Phát hiện con trai dạo gần đây luôn trong tình trạng bơ phờ, mệt mỏi, câu nói của hàng xóm khiến tôi chết lặng

Nhờ hàng xóm mà tôi biết được sự thật đau lòng.

Là bố mẹ, nuôi dạy được một đứa trẻ ngoan và hiểu chuyện quả thực là một niềm hạnh phúc không có gì sánh bằng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, sự hiểu chuyện của con sẽ khiến chính con bị tổn thương, còn người làm bố làm mẹ thì đau lòng.

Tôi có một cậu con trai đang học lớp 3, và một cô con gái 2 tuổi. Mỗi lần ai đó hỏi về các con, tôi luôn tự hào vì tụi nhỏ được bố mẹ nuôi dạy bằng tình yêu thương, sự chăm sóc chu toàn nên dù còn nhỏ nhưng đứa nào cũng vừa ngoan, vừa giàu tình cảm.

Nhà ngoài 4 người ra, tôi còn thuê một cô bảo mẫu để hỗ trợ chăm các bé, như vậy thì bản thân cũng có thể đi làm kiếm tiền, thay vì chỉ quanh quẩn ở nhà. Tuy có bảo mẫu, nhưng tôi và chồng vẫn cố gắng sắp xếp thời gian mỗi ngày cho con, chứ không phụ thuộc hoàn toàn vào chị ấy.

Ảnh minh họa

Một tuần nay, bảo mẫu xin nghỉ phép về quê chăm mẹ bệnh, bình thường việc nấu nướng cho bọn trẻ sẽ do một tay chị đảm nhiệm vì phải công nhận là chị ấy nấu ăn rất ngon. Vắng chị, tôi tự mình lăn vào bếp, nhưng nào ngờ con trai lại không thích đồ ăn mẹ nấu nên sáng nào đi học cũng xin tiền qua quán bún phở nhà hàng xóm ăn.

Mặc dù biết ăn ngoài nhiều không tốt cho con, tuy nhiên vì bản thân dạo gần đây cũng công việc ê hề nên tôi đành “nhắm mắt làm ngơ” chiều theo ý thằng bé. Nhưng rồi mấy ngày nay tôi chợt phát hiện ra con trai luôn trong tình trạng bơ phờ, mệt mỏi, thậm chí còn nghe cô giáo ở lớp báo rằng sáng nay đi học con suýt ngất khiến tôi vô cùng hoang mang.

Để tìm hiểu vấn đề, tôi đã tâm sự với con nhưng đứa trẻ cứ lắc đầu bảo không sao, mẹ đừng lo. Cho đến khi tình cờ gặp người hàng xóm cạnh nhà, anh ấy hỏi một câu nào ngờ sự thật về con trai mới dần bại lộ. Hóa ra, mấy ngày liền ngày nào con trai cũng xin tiền mẹ qua nhà hàng xóm ăn sáng nhưng đứa trẻ lại không ăn mà nhịn đói đi học.

Ảnh minh họa

Biết chuyện, tôi không giữ được bình tĩnh liền hỏi tội con. Lúc này, đứa trẻ mới thành thật khai rằng, con không ăn sáng vì muốn tiết kiệm tiền để cùng nhóm bạn trong lớp ủng hộ cho những gia đình bị thiệt hại do bão Yagi. Nghe con nói, tôi cực kỳ sốc và ngạc nhiên. Tôi đã hỏi thằng bé ở đâu con biết điều này, thì đứa trẻ buồn rầu đáp là do nó và các bạn nghe thấy trên tivi.

Cuộc trò chuyện với con trai đến đây bắt đầu nghẹn lại, tôi đã không kìm nén được cảm xúc liền ôm con bật khóc. Tôi cứ nghĩ con còn nhỏ nên sẽ không hiểu, vả lại lớn lên trong đầy đủ, chưa từng thấy cảnh bão lũ thì chắc con sẽ chả biết nó như thế nào, nhưng tôi đã hoàn toàn sai. Một đứa trẻ mới 8 tuổi thôi, vậy mà con lại hiểu chuyện đến đau lòng, con đã biết hy sinh bản thân cho người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, con biết yêu thương và sẻ chia. Dù tôi vô cùng xót khi con làm chuyện có hại cho bản thân, nhưng không khỏi tự hào vì con đã dần khôn lớn trong hình hài của một công dân tốt, và mẹ tin rằng trong tương lai, con sẽ là người có ích cho gia đình và cho đất nước của mình.

Tâm sự từ độc giả bichnhung…@gmail.com

Tại sao bố mẹ cần dạy con về lòng nhân ái, biết yêu thương và giúp đỡ người khác?

Việc bố mẹ dạy con biết sẻ chia và giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn không chỉ đơn thuần là một bài học về lòng nhân ái, mà còn là hành trình nuôi dưỡng tâm hồn và trái tim của trẻ. Khi trẻ được hướng dẫn để nhìn nhận những nỗi đau và khó khăn của người khác, chúng sẽ dần cảm nhận được giá trị của sự đồng cảm và lòng trắc ẩn. Điều này không chỉ giúp trẻ hiểu rằng cuộc sống không phải lúc nào cũng công bằng, mà còn làm cho chúng biết trân trọng những gì mình đang có.

Tham gia vào các hoạt động thiện nguyện, từ việc tặng quà cho trẻ em nghèo đến việc hỗ trợ người già neo đơn, sẽ để lại trong tâm trí trẻ những dấu ấn khó phai. Những khoảnh khắc khi trẻ thấy ánh mắt biết ơn của người nhận, hay tiếng cười hạnh phúc của những đứa trẻ kém may mắn, sẽ khắc sâu vào tâm hồn chúng như những bài học quý giá về hạnh phúc. Trẻ sẽ nhận ra rằng, đôi khi, niềm vui lớn nhất không đến từ việc nhận, mà từ việc cho đi.

Hơn nữa, việc dạy trẻ sẻ chia còn giúp chúng xây dựng những mối quan hệ đẹp đẽ với bạn bè và cộng đồng. Khi trẻ cùng nhau tham gia vào những hành động ý nghĩa, chúng không chỉ tạo ra những kỷ niệm đáng nhớ mà còn kết nối với những người có cùng tấm lòng. Những tình bạn đó sẽ trở thành nguồn động lực mạnh mẽ, khuyến khích trẻ tiếp tục mở rộng trái tim và bàn tay của mình cho những hoàn cảnh khó khăn.

Những bài học về sẻ chia và giúp đỡ người khác sẽ hình thành nên những công dân có trách nhiệm và đầy tình yêu thương trong tương lai. Trẻ sẽ hiểu rằng mỗi hành động nhỏ, dù là tặng một món quà hay chỉ đơn giản là lắng nghe ai đó, đều có thể tạo nên sự khác biệt lớn lao trong cuộc đời của người khác. Từ đó, chúng sẽ trưởng thành với trái tim rộng mở, luôn sẵn sàng lan tỏa yêu thương và hy vọng, góp phần làm cho thế giới này trở nên tươi đẹp hơn.

Nguồn Góc nhìn pháp lý: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/phat-hien-con-trai-dao-gan-day-luon-trong-tinh-trang-bo-pho-met-moi-cau-noi-cua-hang-xom-khien-toi-chet-lang-9832.html
Zalo