Áp lực của những người đàn ông 'bánh mỳ kẹp' ở Hàn Quốc
Đàn ông ở xứ sở kim chi cảm thấy căng thẳng vì mang trên vai quá nhiều trách nhiệm. Họ phải phụng dưỡng cha mẹ già, dành thời gian cho con nhỏ và chịu vô số áp lực công việc.

Nam giới Hàn Quốc cảm thấy mệt mỏi vì phải mang trên vai nhiều trọng trách. Ảnh: S.B.S.
Có một khách hàng tên là Sang-hoon, lần đầu tiên anh đến văn phòng tư vấn với nhiều cảm xúc bị đènén cùng với tinh thần trách nhiệm khi anh phải đảm nhiệm nhiều vai trò cùng một lúc. Anh ấy vừa là bố của hai đứa trẻ vừa là chồng, là con trai cả của gia đình và là một nhân viên văn phòng kỳ cựu suốt 10 năm ở công ty.
Mỗi vai trò đi kèm với những kỳ vọng và trách nhiệm phải gánh vác. Sang-hoon cố gắng hoàn thành tất cả nhiệm vụ được giao cho bản thân một cách hoàn hảo, nhưng hôm nay, khi đến với văn phòng tư vấn anh ấy đã quá mệt mỏi.
Trong vai trò là người con cả gương mẫu, anh khó có thể từ chối những yêu cầu vô lý từ bố mẹ và các em. Anh lo toan từ việc lớn đến việc nhỏ trong gia đình cũng như các khoản chi phí sinh hoạt cho bố mẹ, tại nơi làm việc, anh không ngần ngại làm thêm giờ vì sợ lỡ mất cơ hội thăng tiến.
Đồng thời, anh nỗ lực hết mình để trở thành một người chồng, một người cha hoàn hảo nhưng đến việc ăn tối cùng gia đình đối với anh gần như là điều không thể. Sang-hoon luôn cảm thấy mệt mỏi với trách nhiệm của cuộc sống, anh chỉ muốn nghỉ ngơi, thư giãn vào cuối tuần và dành thời gian cho con cái nhưng dù sao anh cũng muốn quyết tâm làm tròn vai trò của một người cha chăm chỉ.
Tuy nhiên, anh ấy nói rằng ngay cả khi ở bên gia đình, anh ấy cũng không biết phải nói gì và cảm thấy như mình là người duy nhất bị bỏ rơi. Sang-hoon khá khổ sở vì lúc nào vợ cũng tỏ ra bất mãn, không hài lòng, nhưng anh vẫn cố gắng chịu đựng và nghĩ rằng tất cả là lỗi do mình. Khi anh im lặng và không thể hiện bản thân, thì y như rằng chẳng có một ai để ý đến sự cô đơn của anh.
Còn Amanda, bà đến trung tâm tư vấn với chứng lo âu mạn tính, bà ấy là một biểu tượng của lòng hy sinh và là một người mẹ siêu nhân, luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt tất cả công việc ở công ty lẫn việc chăm sóc con cái ở nhà. Nếu để chồng chăm sóc con cái hoặc giao việc cho đồng nghiệp, bà sẽ thấy không yên tâm và cuối cùng lại tự lo liệu hết. Giống như “wonder woman”, bà ấy đảm nhận mọi việc, nhưng dường như càng làm vậy mọi người càng giao phó nhiều việc hơn cho bà.
Amanda đang tự buộc mình phải phù hợp với danh hiệu “bà mẹ siêu nhân” không bền vững, và thật kỳ lạ, càng cố gắng, bà lại càng không hài lòng với những lời khen ngợi như vậy.“Biểu tượng hy sinh” sẽ làm tăng sự kỳ vọng lên đối phương bằng cách không vạch ra ranh giới rõ ràng, điều này cũng có thể được nhìn thấy trong các mối quan hệ vợ chồng.
Mặc dù Amanda phàn nàn rằng chồng không thể làm bất cứ điều gì nếu không có bà sắp xếp và hướng dẫn từng chút một, và trong lòng bà nghĩ rằng: “Không có tôi thì chồng tôi không thể làm được chuyện gì cả”. Tuy nhiên, hành vi này cuối cùng lại thúc đẩy sự thờ ơ và phụ thuộc của chồng bà trong việc chăm sóc con cái và gia đình.
Phong cách nuôi dạy con cái của Amanda cũng tương tự như vậy. Vì cảm thấy có lỗi và cũng muốn giải quyết nhanh chóng nên bà không thể từ chối bất kỳ yêu cầu vô lý nào của con mình, mà thay vào đó bà luôn cố gắng để đáp ứng mọi vấn đề.
Cha mẹ luôn là “biểu tượng của sự hy sinh”, trái tim của những đứa trẻ mỏng manh như những hạt thủy tinh. Vì vậy, khi từ chối yêu cầu của trẻ, cha mẹ luôn sợ chúng bị tổn thương hoặc mối quan hệ với trẻ sẽ xấu đi. Và bản thân cũng không thể chịu đựng được khi nhìn con mình tỏ ra chán nản, thất vọng dù là những điều nhỏ nhặt nhất, cứ thế, cha mẹ luôn lo lắng và rất dễ trở thành những người can thiệp quá mức vào cuộc sống của con cái “vì yêu con”.
Cha mẹ coi việc chăm lo mọi thứ từng chút một cho con cái là sự hy sinh cao cả, nhưng điều đó sẽ phủ nhận tính độc lập cũng như tước đi cơ hội tự giải quyết vấn đề của trẻ.
Cuối cùng, các thành viên trong gia đình là những người hy sinh cho nhau nhiều hơn ai hết, nhưng lại làm quá nhiều việc cho nhau, kỳ vọng quá nhiều rồi lại thất vọng nhiều. Như vậy, càng ngày cảm giác tội lỗi và bực bội sẽ càng sâu sắc hơn.
Những khó khăn khi phải nói lời từ chối trong trường hợp của Sang-hoon và Amanda, đâu đó cũng là hình ảnh của chính chúng ta. Vậy làm thế nào để nhìn nhận lại việc từ chối để có thể bảo vệ mối quan hệ lẫn nhau? Nếu vẫn tiếp tục nhìn nhận sự từ chối dưới góc độ tiêu cực và sợ hãi thì vấn đề sẽ không thể giải quyết. Một góc nhìn mới về việc từ chối có thể giúp chúng ta đối phó với sự từ chối va cả cảm giác tổn thương khi bị từ chối.