Cao su VRG đáp ứng EUDR được cộng thêm giá 200-250 USD/tấn
Dù quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) hoãn thi hành nhưng Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) vẫn tích cực chuẩn bị
Tính đến hiện tại, VRG đã có 3 thành viên trực thuộc công bố thích ứng EUDR, được khách hàng công nhận và được cộng giá khi xuất khẩu từ 200 – 250 USD/tấn, tạo động lực cho các đơn vị khác chủ động thực hiện.
Nâng cao năng lực canh tranh
Bởi dù EUDR hoãn nhưng dự kiến sẽ thực thi vào cuối năm 2025. Ngoài ra, đây là xu thế chung của thế giới khác khi các thị trường khác như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc,… cũng có các động thái cho thấy sẽ đưa ra các quy định tương tự trong thời gian tới nên lợi thế sẽ thuộc về những đơn vị đi trước.
Cao su Chư Sê - Kampong Thom đáp ứng EUDR
Các đơn vị thành viên VRG tại Lào và Campuchia khó thực hiện EUDR hơn các đơn vị tại Việt Nam do chưa có hệ thống quốc gia về quản lý rừng bền vững như tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực, đến nay, toàn bộ diện tích 16.268 ha của Công ty CP cao su Chư sê Kampong Thom đều đáp ứng EUDR.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng giám đốc Cao su Chư Sê Kampong Thom cho biết việc tuân thủ EUDR không làm phát sinh thêm chi phí so với cách quản lý trước đây do công ty chủ động thực hiện, không thuê tư vấn ngoài. Về lâu dài, góp phần vào công tác quản lý, nhằm tinh giảm bộ máy.
Quy định EUDR nhằm ngăn chặn nhập khẩu các mặt hàng gây mất rừng hoặc suy thoái rừng kể từng sau ngày 31-12-2020 đối với nhiều mặt hàng, trong đó có cao su nhập khẩu các nước EU phải giải trình nguồn gốc nhằm ngăn chặn những hàng hóa gây mất rừng và suy thoái rừng.
Cụ thể, lô hàng phải có định vị thông tin địa lý GIS đến từng khu vườn, có truy xuất vật lý đến từng vườn trồng, được theo dõi diễn biến mất rừng bằng công cụ viễn thám, phải chứng minh không gây mất rừng bằng các báo cáo giải trình nguy cơ và giải pháp giảm thiểu nguy cơ mất rừng, phải có đánh giá và giảm thiểu nguy cơ về vấn đề xã hội, quyền con người, an sinh xã hội người bản địa...
Chiều 3-12, tại TP HCM, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) tổ chức Lễ công bố Thích ứng quy định EUDR của các đơn vị thành viên tập đoàn.
Theo đó, hiện có 3 đơn vị đã hoàn thành việc đáp ứng EUDR, được khách hàng chấp nhận gồm: Tổng công ty cao su Đồng Nai, Công ty TNHH một thành viên cao su Dầu Tiếng (Bình Dương) và Công ty CP cao su Chư sê Kampongthom tại Campuchia.
Tại sự kiện cũng diễn ra lễ ký kết với các khách hàng như Tập đoàn Sailun, Công ty TNHH một thành viên Đặng Thái Gia,… với giá thu mua mủ cao su có chứng nhận EUDR cao hơn 200 – 250 USD/tấn so với thị trường.
Ông Trương Minh Trung, Phó Tổng Giám đốc VRG, thông tin VRG đang quản lý gần 400.000 ha đất, bao gồm khoảng 120.000 ha tại Lào và Campuchia.
VRG ngày càng hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế, trong đó xây dựng doanh nghiệp phát triển bền vững với 3 trụ cột: Phát triển kinh tế - Bảo vệ môi trường - Trách nhiệm với cộng đồng và xã hội là nền tảng quyết định để Tập đoàn ổn định, phát triển và năng cao năng lực canh tranh.
Một trong những mục tiêu của Tập đoàn là thực hiện quản lý toàn bộ diện tích cao su của Tập đoàn phù hợp với các hệ thống quản lý rừng bền vững như PEFC/FEC, đáp ứng các quy định của Luật pháp quốc tế cũng như các yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Đi đầu thực hiện EUDR
Đến nay, Tập đoàn đã có gần 280.000 ha có phương án quản lý rừng bền vững được phê duyệt, gần 130.000 ha cao su đạt chứng chỉ rừng bền vững theo VFCS/PEFC-FM và 38 nhà máy đạt VFCS/PEFC-CoC.
"Trong sự kiện hôm nay, ngoài việc công bố thích ứng yêu cầu EUDR của 3 đơn vị, Tập đoàn còn muốn khẳng định quyết tâm trong việc đi đầu thực hiện thích ứng EUDR trong lĩnh vực mủ và gỗ cao su với quyết tâm đáp ứng EUDR trong quý I/2025 đối với các công ty đã đạt Chứng chỉ quản lý rừng bền vững (VFCS/PEFC) và phấn đấu đến hết Quý II/2025 hoàn thành đáp ứng cho các công ty tại Lào và Campuchia.
Việc thực hiện chứng chỉ rừng bền vững phù hợp các hệ thống quốc tế và thực hiện hoạt động thích ứng với EUDR không chỉ đáp ứng quy định của quốc tế mà còn là cơ hội để các đơn vị rà soát hệ thống quản trị nội bộ, từ đó có cải tiến, điều chỉnh hệ thống quả trị giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn với năng lực cạnh tranh tốt hơn" – ông Trung khẳng định.
Ông Trung đề nghị các công ty thành viên tiếp tục nâng cao giá trị sử dụng của sản phẩm có chứng chỉ rừng VFCS/PEFC. Đặc biệt, đề nghị công ty tiếp tục tích cực chào bán sản phẩm có chứng chỉ đến khách hàng, sản phẩm mủ cao su thiên nhiên có chứng chỉ như là nguồn nguyên liệu được sản xuất bền vững để tăng tính bền vững cho sản phẩm cuối cùng.
Riêng đối với cây cao su thanh lý, đề nghị các công ty khi bán đấu giá cao su thanh lý có thể kèm thêm lựa chọn cấp chứng chỉ và có tăng thêm 1 khoản chi phí phù hợp (trước mắt có thể do 2 bên tự thương lượng). Thực tế, trong các năm vừa qua đã có công ty bán thành công vườn cây cao su thanh lý cấp chứng chỉ với giá bán được tăng thêm so với vườn cây chưa có chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
Đối với các công ty tại khu vực Lào và Campuchia, lãnh đạo VRG đề nghị tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Tập đoàn liên quan đến chương trình phát triển bền vững như kiểm kê khí nhà kính, thực hiện xây dựng hồ sơ đáp EUDR, đồng thời bám sát theo hướng dẫn của nước sở tại đối với quy định này. Tiếp tục thực hiện tham vấn cộng đồng định kỳ nhằm tăng cường mối quan hệ tốt đẹp với chính quyền địa phương, người dân quanh vùng dự án trong khi các vườn cao su bắt đầu vào chu kỳ năng suất, cần lượng lớn lao động, ổn định và bảo vệ vườn cây.
Khách hàng ưu tiên sử dụng
Ông Tào Quốc Cường, đại diện Tập đoàn Sailun, cho biết khi đối mặt với thách thức từ quy định EUDR, đội ngũ chuyên gia của Sailun đã tiến hành kiểm tra thực tế đối với Chư Sê Kampong Thom vào tháng10 vừa qua. Qua quá trình đánh giá nghiêm ngặt, Sailun xác nhận rằng hoạt động sản xuất và quản lý của nhà máy Chư Sê Kampong Thom hoàn toàn đáp ứng tiêu chuẩn EUDR. Sailun cam kết ưu tiên sử dụng các sản phẩm đạt chuẩn EUDR của Chư Sê Kampong Thom. Đây không chỉ là sự công nhận đối với chất lượng sản phẩm và năng lực quản lý sản xuất của công ty mà còn là cột mốc quan trọng trong việc làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác, cùng nhau tạo dựng tương lai.
"Các nhà máy khác thuộc VRG, nếu có nhu cầu trong việc đạt chứng nhận EUDR, Sailun cũng cam kết hỗ trợ tích cực, với hy vọng sẽ có nhiều nhà máy hơn nữa thuộc VRG trở thành nhà cung cấp sản phẩm EUDR cho Sailun trong tương lai" – đại diện Sailun khẳng định.