PGS Nguyễn Lân Hiếu phanh phui cú lừa lọc máu ngừa đột quỵ
Phó giáo sư Nguyễn Lân Hiếu bác bỏ thông tin chỉ cần 2-3 giờ lọc máu với chi phí chưa đến chục triệu phòng ngừa được đột quỵ, hết mỡ máu, đái tháo đường.
Mới đây, Phó giáo sư Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã chia sẻ câu chuyện nhiều người rủ nhau đi lọc máu để loại bỏ mỡ máu và nhiều bệnh khác. Nhiều cơ sở quảng cáo rằng chỉ cần lọc máu sẽ giúp loại bỏ mỡ máu, máu xấu ngăn ngừa đột quỵ, xơ vữa động mạch, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ... Thậm chí, khách hàng có thể sang Singapore hoặc Nhật Bản để thực hiện liệu trình này.
"Nếu chỉ cần 2-3 giờ với chi phí chưa đến chục triệu đồng phòng ngừa được đột quỵ, hết cả mỡ máu, đái tháo đường thì chắc bác sĩ tim mạch như tôi thất nghiệp. Một phương pháp thực sự hiệu quả sẽ được đưa vào hướng dẫn của các hội chuyên ngành nhưng cho đến thời điểm này chưa có khuyến cáo nào cho việc lọc máu dự phòng", bác sĩ Hiếu cho biết.

Hình ảnh lọc máu của bệnh nhân điều trị tại bệnh viện được bác sĩ theo dõi và chỉ định chặt chẽ. Ảnh: Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Hơn 200 triệu đồng quét mỡ máu
Khi liên hệ một trung tâm môi giới chăm sóc sức khỏe tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), chị Hồng Hạnh được giới thiệu dịch vụ lọc mỡ máu ngừa đột quỵ, bệnh tim mạch giá hơn 200 triệu đồng.
Chị Hạnh chia sẻ, mẹ chị bị đái tháo đường, mỡ máu đặc biệt là cholesterol và triglyceride tăng cao. Khoảng nửa năm nay, sức khỏe của bà suy giảm. Chị Hạnh nghe tư vấn lọc máu ngừa được đột quỵ nên mong muốn mẹ được trải nghiệm dịch vụ này. Tuy nhiên, với chi phí gần 9.000 USD chưa bao gồm vé máy bay, ăn uống, ngủ nghỉ và chỉ được cam kết giảm mỡ máu trong trường hợp thành mạch tốt nên chị còn băn khoăn.
“Chi phí khá cao và tôi chưa thấy trường hợp nào thành công để tin tưởng nên đã không đăng ký sau khi tìm kiểu kỹ”, chị Hạnh nói.
Trong vai người có nhu cầu lọc mỡ máu ngừa đột quỵ, phóng viên VietNamNet đã liên hệ với văn phòng tư vấn trên. Nhân viên môi giới cam kết công nghệ này của Nhật Bản giúp loại bỏ sạch mỡ máu xấu, kim loại nặng, vi nhựa, độc tố thần kinh, virus, protein gây hại chỉ sau 2-3 giờ nằm nghỉ, máy tự lọc.
Khách hàng có nhu cầu có thể thực hiện lọc máu tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội. Những người muốn thực hiện tại Nhật Bản sẽ có nhân viên môi giới hướng dẫn, làm thủ tục để xuất cảnh.
Theo như quảng cáo của văn phòng tư vấn, công nghệ này là số 1 tại Nhật, chỉ cần sau 2 tiếng, chỉ số mỡ máu sẽ giảm về ngưỡng bình thường. Nhân viên môi giới đưa ra nhiều mẫu xét nghiệm triglyceride của khách hàng trước khi lọc là 248 mg/Dl nhưng sau 2 giờ lọc máu, chỉ số này chỉ còn 42 ml/Dl, cholesterol cũng giảm từ 235 ml/DL xuống còn 153 mg/Dl.

Khách lọc máu tại Nhật Bản. Ảnh: Môi giới cung cấp.
Theo người môi giới, bệnh nhân bị mỡ máu cao, men gan tăng, gan nhiễm mỡ và các bệnh khác sau khi lọc máu, các chất độc, mỡ máu đã bị “rửa trôi” hoàn toàn. Phương pháp trên được quảng cáo đang thịnh hành tại Nhật Bản và nhiều người dân nước này đi lọc máu định kỳ để quét sạch mỡ máu, độc tố khác, tăng tuổi thọ.
Người Nhật không thọ hơn nhờ đi lọc máu
Chúng tôi gửi thông tin này cho Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Nguyên Quý - Trưởng khoa Ung thư nội khoa, Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren, Nhật Bản thì nhận được phản hồi đầy bất ngờ.
Theo Tiến sĩ Quý, không hề có số liệu nào cho thấy dân Nhật sống thọ hơn nhờ đi lọc máu, đây là quảng cáo phóng đại. Hiện nay, không có bằng chứng khoa học nói về công hiệu của lọc máu thải độc. Với người bệnh mỡ máu cao hoặc gan nhiễm mỡ, giới y khoa khuyến khích họ thay đổi lối sống và kết hợp thêm thuốc giảm mỡ máu khi cần. Tại Nhật Bản, đây là giải pháp được khuyến khích sử dụng rộng rãi với bằng chứng rõ ràng về hiệu quả và chi phí rẻ nhất vì được bảo hiểm y tế chi trả tới 70-90%.

Tiến sĩ Phạm Nguyên Quý chia sẻ về phương pháp lọc máu dự phòng đột quỵ. Ảnh: BSCC.
Theo bác sĩ Kinoshita Chiharu, Trưởng khoa Nội Thận cùng bệnh viện trên, việc phòng bệnh, chữa bệnh cần tập trung xử lý tận gốc nguyên nhân. Nếu cao mỡ máu do ăn nhậu nhiều thì nên kiểm soát vấn đề này thay vì đi lọc máu định kỳ là cách chữa phần ngọn.
Dù việc luồn kim lấy máu ra lọc rồi trả về cơ thể là thủ thuật thường làm ở những bệnh nhân bị suy thận nặng hoặc chỉ số mỡ máu cao do bệnh di truyền, việc làm này không được khuyến khích trên những đối tượng khác, nhất là ở người khỏe mạnh vì nguy cơ nhiễm trùng máu cũng như tổn thương dây thần kinh bì.
Tại Nhật Bản, liệu pháp không có bằng chứng rõ ràng về lợi ích sẽ không được bảo hiểm y tế chi trả và không được Hiệp hội Y khoa khuyến khích. Nếu người dân tự ý thực hiện, họ sẽ phải tự chịu trách nhiệm khi có biến chứng xảy ra trên cơ thể. Đây là lý do số người Nhật theo liệu pháp lọc máu này rất ít.
Tuy nhiên, liệu pháp lọc máu tự do không bị cấm ở Nhật vì người dân có quyền tự quyết về cơ thể của mình và điều trị theo cách nào tùy quan hệ với bên cung cấp dịch vụ. Vì vậy, các bác sĩ đều khuyến cáo người dân hết sức thận trọng.