Tư tưởng Hồ Chí Minh soi sáng đạo đức người làm ngân hàng

Trong thư gửi Hội nghị cán bộ Ngân hàng tháng 1/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: 'Quản lý tiền bạc là một công tác rất quan trọng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cán bộ Ngân hàng là người có trách nhiệm giữ tiền cho Nhà nước và nhân dân, phải học tập cách quản lý tiền cho tốt, đừng để lãng phí, mất mát. Một đồng vốn bỏ ra phải bảo đảm tăng thêm của cải cho xã hội, phải luân chuyển nhanh, đừng để đọng. Phải tích cực huy động tiền nhàn rỗi để bỏ vào sản xuất'. 'Cán bộ Ngân hàng phải luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, thấu suốt hơn nữa đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, đi sâu học tập lý luận và nghiệp vụ, cải tiến lề lối làm việc, để phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân được nhiều và tốt hơn'. Hơn 60 năm đã trôi qua, tư tưởng, đạo đức và những lời Bác căn dặn riêng đối với ngành Ngân hàng luôn được các thế hệ cán bộ ngân hàng ghi nhớ và lấy làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động.

Về các xã Ea Yiêng; xã Ea Yông; xã Hòa An; xã Tân Tiến, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk, không chỉ lãnh đạo xã, các tổ chức hội và tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn mà nhiều người dân cũng biết mặt, nhớ tên Y Viên Niê - cán bộ tín dụng Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) huyện Krông Pắc. Cũng bởi 20 năm làm cán bộ tín dụng, đôi chân anh đã in dày khắp các nẻo đường mang đồng vốn hỗ trợ từng hộ nghèo, đối tượng chính sách phát triển kinh tế. Chỉ tính riêng giai đoạn 2020 - 2025, từ mốc dư nợ năm 2020 là 56,9 tỷ đồng, đến ngày 31/12/2024 dư nợ 4 xã do anh phụ trách đã gấp 2,5 lần đạt 142 tỷ đồng. Đặc biệt, số dư tiền gửi tiết kiệm của người nghèo đạt 7,5 tỷ đồng với hơn 3.322 khách hàng, chiếm tỷ lệ 99% thành viên vay vốn trên địa bàn là một bước đổi mới vượt bậc, làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số trong việc sử dụng đồng tiền.

 “Hằng ngày sau thời gian làm việc, tôi vẫn thường suy nghĩ lại ngày hôm nay mình đã làm được những việc gì tốt cho cơ quan, cho hộ nghèo, hộ chính sách? Ngày mai mình cần phải làm những việc gì để hỗ trợ nhân dân được nhiều và tốt hơn ?” Y Viên Niê chia sẻ.

“Hằng ngày sau thời gian làm việc, tôi vẫn thường suy nghĩ lại ngày hôm nay mình đã làm được những việc gì tốt cho cơ quan, cho hộ nghèo, hộ chính sách? Ngày mai mình cần phải làm những việc gì để hỗ trợ nhân dân được nhiều và tốt hơn ?” Y Viên Niê chia sẻ.

Thành quả này là kết tinh của những nỗ lực bản thân Y Viên Niê sau hơn 20 năm học tập và làm việc theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh.Thấm nhuần lời dạy của Bác “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, anh luôn gần gũi với bà con hộ nghèo, đến với bà con, cùng tham gia sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn. Đồng thời phát huy lợi thế nói 2 thứ tiếng Kinh và Ê Đê nói chuyện gần gũi bằng tiếng mẹ đẻ bà con dễ hiểu; Đem những kiến thức và kinh nghiệm của mình có được trong lĩnh vực sản xuất đến cho bà con, để góp phần giúp họ sử dụng vốn vay vào mục đích sản xuất kinh doanh sao cho đạt hiệu quả”.

Lại thêm thấu rõ tư tưởng “Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua” của Bác, và nhiệm vụ chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến với hộ nghèo để giúp họ thoát nghèo là một vinh dự lớn lao, anh luôn vượt qua khó khăn vất vả, không ngừng học hỏi, đem hết sức mình với tinh thần trách nhiệm cao trong phục vụ cho bà con nhân dân đặc biệt là hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. “Hằng ngày sau thời gian làm việc, tôi vẫn thường suy nghĩ lại ngày hôm nay mình đã làm được những việc gì tốt cho cơ quan, cho hộ nghèo, hộ chính sách? Ngày mai mình cần phải làm những việc gì để hỗ trợ nhân dân được nhiều và tốt hơn ?” anh chia sẻ.

Với Giám đốc phòng giao dịch NHCSXH huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, Trần Thị Hồng Oanh tư tưởng đạo đức của Bác luôn khắc sâu trong tim. Đặc biệt là tư tưởng “Nước lấy dân làm gốc; Gốc có vững, cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân” và lời Người căn dặn “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công". Là người đứng đầu đơn vị, bản thân chị luôn đi đầu gương mẫu trong mọi công việc, không giao động trước những khó khăn. Đồng thời định kỳ theo quy định đưa nội dung chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" cho cán bộ, đảng viên học tập làm theo, hun đúc tình thần đoàn kết vượt khó trong đơn vị. Bản thân chị luôn tích cực nghiên cứu, tham gia nghiên cứu 05 sáng kiến đã được công nhận và triển khai tại cơ sở, cụ thể: Sáng kiến “Nâng cao chất lượng trong công tác lưu trữ hồ sơ cho vay tại Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tư Nghĩa"; sáng kiến “Giải pháp ứng dụng PowerCHM trong công tác quản lý, tra cứu văn bản đang hiệu lực tại tổ Kế toán – Ngân quỹ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tư Nghĩa"; Đồng sáng kiến “Giải pháp quản lý chữ ký của hồ sơ mở tài khoản của Tổ chức trên hệ thống tại Tổ Kế toán – Ngân quỹ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tư Nghĩa"; Đồng sáng kiến “Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giao dịch xã tại Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tư Nghĩa”.

Kết quả của chị cùng sự đồng lòng phấn đấu của tập thể Phòng giao dịch đã đưa tổng dư nợ của Phòng giao dịch tính đến cuối tháng 4/2025, đạt hơn 546 tỷ đồng tăng 228,5 đồng so với năm 2020, tỷ lệ tăng trưởng bình quân dư nợ đạt trên 9,5%, đạt 99,8% kế hoạch giao hàng năm, với hơn 10 nghìn hộ còn dư nợ, bình quân mỗi hộ vay hơn 54 triệu đồng, tỷ lệ nợ quá hạn còn 0,001%, góp phần giúp cho hơn 17.434 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận với vốn vay, góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỷ lệ từ 1,83% năm 2020, xuống còn 1,18% đến năm 2024, bình quân mỗi năm giảm 0,13%.

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan Ngân hàng Trung ương lần thứ 16 (mở rộng), nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đánh giá sơ kết 03 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan Ngân hàng Trung ương lần thứ 16 (mở rộng), nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đánh giá sơ kết 03 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Những câu chuyện cán bộ có đủ đức, đủ tài, vừa “Hồng” vừa “Chuyên” như anh Y Viên Niê, chị Trần Thị Hồng Oanh hết lòng vì nhân dân không chỉ có riêng ở NHCSXH mà trải rộng và dày thêm theo năm tháng trên toàn Ngành Ngân hàng. Đặc biệt từ khi triển khai Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (Chỉ thị 05), các Đảng bộ từ NHNN đến các TCTD đã tổ chức Hội nghị quán triệt mục đích, yêu cầu, nội dung Chỉ thị số 05. Đồng thời chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc và các tổ chức đoàn thể tổ chức quán triệt đến từng đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, đơn vị.

Các cấp ủy kịp thời các văn bản hướng dẫn để cụ thể hóa các nội dung sinh hoạt theo Chỉ thị số 05-CT/TW theo các chuyên đề hàng năm; gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đồng thời đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Đặc biệt Công đoàn Ngân hàng Việt Nam và các cấp công đoàn trực thuộc tích cực triển khai cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh, lấy tư tưởng của Bác làm nền tảng, là cốt lõi để giáo dục văn hóa, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, đoàn viên, người lao động. Bám sát các tiêu chuẩn đạo đức mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt ra đối với cán bộ ngân hàng để tuyên truyền, động viên cán bộ, đoàn viên, người lao động gắn với chức trách, nhiệm vụ của từng cán bộ, từng vị trí công tác. 100% CĐCS đã triển khai cho đoàn viên đăng ký học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Hồ Chủ tịch.

Thấm nhuần lời Bác dặn “Cán bộ Ngân hàng phải luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, thấu suốt hơn nữa đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, đi sâu học tập lý luận và nghiệp vụ, cải tiến lề lối làm việc, để phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân được nhiều và tốt hơn”, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam đã xây dựng riêng một Nghị quyết 4C/NQ-BCH ngày 30/9/2019 về xây dựng và nâng cao văn hóa đạo đức nghề nghiệp trong đoàn viên người lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành Ngân hàng trong giai đoạn mới. Đồng thời phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng xây dựng Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng làm cơ sở triển khai trong toàn ngành. Bộ chuẩn mực đưa ra những quy định khái quát về thái độ, phong cách giao tiếp với khách hàng và đối tác, thể hiện tính lịch sự và chuyên nghiệp của người cán bộ ngân hàng, từ đó tạo ra không khí làm việc nghiêm túc, môi trường lành mạnh, giúp cho bộ máy ngân hàng từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài vận hành trôi chảy, thúc đẩy ngân hàng phát triển, đáp ứng kỳ vọng của nhân viên, của khách hàng và xã hội. Đồng thời các cấp công đoàn cùng chuyên môn triển khai các phong trào thi đua của Chính phủ, của Ngành ngân hàng như “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”, “Cán bộ ngân hàng rèn đức luyện nghề, sáng tạo”, “Cán bộ ngân hàng thi đua thực hiện văn hóa công sở giai đoạn 2019-2025”.

Thông qua việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động ở các cơ quan, đơn vị trong Ngành ngân hàng đã ý thức được việc “học tập và làm theo” gắn với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của mình, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, cụ thể trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Đồng thời, là động lực để đổi mới tác phong lề lối làm việc; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt văn hóa công sở, nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng cường hiệu lực quản lý của cơ quan nhà nước; thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Những nỗ lực học tập tư tưởng và làm việc theo tấm gương Hồ Chủ tịch nói chung và những lời người căn dặn với Ngành nói riêng của từng cán bộ, nhân viên ngân hàng đã hội tụ nên sức mạnh giúp Ngành ngân hàng đã lập nhiều chiến công, kỳ tích tuy thầm lặng nhưng vô cùng quan trọng cùng toàn Đảng, toàn dân đổi mới, hội nhập, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng ngày càng vững mạnh, hiệu quả. Trong đó, lạm phát được kiểm soát; kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định; hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam phát triển mạnh mẽ về quy mô và hiệu quả hoạt động, đáp ứng ngày càng hiệu quả hơn nhu cầu vốn tín dụng và sản phẩm dịch vụ ngân hàng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ngày càng mạnh mẽ, hiệu quả; hội nhập quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng ngày càng mở rộng hiệu quả, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế…

Bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, đất nước ta cần nỗ lực không ngừng để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức nhằm đạt mục tiêu trở thành một quốc gia công nghiệp phát triển vào năm 2045 mà Đảng, Nhà nước ta đã đặt ra. Để cùng với cả hệ thống chính trị đạt được mục tiêu này, Ngành ngân hàng đang đứng trước những yêu cầu mới về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ vừa "Hồng", vừa "Chuyên”. Do vậy, việc tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay là việc làm tất yếu và cần thiết đối với mỗi tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, quần chúng để có nền tảng tư tưởng vững chắc, nêu cao những phẩm chất đạo đức cần thiết, xây dựng hình ảnh đẹp đối với xã hội, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển của ngành Ngân hàng trở thành những người “công bộc” của dân như Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn.

Minh Ngọc

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/tu-tuong-ho-chi-minh-soi-sang-dao-duc-nguoi-lam-ngan-hang-164404.html
Zalo