Cạnh tranh dữ dội, nhiều gian hàng online đóng cửa
Không ít chủ kinh doanh hiện nay đã quyết định rút khỏi các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada hay Tiktok - dù đây từng được xem là 'mảnh đất vàng' giúp các shop online tiếp cận hàng triệu khách hàng.
Kết thúc năm 2024 có 165.000 gian hàng đã "biến mất", tương đương gần 3.200 gian hàng đóng cửa mỗi tuần trên 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất. Làn sóng này vẫn chưa hạ nhiệt, thậm chí còn tăng về quy mô.
Kinh doanh lĩnh vực thời trang trên sàn thương mại điện tử từ năm 2019, chủ doanh nghiệp Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và Sản xuất An Lộc cho biết, so với trước đây, bán hàng trên sàn thương mại điện tử bây giờ không còn dễ dàng. Đặc biệt là từ ngày 1/4, nhiều sàn thực hiện tăng mức chi phí với nhà bán từ 15 - 20% khiến doanh thu sụt giảm. Do đó, để tồn tại và trụ vững trên sàn thương mại điện tử, các cửa hàng đã thực hiện một số chiến dịch, thay đổi phương thức kinh doanh.
Bà Lê Lan Phương - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và Sản xuất An Lộc cho biết: "Chúng tôi phải quảng cáo vào giờ vàng để tăng tương tác, bán hàng bằng hình thức livestream kết hợp KOL, KOC".
Theo Báo cáo Thị trường sàn bán lẻ trực tuyến của Metric, tổng doanh số của bốn sàn thương mại điện phổ biến nhất tại Việt Nam trong quý I/2025 đã tăng trưởng khoảng 42% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 101,4 tỷ đồng cho thấy sức mua của thị trường vẫn duy trì ở mức cao. Dù rất triển vọng song mức độ cạnh tranh tại thị trường thương mại điện tử Việt Nam hiện nay là rất lớn.
Bà Lê Thị Hà – Cục Thương mại điện tử và kinh tế số - Bộ Công thương cho hay: "Những hạ tầng, nền tảng bây giờ diễn ra rất là nhiều, ngay cả những người bán ở trên nền tảng cũng cạnh tranh rất lớn. Ví dụ như những nền tảng số lớn, có thể tồn tại lên đến hàng 100.000 người bán hàng và sự cạnh tranh đối với từng sản phẩm là một vấn đề, mang lại rất nhiều câu chuyện đối với doanh nghiệp và bản thân doanh nghiệp về tự triển khai những cập nhật về công nghệ, những biến đổi từ thái độ tiêu dùng của người tiêu dùng hiện đại".
Đối mặt với nhiều thách thức, nhiều shop online đã không trụ được và rời bỏ cuộc chơi. Trong quý đầu năm 2025, đã có 38.000 cửa hàng không phát sinh đơn hàng trên các nền tảng thương mại điện tử. Tuy nhiên, nhóm cửa hàng có doanh số cao lại tăng trưởng mạnh, đặc biệt nhóm cửa hàng đạt doanh số trên 50 tỷ đồng đã tăng gần gấp đôi so với quý I/2024. Điều này phản ánh việc các shop nhỏ lẻ đang rút lui, nhường sân chơi cho các nhà bán lớn có quy mô và năng lực vận hành vượt trội.
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang phân hóa rõ nét khi các nhà bán lớn mở rộng quy mô, trong khi phần lớn shop nhỏ lẻ dần rời bỏ thị trường. Xu hướng này cho thấy môi trường kinh doanh trên sàn thương mại điện tử ngày càng khắc nghiệt, đòi hỏi các nhà bán hàng không chỉ duy trì sản phẩm tốt mà còn phải liên tục học cách thích ứng. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, những doanh nghiệp chậm đổi mới đang đứng trước nguy cơ bị đào thải, nhường chỗ cho những đơn vị linh hoạt và có chiến lược rõ ràng hơn.