Cảnh báo đột quỵ khi thức giấc trong thời tiết lạnh

Thời tiết trên địa bàn TPHCM những ngày qua chuyển lạnh vào sáng sớm, khiến nhiều người rơi vào tình trạng đột quỵ. Bác sĩ khuyến cáo cộng đồng cần chủ động giữ ấm cơ thể để tránh nguy hiểm đến sức khỏe.

Thức giấc vào lúc 3 giờ sáng, ông N.V.Đ. (61 tuổi, ngụ tại huyện Củ Chi, TPHCM) rơi vào tình trạng yếu liệt nửa người, méo miệng . Bệnh nhân được chuyển đến một bệnh viện trên địa bàn huyện cấp cứu. Ngày 8/1, qua thăm khám, chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ xác định bệnh nhân đã bị đột quỵ.

Một trường hợp khác là bà P.T.N. (61 tuổi, ngụ tại huyện Củ Chi) nhập viện cấp cứu vào lúc 6 giờ sáng cùng ngày. Trước đó, khi thức giấc và trở mình để xuống giường, bà N. phát hiện nửa người bên trái bị yếu liệt, méo miệng, nói khó. Bà N. được gia đình đưa vào bệnh viện cấp cứu và được chẩn đoán bị đột quỵ.

 Hình ảnh kiểm tra xác định vị trí mạch máu não của bà N. bị tắc khiến bệnh nhân bị đột quỵ

Hình ảnh kiểm tra xác định vị trí mạch máu não của bà N. bị tắc khiến bệnh nhân bị đột quỵ

Trên kết quả chụp MRI của 2 bệnh nhân, các bác sĩ xác định người bệnh đều bị tắc mạch máu não do cục máu đông gây ra. Sau khi hội chẩn, ê kíp bác sĩ xác định cả hai bệnh nhân đang còn trong thời gian vàng cấp cứu đột quỵ nên đã chỉ định điều trị bằng thuốc tiêu huyết khối nhằm tái thông lại mạch máu đang tắc nghẽn.

Ngay sau khi bơm thuốc, sức cơ của cả hai bệnh nhân đều cải thiện rõ rệt. Các cục huyết khối gây tắc nghẽn mạch máu não đã tiêu. Sau điều trị, sức cơ của cả 2 bệnh nhân đã phục hồi gần như hoàn toàn.

 Sau khi được sử dụng thuốc tiêu sợi huyết, sức khỏe của ông Đ. đã bình phục tốt

Sau khi được sử dụng thuốc tiêu sợi huyết, sức khỏe của ông Đ. đã bình phục tốt

Từ hai trường hợp nêu trên, các bác sĩ cảnh báo, đột quỵ có thể xảy ra ở mọi thời điểm, tuy nhiên bệnh thường tăng cao khi trời lạnh. Nguyên nhân của thực trạng trên là do cơ thể sẽ có phản ứng co mạch toàn thân khi nhiệt độ xuống thấp khiến lưu lượng máu dồn về những cơ quan quan trọng như não, tim, nguy cơ hình thành các cục máu đông gây nhồi máu não. Nếu bệnh nhân kèm theo túi phình mạch máu não hay có những mạch máu yếu thì nguy cơ vỡ mạch máu dẫn đến xuất huyết mạch máu não ở mức cao.

Đặc biệt, những người có bệnh lý nền như tăng huyết áp, khi mạch máu co lại sẽ tăng áp lực lên tim. Do đó sẽ khó kiểm soát huyết áp hơn trong mùa lạnh. Trời về sáng, tim đập nhiều hơn, huyết áp tăng cao hơn, nếu bệnh nhân thay đổi tư thế đột ngột, đi vệ sinh trong tình trạng chưa tỉnh táo hoàn toàn rất có nguy cơ xảy ra đột quỵ.

Để tránh nguy cơ đột quỵ vào mùa lạnh, bác sĩ khuyến cáo cộng đồng cần kiểm soát tốt các bệnh lý nền, ăn uống đủ dinh dưỡng, tăng cường vận động thể lực, giữ ấm cơ thể… Buổi sáng thức dậy không nên ra khỏi chăn và xuống giường quá đột ngột, cần có vài động tác thể dục để cơ thể thích ứng với điều kiện bên ngoài.

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/canh-bao-dot-quy-khi-thuc-giac-trong-thoi-tiet-lanh-172250109182509992.htm
Zalo