Kinh tế rừng và mục tiêu tín chỉ các-bon

Trong bối cảnh ngày càng gia tăng ô nhiễm môi trường, việc áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Đa dạng hóa nguồn tài chính bền vững cho ngành lâm nghiệp từ nguồn tín chỉ các-bon thông qua các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng được xem là một trong những giải pháp ưu tiên trong chính sách ứng phó biến đổi khí hậu của Việt Nam nói chung và Thái Nguyên nói riêng.

Cán bộ kiểm lâm hướng dẫn người dân trồng rừng để nâng cao độ che phủ, mang lại nguồn kinh tế từ rừng.

Cán bộ kiểm lâm hướng dẫn người dân trồng rừng để nâng cao độ che phủ, mang lại nguồn kinh tế từ rừng.

Hiệu ứng tích cực

Theo ông Lê Hải Bằng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Thái Nguyên, một trong những công cụ để đo lường và giảm tải lượng khí thải nhà kính gây ra từ hoạt động của con người là tín chỉ các-bon (carbon credit).

Đây là chứng nhận quyền phát thải khí CO2 hoặc khí nhà kính khác quy đổi sang CO2. Trong đó, bên bán là bên có khả năng giảm hoặc tăng hấp thụ các-bon so với mức tham chiếu. Mỗi tín chỉ các-bon tương ứng với một tấn khí CO2 hoặc lượng khí nhà kính quy đổi tương đương sang CO2 đã được ngăn chặn hoặc loại bỏ.

Tín chỉ các-bon không chỉ là biện pháp giảm thiểu lượng khí thải mà còn mang lại giá trị kinh tế đáng kể. Các doanh nghiệp có thể vừa thức đẩy phát triển kinh doanh, vừa đóng góp vào việc tạo ra môi trường sống bền vững và thân thiện với môi trường.

Tín chỉ các-bon còn có nhiều lợi ích thiết thực khi đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lượng khí nhà kính, đóng góp tích cực vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc giảm biến đổi khí hậu. Đồng thời thúc đẩy hành vi bền vững bằng cách tích hợp tín chỉ các-bon vào chiến lược, thể hiện cam kết và tăng cường thực hiện các giải pháp giảm khí nhà kính để đạt hoặc duy trì. Đặc biệt là thúc đẩy giá trị thương hiệu, tạo cơ hội để doanh nghiệp xây dựng giá trị thương hiệu khi mà người tiêu dùng đánh giá cao các sản phẩm và dịch vụ có tác động tích cực đối với môi trường.

Hiện nay, thị trường mua bán tín chỉ các-bon đã hoạt động được một thời gian, chủ yếu đến từ lĩnh vực lâm nghiệp. Nước ta ước tính có thể bán ra 57 triệu tín chỉ các-bon cho các tổ chức quốc tế và thu về hàng trăm triệu USD.

Thời gian tới, nhu cầu tín chỉ các-bon được dự báo sẽ tăng mạnh cả trong nước và quốc tế. Điều này góp phần tăng cơ hội đầu tư cho phát triển rừng thông qua cơ chế tạo tín chỉ các-bon trong nước và tham gia thị trường các-bon tự nguyện... Đáng nói, cơ hội này sẽ được chia đều cho những địa phương có tiềm năng, thế mạnh về rừng, trong đó có Thái Nguyên.

Việc cung ứng giống phục vụ trồng rừng luôn được tỉnh Thái Nguyên quan tâm.

Việc cung ứng giống phục vụ trồng rừng luôn được tỉnh Thái Nguyên quan tâm.

Tiềm năng của Thái Nguyên

Thái Nguyên có diện tích rừng khá lớn và các nguồn tài nguyên, tiềm ẩn nhiều cơ hội phát triển thị trường các-bon. Toàn tỉnh hiện có 183.000ha rừng, trong đó có 62.000ha rừng tự nhiên, số còn lại là rừng trồng (chủ yếu là keo, bạch đàn, bồ đề…). Đây là tiềm năng để thực hiện các hoạt động tăng cường trữ lượng các-bon rừng theo cơ chế REDD+ và đăng ký ban hành tín chỉ các-bon.

Trên thực tế, tổng lượng các-bon được hấp thụ và lưu giữ ở nước ta nói chung, Thái Nguyên nói riêng là khá lớn. Dù vậy, trữ lượng các-bon có sự chênh lệch lớn ở từng loại rừng thuộc các vùng khác nhau, dao động từ 1-19 tấn các-bon/ha cho tới trên 150 tấn các-bon/ha. Trong đó, rừng càng có nhiều lá rộng thì trữ lượng càng cao.

Ông Lê Cẩm Long, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên: Rừng có giá trị cao và đa dụng, nhất là chống biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, mang lại giá trị thiết thực cho cộng đồng. Việc đầu tư cho bảo vệ, phục hồi và phát triển bền vững rừng đang được đẩy mạnh tại Thái Nguyên.

Riêng năm 2024, Thái Nguyên đã trồng được trên 4.370ha rừng tập trung, vượt 28,6% kế hoạch. Theo đó, tỉnh cũng đã phát triển mạnh diện tích rừng gỗ lớn, đến nay đã có gần 16.000ha. Không dừng lại ở đó, mỗi năm, toàn tỉnh còn trồng được trên dưới 1,4 triệu cây xanh phân tán theo Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ.

Cùng với đó, công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng tiếp tục được tăng cường thông qua việc tăng diện tích rừng đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng gỗ lớn…

Tín chỉ các-bon rừng là một loại hàng hóa đặc biệt; vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực của Nhà nước, tỉnh Thái Nguyên cần khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh này. Trên thực tế, đây là hướng đi hoàn toàn phù hợp với định hướng của nước ta trong việc tối ưu hóa các nguồn đầu tư xã hội hóa từ các doanh nghiệp và tổ chức trong nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng.

Ngày 7/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát khí thải nhà kính và bảo vệ tầng ozon. Trong đó có quy định cụ thể về lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường các-bon trong nước.

Cụ thể, giai đoạn đến hết năm 2027, xây dựng quy định quản lý tín chỉ các-bon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon…

Giai đoạn từ năm 2028, sẽ vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon; quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ các-bon trong nước với thị trường các-bon khu vực và thế giới

Hoàng Bách

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202505/kinh-te-rung-va-muc-tieu-tin-chi-cac-bon-0720faa/
Zalo