 Lê Lợi, quận Thuận Hóa) để trở về nơi lưu trú. Sau khi lên bờ, họ tản bộ ra khỏi khu vực bãi đỗ xe bến Tòa Khâm.

 Một cây xanh trên đường Nguyễn Biểu, phường Đông Ba, quận Phú Xuân bị ai đó treo “bàn thờ”

Một cây xanh trên đường Nguyễn Biểu, phường Đông Ba, quận Phú Xuân bị ai đó treo “bàn thờ”

Vừa đi họ vừa ngắm cảnh, nói chuyện. Nhưng ra tới đường Lê Lợi, rẽ phải lên hướng cầu Trường Tiền thì một nữ du khách giật mình khi ở sát chân mình có một “bàn thờ” đầy khói hương. “Bàn thờ” là một tấm đá vuông vắn, đặt ngay dưới gốc cây, hướng ra đường Lê Lợi; bên trên có 4 lư hương, hai bình hoa, một đèn sáp loại cốc đã dùng hết. Trên “bàn thờ” hoa đã héo rũ, gốc hương cắm chi chít... Cảnh nhếch nhác khiến những vị khách Tây tỏ ra khó chịu. Nhiều người nói rằng, có lẽ “bàn thờ” này do một ai đó dựng lên để thờ cúng, cầu may mắn trong cuộc sống mưu sinh?

Không những ở cửa ra vào bến Tòa Khâm, dạo trên các đường phố ở quận Thuận Hóa, Phú Xuân, rất dễ bắt gặp ở nhiều điểm công cộng, người ta đặt lư hương, “bàn thờ” thắp hương khấn vái. Những cây xanh đô thị vốn dĩ chỉ có sứ mệnh mang lại cho con người một môi trường trong lành nhưng nay phải có nhiệm vụ “cõng” thêm cái “bàn thờ” do ai đó dùng dây, dùng đinh cố định vào.

Tuyến đường Bạch Đặng nằm sát sông Đông Ba, phường Gia Hội, quận Phú Xuân khá đẹp. Ở bên trái cổng chào kiệt 322 đường Bạch Đằng, có một tấm bia bên trên ghi chữ Hán còn rõ nét. Theo các nhà nghiên cứu, tấm bia này hình chữ nhật, cao 56cm, rộng 39cm và dày 11cm, được cắm bằng mộng trên một đế bia trang trí kiểu sập gụ trổ chân quỳ. Dù mộng cắm đã gãy nhưng tấm bia và đế bia vẫn còn khá tốt.

Giữa bia khắc 3 chữ đại tự “Thế Lại kiều”, bên trái có một lạc khoản “Minh mạng thập bát niên lục nguyệt cát nhật tạo”, nghĩa là bia được tạo vào một ngày tốt tháng 6 năm Minh Mạng thứ 18, tức tháng 7/1837.

Đây là tấm bia nói về cầu Thế Lại bắc qua sông Đông Ba thời Minh Mạng. Nay không còn cầu nhưng còn tấm bia với chữ Hán. Có lẽ người nào đó nghĩ rằng đây là tấm bia của một vị thần nào đó nên đã đặt lư hương, chén nước lên đế bia để thờ cúng. Nhiều tấm bia chữ Hán thể hiện địa giới hành chính làng xã thời triều Nguyễn nay còn sót lại cũng được người ta đặt lư hương thờ cúng.

Ngày 26/3 vừa qua, cầu Nguyễn Hoàng bắc qua sông Hương nối phường Kim Long (quận Phú Xuân) với phường Phường Đúc (quận Thuận Hóa) thu hút nhiều người dân, du khách check-in. Địa điểm bến nước sát sông Hương đoạn công viên Kim Long, cách cầu Nguyễn Hoàng tầm 100m luôn đông người. Ở đây mọi người có thể tản bộ, tận hưởng không khí trong lành của dòng Hương giang, thỏa sức ngắm vẻ đẹp cây cầu vì view đẹp. Thế nhưng, cũng tại nơi này có khá nhiều người sau khi mua cá của những người bán dạo đã mang xuống sông thả phóng sinh. Đáng nói là họ thắp hương và cắm đầy ở mép bến sông, khiến cho khung cảnh không còn được trong lành, du khách bị làm phiền bởi mùi khói hương.

Trong nhiều năm qua, trên toàn địa bàn thành phố, chính quyền các cấp, các ngành, người dân đều đang nỗ lực xây dựng nếp sống văn minh đô thị; ra quân Ngày Chủ nhật xanh… để làm đẹp phố phường. Ngày 26/6/2023, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là TP. Huế) đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-UBND về việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị và nông thôn trên địa bàn đến năm 2030.

Huế được mệnh danh là thành phố du lịch, thân thiện môi trường, hiện đang đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2025. Thờ, cúng, khấn vái đó là quyền tín ngưỡng của mọi người. Tuy nhiên, người dân không nên mê tín dị đoan, biến những chỗ công cộng để lập “bàn thờ”, thắp hương nghi ngút để cầu khấn, sẽ tạo ra cảnh u ám, nhếch nhác, ảnh hưởng đến môi trường du lịch, cuộc sống người dân...

Bài, ảnh: Quang Tám

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/ban-doc/ban-doc-viet/cau-cung-phai-dung-noi-dung-cho-153288.html
Zalo