Cảnh báo tình trạng ngộ độc rượu giả pha từ cồn công nghiệp Methanol

Cồn Methanol vào cơ thể, hấp thụ rất nhanh, chuyển hóa thành formaldehyde, sau đó lại chuyển hóa thành axit formic, gây ứ đọng lên não, làm cơ thể co giật hôn mê, thậm chí tử vong.

Nhân viên y tế theo dõi sức khỏe cho bệnh nhân ngộ độc rượu điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhân viên y tế theo dõi sức khỏe cho bệnh nhân ngộ độc rượu điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Những ngày trước và trong Tết Nguyên đán, ngành y tế và các cơ sở y tế liên tục có những cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng tình trạng ngộ độc rượu giả pha từ cồn công nghiệp Methanol. Tuy nhiên,vẫn có những trường hợp phải nhập viện với nồng độ cồn Methanol trong máu cao.

Tử vong do ngộ độc rượu giả

Vừa qua, dư luận xôn xao về sự việc 2 người nước ngoài đã tử vong tại thành phố Hội An (Quảng Nam) sau khi sử dụng rượu giả.

Qua điều tra mở rộng, Công an tỉnh Quảng Nam xác định vào 15 giờ 30 phút ngày 24/12/2024, Lê Tấn Gia (nhân viên pha chế của một nhà hàng tại thành phố Hội An) đã sử dụng cồn y tế 70 độ (loại chỉ dùng để sát khuẩn, không được uống hay sử dụng trong chế biến thực phẩm), pha với nước lọc, vỏ chanh và đường cát trắng để tạo thành hai chai rượu Limoncello (rượu mùi), sau đó giao cho hai du khách. Sau khi uống, cả hai du khách bị trúng độc Methanol nghiêm trọng, dẫn đến tử vong.

Còn tại Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương), các bác sỹ vừa tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân L.Q.Đ, 61 tuổi ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng rối loạn ý thức, hôn mê sâu, hơi thở đậm mùi cồn, da sạm, đại tiểu tiện không tự chủ, rối loạn chuyển hóa nặng nên được tiến hành đặt ống nội khí quản, thở máy, đặt catheter lọc máu liên tục cấp cứu.

Các bác sỹ hội chẩn chuyên sâu với chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc Methanol, tình trạng nguy kịch tiên lượng tử vong cao. Qua khai thác tiền sử, người nhà cho hay bản thân ông Đ. bị tăng huyết áp khoảng 10 năm, đái tháo đường khoảng 5-7 năm, nghiện rượu nặng và thường xuyên uống rượu không rõ nguồn gốc.

Dịp Tết nguyên đán, gặp gỡ bạn bè nhiều, ông Đ. uống rượu liên tục nhưng lại không ăn uống gì và thường xuyên mua và uống rượu không rõ nguồn gốc (rượu không có nhãn mác, nguồn gốc).

Người nhà bệnh nhân cho hay vào sáng 9/2, ông Đ. được gia đình phát hiện rối loạn ý thức, gọi hỏi không đáp ứng nên được đưa vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cấp cứu.

Tiến sỹ Thân Mạnh Hùng - Phó trưởng Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết sau 1 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã tạm ổn định nhưng vẫn tiếp tục phải thở máy và lọc máu, thăng bằng toan kiềm do rối loạn chuyển hóa từ rượu gây ra.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, vào đêm 13/1, các bác sỹ tiếp nhận một nam bệnh nhân 40 tuổi phải vào cấp cứu với nồng độ cồn Methanol là 153 mg/dL, cao gấp gần chục lần mức đủ gây ngộ độc.

Sau một ngày được các các sỹ của Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) lọc máu liên tục, nồng độ cồn Methanol trong máu hạ xuống mức 30mg/dL. Bệnh nhân dần dần tỉnh lại.

Theo thống kê của Trung tâm Chống độc, những năm gần đây, các y bác sỹ chứng kiến hàng chục trường hợp tử vong do ngộ độc rượu giả có chứa cồn Methanol, dù đã được tích cực cấp cứu, lọc máu.

Cần kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất cồn y tế

Tiến sỹ Thân Mạnh Hùng cho biết nghiện rượu và lạm dụng rượu bia có thể gây ra rất nhiều hậu quả không thể lường trước được. Một số tác hại của việc nghiện rượu như: Mệt mỏi, suy nhược cơ thể, giảm trí nhớ ngắn hạn, yếu cơ mắt, viêm gan, xơ gan do rượu, viêm tụy cấp, tăng huyết áp, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, có thể gây ra đột quỵ…

Do vậy, để đảm bảo sức khỏe và tránh các rủi ro không đáng có, người dân nếu có uống rượu, cần lựa chọn sản phẩm rõ nguồn gốc, không nên mua rượu trôi nổi trên thị trường vì chúng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ngộ độc. Rượu không đảm bảo chất lượng có thể chứa các chất độc hại, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí dẫn đến các trường hợp ngộ độc nghiêm trọng.

Theo các chuyên gia y tế, cồn Methanol là hóa chất lỏng, được sử dụng trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp như sơn, xăng, dầu diezen… và được biết đến như một chất rất độc ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.

Tiến sỹ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, khi cồn Methanol vào cơ thể sẽ được hấp thụ rất nhanh, chuyển hóa thành formaldehyde, sau đó lại chuyển hóa thành axit formic, gây ứ đọng lên não, làm cơ thể co giật hôn mê, thậm chí tử vong. Có những trường hợp còn tích lũy lên võng mạc, tổn thương thần kinh thị giác, gây mù lòa.

Trong rượu thật, thành phần chính là cồn Ethanol. Loại cồn này còn được sử dụng trong dung dịch cồn y tế dùng để sát trùng. Hiểu biết về điều này, không ít người đã pha dung dịch cồn y tế vào nước thành rượu để uống hoặc để bán. Thế nhưng, hiện nay, cồn y tế cũng bị làm giả, bằng cách pha từ cồn công nghiệp Methanol nhập nhằng dán mác với tên gọi cồn sát trùng khiến nhiều người lầm tưởng đây là cồn y tế chứa Ethanol.

Đáng lưu ý khi nhiều người bán hàng muốn nhanh chóng có rượu để bán, thu lãi cao đã pha chế, làm ra những chai rượu giả chứa cồn công nghiệp Methanol, gây thiệt hại tính mạng và sức khỏe cho những người uống phải thứ dung dịch độc hại này.

Từ thực tế nhiều nước trên thế giới đã có quy định pha chất tạo màu vào cồn công nghiệp Methanol để dễ phân biệt, Tiến sỹ Nguyễn Trung Nguyên kiến nghị cần phải quản lý chặt chẽ cồn Methanol. Có những nước trên thế giới quy định bắt buộc phải cho chất tạo màu vào cồn Methanol để phân biệt, chẳng hạn cho chất xanh methylen vào để có màu xanh, bởi thực tế, dung dịch Methanol màu trắng dễ nhầm lẫn với rượu trắng. Bên cạnh đó cần kiểm soát chặt chẽ hơn việc sản xuất cồn y tế để không bị làm giả./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/canh-bao-tinh-trang-ngo-doc-ruou-gia-pha-tu-con-cong-nghiep-methanol-post1013192.vnp
Zalo