Dân cắm trại mách nước cách cứu ắc-quy hết điện, yên tâm lái xe du xuân

Nếu ngay trước khi khởi hành cho chuyến đi về quê ăn Tết hay du xuân, bạn phát hiện xe không thể đề nổ do hết sạch điện ắc-quy, lại không có thiết bị cứu hộ thì quả là nan giải.

Khi Tết đến gần, rất nhiều người có kế hoạch lái xe về quê để đoàn tụ cùng gia đình. Tuy nhiên, một nguy cơ thường gặp phải khi lái xe trong dịp này là ắc-quy ô tô bị "chết" (không hoạt động, hết điện lưu trữ) trước khi khởi hành hoặc trên chặng nghỉ giữa đường.

Điều này không chỉ gây phiền toái mà còn có thể ảnh hưởng đến kế hoạch di chuyển của gia đình. Nguyên nhân chính của tình trạng này thường xuất phát từ việc bảo dưỡng ắc-quy kém, xe ít được sử dụng và môi trường đỗ xe không lý tưởng gây ra tiêu hao năng lượng.

Để khắc phục khi ắc-quy "chết" hoặc yếu điện, biện pháp thường thấy là "câu" điện từ bình ắc-quy mới hoặc từ một chiếc ô tô khác đang hoạt động bình thường. An toàn hơn, có thể đem ắc-quy đi sạc điện đầy trở lại hoặc thay bình mới.

Tuy nhiên, nếu sự cố về ắc-quy xảy ra ở nơi vắng vẻ hoặc thiếu phương tiện hỗ trợ, thiếu đồ câu điện thì đúng là nan giải. Thậm chí nhiều trường hợp ắc-quy đến giai đoạn tuổi thọ kém, sau khi được kích nổ, dừng xe tắt máy cũng hết sạch điện. Để chủ động "cứu hộ" ắc-quy trong hành trình dài, dưới đây là một "combo" đồ dùng cực kỳ hữu ích mà bạn có thể tham khảo.

Combo cứu hộ ắc-quy khiến tài xế hoàn toàn yên tâm

Anh Nguyễn Thanh Sơn (Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội) là một tín đồ cắm trại nên đã sắm khá nhiều đồ đạc liên quan đến thú chơi này cũng như trang bị tiện ích cho chiếc ô tô của gia đình. Vì dùng ô tô đã lâu nên việc cấp cứu khi ắc-quy hết điện với anh Sơn không hề xa lạ. Cũng từ đó, anh Sơn tạo thói quen sắm đủ và lúc nào cũng mang theo combo cứu hộ ắc-quy gồm: Trạm sạc công suất 600W, bộ sạc ắc-quy tự động và một ổ cắm điện kéo dài.

Bộ combo luôn có sẵn trên xe ô tô của anh Sơn.

Bộ combo luôn có sẵn trên xe ô tô của anh Sơn.

"Khi phát hiện xe không thể khởi động thông qua các đèn trên bảng tap-lô hiển thị ánh sáng yếu, tôi sẽ mở khoang máy và cắm hai đầu kẹp điện của thiết bị sạc ắc-quy tự động. Lúc này, lượng điện còn lại ít ỏi trong ắc-quy sẽ vẫn làm đồng hồ thiết bị sạc bật sáng và hiển thị thông số dòng điện, tình trạng năng lượng lưu trữ theo thang điểm từ 0% đến 100%. Thông thường, đa số ắc-quy ô tô đã sạc đầy khi hiệu điện thế ở mức 12,4-12,6V. Nếu điện áp của ắc-quy giảm xuống dưới mức này, xe sẽ khó khởi động hoặc không khởi động được. Khi đó, chỉ cần cắm bộ sạc ắc-quy tự động trực tiếp vào nguồn điện gia đình và chờ nạp bình đầy trở lại", anh Sơn chia sẻ kinh nghiệm.

Cũng theo anh Sơn, trong trường hợp ở nơi hoang vắng, không có điện dân dụng hay xe ô tô khác để nhờ câu bình thì trạm sạc di động 600W sẽ đóng vai trò nguồn phát điện để bộ sạc hoàn thành nhiệm vụ. Chỉ cần đợi khoảng 30 phút là có thể đề nổ bình thường.

Thiết bị sạc tự động còn đóng vai trò là đồng hồ đo mức năng lượng còn lại trong ắc-quy.

Thiết bị sạc tự động còn đóng vai trò là đồng hồ đo mức năng lượng còn lại trong ắc-quy.

Bộ sạc di động 600W được anh Sơn mua với giá gần 5 triệu đồng, phục vụ cho việc dùng các thiết bị điện như quạt, máy tính, nồi cơm điện,... khi đi cắm trại. Bộ sạc ắc-quy tự động có giá khoảng 300 ngàn đồng, cộng thêm một ổ cắm điện kéo dài để dễ thao tác. Tổng chi phí chưa đến 6 triệu đồng nhưng cực kỳ đa dụng cho những chuyến đi dài.

Trường hợp muốn tiết kiệm hơn, anh Sơn gợi ý có thể mua một ắc-quy ô tô loại dung lượng 60AH giá từ 1,5 triệu đồng, nhưng sẽ phải mua thêm một bộ chuyển đổi nguồn điện (Inverter) từ 12V sang 220V, giá khoảng 500 ngàn đồng.

Lưu ý, quá trình sạc điện trực tiếp cho ắc-quy ô tô mà không tháo các đầu cực cần bố trí thiết bị ở vị trí thông thoáng, không bó hay làm kẹt dây dẫn, xung quanh bình ắc-quy sạch sẽ không vướng bẩn xăng dầu để phòng nguy cơ hỏa hoạn.

Trạm sạc di động giúp bộ sạc ắc-quy hoạt động bất kỳ ở đâu mà không cần nguồn điện dân dụng.

Trạm sạc di động giúp bộ sạc ắc-quy hoạt động bất kỳ ở đâu mà không cần nguồn điện dân dụng.

Chăm sóc ắc-quy đúng cách để dùng lâu dài, ổn định

Việc bảo dưỡng ắc-quy không đúng cách là nguyên nhân phổ biến dẫn đến sự cố "chết", ngừng hoạt động. Nhiều người thường chỉ chú ý đến động cơ mà quên mất rằng ắc quy cũng cần được kiểm tra và bảo dưỡng định kỳ. Trung bình, ắc-quy ô tô có tuổi thọ khoảng từ 3 đến 5 năm, nhưng nếu thường xuyên để bộ phận này "đói" điện, tự tiêu hao năng lượng sẽ dẫn đến thời gian sử dụng ngắn.

Xe ít được sử dụng, lâu không vận hành, dễ dẫn đến việc ắc-quy bị xả hết điện do quá trình tự tiêu hao. Khi xe đột ngột được sử dụng thường xuyên như trong dịp Tết, ắc-quy có thể không đáp ứng được nhu cầu năng lượng. Để khắc phục, người dùng nên chạy xe hoặc khởi động từ 30 phút đến 1 tiếng, ít nhất một lần trong tuần, hoặc sử dụng các thiết bị sạc bù để duy trì dòng điện trong ắc-quy.

Bên cạnh đó, các vấn đề như oxy hóa, tiếp xúc kém ở các cực ắc quy, hoặc chất lỏng trong ắc quy không đủ đều có thể gây ra tình trạng không đủ năng lượng để khởi động xe. Để tránh tình trạng này, chủ xe nên thường xuyên kiểm tra ắc quy, làm sạch các cực và đảm bảo mức chất lỏng phù hợp (nếu là ắc-quy ướt).

Cuối cùng, môi trường đỗ xe không tốt cũng ảnh hưởng đáng kể đến tuổi thọ của ắc-quy. Nếu xe thường xuyên phải đậu ngoài trời, chịu tác động trực tiếp của thời tiết khắc nghiệt như nắng nóng, độ ẩm cao hay nhiệt độ quá thấp, ắc-quy sẽ dễ suy giảm chất lượng. Nếu có thể, hãy đỗ xe trong nhà hoặc tại những nơi có mái che, thông thoáng. Điều này không chỉ bảo vệ ắc quy mà còn giúp toàn bộ chiếc xe bền bỉ hơn.

Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

Đình Quý

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dan-cam-trai-mach-nuoc-cach-cuu-ac-quy-het-dien-yen-tam-lai-xe-du-xuan-2366503.html
Zalo