Vietnam Airlines lại đề xuất bỏ trần giá vé máy bay
Vietnam Airlines đề xuất sửa Luật Hàng không dân dụng Việt Nam theo hướng được ưu ái slot và bỏ trần giá vé máy bay.
Trong văn bản góp ý dự thảo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam mới đây, lãnh đạo Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) tiếp tục đề xuất xem xét bỏ quy định về mức giá tối đa vận chuyển hàng không, nhằm tăng tính chủ động cho doanh nghiệp.
Trần giá vé máy bay đã được quy định ở Luật Giá
Thực tế, đây không phải lần đầu hãng hàng không quốc gia đề xuất vấn đề trên. Trong vòng 2-3 năm trở lại đây, đặc biệt là thời điểm sau dịch COVID-19, Vietnam Airlines nhiều lần đề cập đến vấn đề bỏ trần giá vé máy bay.
Gần đây nhất, hãng này đề xuất trước lúc chờ sửa luật cơ quan chức năng phải tăng mức trần giá vé máy bay. Bởi lẽ, hãng xem tăng trần là cơ hội để các hãng tiếp tục điều chỉnh dải giá trên hệ thống mạng đường bay nội địa.
Liên quan đến đề xuất sửa luật theo hướng bỏ trần giá vé máy bay, đại diện Bộ Xây dựng cho rằng dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa là một trong những dịch vụ thiết yếu, đáp ứng tiêu chí hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 21 Luật Giá. Song song đó, giá vé máy bay cũng thuộc danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá tối đa.
Trong vòng 2-3 năm trở lại đây, đặc biệt là thời điểm sau dịch COVID-19, Vietnam Airlines nhiều lần đề cập đến vấn đề bỏ trần giá vé máy bay.
Lý giải rõ hơn, Bộ Xây dựng cho biết hiện trong nước có sáu hãng hàng không tham gia khai thác vận chuyển hành khách hàng không nội địa, trong đó thị phần chủ yếu thuộc về hai hãng là Vietnam Airlines và Vietjet Air nên Nhà nước phải quy định khung giá (giá trần và giá sàn).
“Vì vậy, việc thay đổi cơ chế quản lý giá nếu có sẽ được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, tổng kết, đánh giá trên cơ sở các quy định của Luật Giá về nguyên tắc quản lý, điều tiết giá của Nhà nước trong từng thời kỳ…”- Bộ Xây dựng cho hay.

Hiện Nhà nước đang quy định trần giá vé máy bay. Ảnh: V.LONG
Theo PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế - tài chính, doanh nghiệp bán hàng hóa, dịch vụ giữ vị trí thống lĩnh thị trường, nhà nước quy định giá trần (giá tối đa). Đối với những doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ giữ vị trí thống lĩnh thị trường thì Nhà nước quy định giá sàn (giá tối thiểu).
Quy định như trên để các doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh thị trường không lợi dụng vị thế của mình để bán giá cao hơn giá trần, hoặc mua với giá thấp hơn giá sàn do Nhà nước quy định, hoặc gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
“Hiện nay thị trường hàng không nội địa có sáu hãng nhưng Vietnam Airlines và VietJet Air chiếm phần lớn thị phần, nghĩa là thị trường có doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh, do vậy Nhà nước quy định khung giá (giá trần và giá sàn) là phù hợp với quy định pháp luật”- ông Long nói.
Ưu ái slot cho "hãng hàng không quốc gia"
Cũng trong góp ý về dự thảo Luật Hàng không, Vietnam Airlines muốn để xuất một chính sách ưu đãi cho riêng hãng. Cụ thể là “ưu tiên slot (giờ cất và hạ cánh) với hãng hàng không quốc gia”.
Với đề xuất trên, đại diện Bộ Xây dựng cho biết sẽ nghiên cứu, xem xét trong quá trình soạn thảo dự án Luật trên nguyên tắc phù hợp với thực tiễn và kinh nghiệm quản lý của các quốc gia trên thế giới.
Hiện nay, thuật ngữ “hãng hàng không quốc gia” thường được hiểu là một sự công nhận chính trị và chiến lược. Các tiêu chí đánh giá, khái niệm hãng hàng không quốc gia cũng thay đổi theo sự phát triển của vận tải hàng không thế giới, sự phát triển của kinh tế-xã hội của từng quốc gia.

Vietnam Airlines muốn được ưu ái trong việc cấp slot bay cho hãng hàng không quốc gia. Ảnh: V.LONG
Cạnh đó, đề xuất “chính sách về ưu tiên slot với hãng hàng không quốc gia” của hãng sẽ được xem xét ở góc độ văn bản hướng dẫn chi tiết Luật Hàng không dân dụng (thay thế).
“Ngoài ra, với sự mở rộng và phát triển của các cảng hàng không, sân bay Việt Nam trong giai đoạn tới, quy định về slot sẽ được nghiên cứu để không gây lãng phí, sử dụng hiệu quả năng lực của các cảng hàng không, sân bay…”- Bộ Xây dựng cho hay.
Theo một chuyên gia trong ngành hàng không, slot bay rất quan trọng đối với các hãng hàng không, nó quyết định sự thành bại của một doanh nghiệp. Bởi lẽ, hãng được bay khung giờ đẹp sẽ có nhiều khách và ngược lại. Chính vì điều đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính từng yêu cầu Bộ GTVT (nay là Bộ Xây dựng) phải công bằng trong cấp slot bay và hạn chế tiêu cực.
"Tại sao có anh tập trung vào giờ tốt, tại sao có anh không được, tại sao chỉ ưu tiên một số hãng, có hãng không được ưu tiên? Chỗ này phải làm sao cho bình đẳng, tránh tiêu cực, mất sĩ diện” - Thủ tướng từng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân cho thấy vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong thời gian tới rất quan trọng. Vì vậy, việc ưu ái cho doanh nghiệp Nhà nước khiến doanh nghiệp tư nhân chịu thế khó là đi ngược chủ trương của Đảng, Nhà nước.
“Điều quan trọng để kinh tế tư nhân phát triển không phải là ưu đãi mà chỉ cần một môi trường tự do, bình đẳng. Đây mới là bản chất của kinh tế thị trường. Do đó, việc ưu ái cho doanh nghiệp nào cũng là cản trở sự phát triển bình đẳng, công bằng mà chúng ta đang hướng tới”- vị chuyên gia này nói thêm.
Vì sao phải sửa Luật Hàng không?
Bộ Xây dựng cho biết sau 19 năm thực hiện, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam đã đảm bảo năng lực giám sát an toàn bay theo tiêu chuẩn quốc tế, tạo điều kiện cho các hãng hàng không Việt Nam tiếp cận tới các thị trường khó tính như Bắc Mỹ, châu Âu. Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia đứng đầu khu vực về năng lực giám sát, quản lý an toàn hàng không…
Tuy nhiên, luật chưa có quy định về người đứng đầu và trách nhiệm của người đứng đầu nhà chức trách hàng không; chưa tách biệt chức năng điều tra sự cố, tai nạn máy bay ra khỏi trách nhiệm của Nhà chức trách hàng không; chưa quy định đầy đủ các chức năng nhiệm vụ và quyền hạn của người thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát an toàn hàng không... nên cần sửa đổi.