Câu chuyện về phát triển năng lượng hạt nhân tại Philippines

Theo trang mạng Fulcrum, Philippines đang ngày càng quan tâm đến việc phát triển năng lượng hạt nhân.

Nhà máy điện hạt nhân Phúc Thanh, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Nhà máy điện hạt nhân Phúc Thanh, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Nhưng để đạt thành công, trước tiên, Philippines cần giải quyết các vấn đề còn tồn tại như niềm tin của công chúng, sự an toàn và quản lý chất thải.

Gần nửa thế kỷ sau khi phát động xây dựng nhà máy điện hạt nhân (hiện bị bỏ hoang) ở Bataan, miền Bắc đất nước, Philippines một lần nữa theo đuổi các bước đi cụ thể để đưa năng lượng hạt nhân vào cơ cấu năng lượng quốc gia. Khi chi phí năng lượng tăng và các vấn đề về khí hậu ngày càng trầm trọng, năng lượng hạt nhân đã quay trở lại trong các cuộc thảo luận về chính sách. Nhưng những trăn trở, như sự an toàn và niềm tin của công chúng, cần được giải quyết.Kế hoạch phát triển Philippines giai đoạn 2023-2028 phác thảo các kế hoạch chung để khai thác năng lượng hạt nhân. Bộ Năng lượng Philippines đặt mục tiêu cụ thể là tạo ra công suất điện hạt nhân ban đầu là 1.200 megawatt (MW) vào năm 2032 và công suất gia tăng là 1.200 MW vào năm 2035 và 2.400 MW vào năm 2050. Nếu mọi việc diễn ra tốt đẹp, tổng công suất điện hạt nhân sẽ là 4.800 MW vào năm 2050, chiếm 3,1% tổng công suất phát điện dự kiến theo kịch bản năng lượng sạch của Philippines.

Tuy nhiên, sự ngờ vực vẫn hiện hữu. Một tài liệu nghiên cứu đã truy lại lịch sử phức tạp của nhà máy điện hạt nhân Bataan (BNPP), một nhà máy có công suất 620 MW được hoàn thành vào năm 1986 nhưng chưa bao giờ đi vào hoạt động. Chính quyền Tổng thống Marcos Sr. đã xây dựng BNPP với chi phí 2,3 tỷ USD, nhưng những lo ngại về an toàn, đặc biệt là sau thảm họa Chernobyl năm 1986, đã khiến chính quyền Tổng thống Corazon Aquino (giai đoạn năm 1986-1992) gác lại dự án này.

Các chính quyền kế tiếp (dưới sự lãnh đạo của các Tổng thống Ramos, Estrada, Arroyo, Aquino II và Duterte) đã từng cân nhắc đến ý tưởng khôi phục BNPP, thành lập các ủy ban đánh giá và ủy quyền các nghiên cứu khả thi, nhưng không có nỗ lực thực sự nào nhằm phục hồi nhà máy. Các kế hoạch của chính quyền hiện tại không đề cập rõ ràng đến việc đưa BNPP vào cơ cấu năng lượng tương lai của đất nước. Tuy nhiên, Bộ Năng lượng Philippines đang xem xét khả năng này. Bộ này đã thuê một công ty Hàn Quốc để cập nhật nghiên cứu khả thi của BNPP.

Hiện nay, khi chính quyền Tổng thống Marcos Jr. đang đổi mới các nỗ lực trước đây và tuyên bố các mục tiêu năng lực hạt nhân rõ ràng, họ phải giải quyết các vấn đề chính sách quan trọng và xử lý các lỗ hổng pháp lý và thể chế. Theo lập luận của một tài liệu nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Phát triển Philippines (PIDS) công bố, ba vấn đề chính sách quan trọng - an toàn, quản lý chất thải và niềm tin của công chúng - cần được tính đến.

Về an toàn, quy định là rất quan trọng. Philippines cần thiết kế lại Viện Nghiên cứu Hạt nhân Philippines (PNRI) thành một ủy ban quản lý hạt nhân được trao quyền đầy đủ theo các tiêu chuẩn của IAEA. Cấu trúc quản lý mới cũng sẽ cần có luật quy định.Về quản lý chất thải, Philippines có Kế hoạch Năng lượng Philippines giai đoạn 2023-2050 bao gồm các chiến lược chung để quản lý chất thải phóng xạ: phát triển cơ chế tài trợ, lựa chọn công nghệ xử lý và lưu trữ, thiết lập tiêu chí lựa chọn địa điểm và lựa chọn nhà cung cấp nước ngoài đáng tin cậy. Các chiến lược này cũng sẽ yêu cầu có luật quy định.Vấn đề thứ ba - niềm tin của công chúng - là vấn đề quan trọng nhất. Do đó, chính phủ phải liên tục sử dụng các chiến lược truyền thông mạnh mẽ và minh bạch để thu hút công chúng vào cuộc tranh luận về năng lượng hạt nhân.Các dự án nhà máy điện hạt nhân đòi hỏi nguồn tài chính dài hạn ổn định (đặc biệt vì chi phí tuân thủ vòng đời của nhà máy cao) và các hợp đồng cung cấp điện được đảm bảo. Vì các nguồn lực tài chính và các thỏa thuận mua bán theo hợp đồng của chính phủ không thể thực hiện được điều này do quy định của EPIRA (Đạo luật cải cách ngành điện năm 2001), nên chính phủ cần khuyến khích khu vực tư nhân quản lý rủi ro tài chính và trong mua bán. Do đó, các ưu đãi cho khu vực tư nhân tham gia sản xuất điện hạt nhân phải được đưa vào luật năng lượng hạt nhân toàn diện.Tin tốt là một số bên trong khu vực kinh doanh của Philippines đang thảo luận về triển vọng phát triển năng lượng hạt nhân, trong khi chính phủ đang thúc đẩy giai đoạn đầu tiên của các mốc quan trọng mà IAEA yêu cầu. Thay vì tập trung vào BNPP, Manila Electric Company, một trong những công ty điện lớn nhất của Philippines, đang tìm hiểu khả năng xây dựng một nhà máy điện lớn mới hoặc thử nghiệm thí điểm và cuối cùng là đầu tư vào các lò phản ứng mô-đun nhỏ. Các lựa chọn này có thể mở rộng quy mô và phù hợp với địa lý quần đảo của Philippines.Gần đây, các nước láng giềng của Philippines ở khu vực Đông Nam Á cũng đã bày tỏ sự nhiệt tình trong việc phát triển năng lượng hạt nhân. Indonesia đã thể hiện ý định xây dựng các nhà máy điện hạt nhân. Giống như Philippines, Singapore cũng đã ký một thỏa thuận sơ bộ với Mỹ về xuất khẩu công nghệ hạt nhân. Việt Nam đã đưa năng lượng hạt nhân vào kế hoạch phát triển năng lượng quốc gia. Các quốc gia này sẽ được hưởng lợi từ việc đúc kết các bài học từ kinh nghiệm của Philippines, đặc biệt là trong việc giải quyết tình trạng thiếu lòng tin của công chúng và cam kết thực hiện các điều kiện tiên quyết của chương trình phát triển năng lượng hạt nhân.

Đỗ Vân (P/v TTXVN tại Singapore)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cau-chuyen-ve-phat-trien-nang-luong-hat-nhan-tai-philippines/373810.html
Zalo