Người dân và chuyên gia tin tưởng những đột phá của 'bộ tứ' nghị quyết
Người dân và chuyên gia tại nhiều địa phương trong cả nước kỳ vọng những 'điểm nghẽn' do quy định pháp luật sẽ được tháo gỡ khi Nghị quyết 66 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới đi vào cuộc sống.
Sáng ngày 18/5, tại TP Hải Phòng, Thành ủy Hải Phòng tổ chức 222 điểm cầu, với gần 28.500 đại biểu dự hội nghị trực tuyến quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. Trong đó, có 17 điểm cầu cấp huyện và 204 điểm cầu cấp xã.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu Trung tâm hội nghị TP Hải Phòng, ông Bùi Huy Cư, Giám đốc Công ty TNHH Tân Thanh (TP Hải Phòng) rất vui mừng khi lần đầu tiên “kinh tế tư nhân được xác định là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân”. Theo ông Bùi Hồng Cư, Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân đã tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp tư nhân, giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững.
"Nghị quyết này mang đến cho doanh nghiệp rất nhiều thuận lợi, giúp doanh nghiệp có động lực phát triển. Hiện nay, rào cản lớn nhất là cơ chế chính sách rất khó khăn cho kinh tế tư nhân. Muốn phát triển thì phải xóa bỏ những rào cản để các thành phần kinh tế tư nhân có cơ hội phát triển bình đẳng, ví dụ: được cho thuê đất để chúng tôi có mặt bằng để phát triển, để sẵn sàng đầu tư các công nghệ mới, tiên tiến. Từ đó doanh nghiệp sẽ phát triển, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước" - ông Bùi Hồng Cư chia sẻ.

Điểm cầu Trung tâm Hội nghị Thành phố Hải Phòng có 350 đại biểu tham dự
Sau khi được quán triệt các nội dung cốt lõi và kế hoạch hành động của Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, nhiều doanh nghiệp tại Quảng Ninh đã bày tỏ niềm tin và kỳ vọng các chủ trương, chính sách này sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho kinh tế tư nhân phát triển trong thời gian tới.
Bà Lê Thị Thêm, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Quảng Ninh, chia sẻ: “Thủ tướng Chính phủ cũng đưa ra 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp, trong đó nhấn mạnh việc đổi mới tư duy, hành động, xây dựng thể chế, xây dựng môi trường công bằng, bình đẳng đã khích lệ tinh thần của doanh nhân chúng tôi. Tôi tin tưởng bằng những hành động quyết liệt của Bộ Chính trị, của Chính phủ, kinh tế đất nước sẽ vững mạnh hơn trong thời gian tới."
Ông Lý Đắc Nam, Tổng Giám đốc Công ty Khang Hy Holiday Việt Nam nêu ý kiến: “Để kinh tế tư nhân tăng tỷ trọng, tôi thấy các quy định của pháp luật phải rõ ràng và càng chi tiết càng tốt. Mô hình doanh nghiệp tư nhân sẽ rất linh động, rất linh hoạt và luôn có ý tưởng thay đổi, biến đổi và cập nhật thị trường rất nhanh. Thực tế, nhiều việc luật chưa theo kịp thì rất mong rằng là Quốc hội, phía quản lý nhà nước sẽ cho các doanh nghiệp tư nhân có thể làm thí điểm những ý tưởng mới, tạo điều kiện một cách nhanh nhất để các doanh nghiệp thực hiện các ý tưởng và có những sản phẩm mới để triển khai.”
Trong khi đó, nghiên cứu và theo dõi Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, nhiều người dân và chuyên gia tại khu vực Đông Nam Bộ cũng đã đánh giá tích cực về tính thẳng thắn nhìn nhận những “điểm nghẽn” và chính sách được bổ sung kịp thời của Nghị quyết 66.
TS. Trần Quí, Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam (VIDE) cho rằng, Nghị quyết 66 đã chỉ rõ những quy định chồng chéo, mâu thuẫn, chưa rõ ràng của hệ thống pháp luật hiện nay, gây cản trở cho việc thực thi và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút và khơi thông nguồn lực đầu tư. Việc phân cấp, phân quyền chưa đủ mạnh; thủ tục hành chính còn rườm rà.

Cán bộ, công chức Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch tỉnh Bình Thuận theo dõi trực tuyến Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị sáng ngày 18/5
Theo TS. Trần Quí, khác với những định hướng chung chung trước đây, Nghị quyết 66 đã đặt ra các mục tiêu rất cụ thể: đến năm 2025, cơ bản hoàn thành việc tháo gỡ những “điểm nghẽn” do quy định pháp luật. Đến năm 2027, hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các văn bản pháp luật, bảo đảm cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động của bộ máy nhà nước theo mô hình chính quyền 3 cấp. Đến năm 2028, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh, góp phần đưa môi trường đầu tư của Việt Nam vào nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN.
TS. Quí cho rằng, Nghị quyết 66 và các nghị quyết trong bộ tứ chiến lược sẽ tạo đà cho đất nước thực hiện thành công các mục tiêu đột phá và hiện thực hóa những mục tiêu lớn đã đề ra. Bởi trước đây, tư duy cũ dẫn đến tình trạng chồng chéo, và quan điểm ban hành luật là theo luật “cứng”. Hiện nay, xu hướng là hướng tới “luật mềm”, tức là linh hoạt hơn, để phù hợp với thực tiễn.
"Hiện nay, Nghị quyết 57 ra đời hướng tới việc đưa mọi hoạt động vào môi trường số, thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo. Do đó, nhiều luật cần được điều chỉnh để phù hợp. Nếu chúng ta giữ tư duy cũ, sẽ không thể áp dụng hiệu quả các quy định mới. Vì vậy, để Nghị quyết 57 được triển khai hiệu quả, cần sửa đổi nhiều quy định, đặc biệt là các văn bản pháp luật”, ông Quí dẫn chứng về sự thay đổi này.

TS. Trần Quí, Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam
Dưới góc độ là một cử tri TP.HCM, Luật sư Mai Thanh Hà cũng đánh giá tích cực khi thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Đặc biệt là Nghị quyết 66 của Bộ Chính trị vừa được ban hành ngày 30/4/2025.
Tuy nhiên, theo luật sư Mai Thanh Hà đề Nghị quyết 66 tháo gỡ triệt để những “điểm nghẽn” về quy định và chính sách để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, khi xây dựng các bộ luật cần lấy ý kiến của người dân từ cơ sở, thay vì chỉ lấy ý kiến của các cơ quan, ban ngành như hiện nay.
“Trong suốt thời gian qua thì Trung ương đã có rất nhiều chính sách bổ sung kịp thời. Thế nhưng, vấn đề quan trọng nhất là chúng ta phải tận dụng tốt yếu tố dân làm chủ và dân làm gốc. Ở góc độ của một cử tri tôi đề nghị khi chúng ta xây dựng bất cứ một bộ luật nào, chúng ta phải cho người dân góp ý về dự thảo bộ luật đó thông qua Mặt trận Tổ quốc triển khai về khu phố để góp ý . Chứ hiện nay, dự thảo các bộ luật mới chỉ dừng lại ở chỗ cho các ban, ngành chức năng đóng góp ý kiến. Điều này vô tình tạo ra tính chủ quan là luật chỉ phục vụ cho công tác quản lý nhà nước, chứ chưa phục vụ đắc lực cho sự phát triển chung của xã hội và cho sự an tâm của người dân”.- Luật sư Mai Thanh Hà cho biết thêm.
Luật sư Hà Mạnh Tường, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai cho biết, Nghị quyết 66 của Bộ Chính trị có nhiều điểm mới, tiến bộ trong quan điểm chỉ đạo. Đó là công tác xây dựng, vận hành pháp luật đổi mới căn bản từ bị động sang chủ động, từ quản lý sang phục vụ, từ kiểm soát sang kiến tạo cho các doanh nghiệp và các thành phần trong xã hội.
"Cùng với việc thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy hiện nay thì nghị quyết của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, đây là kỳ vọng của đông đảo quần chúng nhân dân, cũng như giới luật sư chúng tôi. Hy vọng với Nghị quyết này sẽ là nền tảng cơ bản để thực hiện những nội dung tiếp theo và sớm đưa Nghị quyết này vào cuộc sống, thể hiện bằng những quyết sách của Quốc hội, những cơ quan xây dựng pháp luật cũng như của Chính phủ về việc thực hiện thi hành pháp luật, hy vọng với nghị quyết này là bước đột phá"- luật sư Hà Mạnh Tường nói.