Cẩn trọng với biến chứng từ cúm mùa
Tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi trung ương, trung bình mỗi ngày có khoảng 10 ca mắc cúm biến chứng nặng phải điều trị, chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi với hai chủng cúm A và Cúm B.
Đáng chú ý, khoảng 30-45% trẻ mắc bệnh vào điều trị khi có các biến chứng như viêm phổi, viêm phế quản, thậm chí xuất hiện một số biến chứng hiếm gặp trong đợt dịch này. Chỉ tính riêng tại Hà Nội, số trẻ mắc cúm trong tháng 1/2025 là khoảng 825 trẻ.
Tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, có một bệnh nhân 58 tuổi mắc cúm A nặng. Trước đó, ông bị ho, sốt, tự mua thuốc uống. Đến lúc không đỡ mới vào viện, xét nghiệm cho kết quả bị cúm A. Sau đó bệnh diễn biến nặng nhanh, khó thở tăng. Lúc được chuyển từ Tuyên Quang vào bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương thì phổi đã tổn thương gần như toàn bộ, sốc nhiễm khuẩn, suy thận. Dù thở máy, lọc máu nhưng vẫn suy hô hấp nặng nên bệnh nhân được chỉ định đặt ECMO.
Cũng chỉ từ cảm cúm mùa bình thường với biểu hiện sốt cao và ho, một em bé khi được đưa đến bệnh viện tuyến huyện đã trở bệnh nặng và phải chuyển lên tuyến trung ương.
Anh Nguyễn Văn Vĩnh, thành phố Hải Dương, người nhà cháu bé, chia sẻ: "Lúc đầu, cháu chỉ điều trị cúm tại bệnh viện tuyến huyện thôi, nhưng trong quá trình điều trị tại đây cháu bị nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng nên chân bị sưng phù. Các bác sĩ ở đây không tìm ra nguyên nhân, bệnh ngày càng nặng hơn nên gia đình đưa cháu lên bệnh viện Trung ương".
Sau khi sốt nhiều ngày không hạ, kèm thêm biếng ăn và quấy khóc, gia đình của một em bé 18 tháng tuổi mới quyết định đưa bé vào điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương.Vào đây, bé bị chẩn đoán mắc cúm A đã có biến chứng viêm phổi.
Chị Nguyễn Hồng Ngọc, trú tại huyện Hoài Đức, là mẹ của bé, cho biết: "Ở nhà cháu có sốt, có thời điểm sốt cao 39,5 độ, gia đình lo lắng cho vào viện, lúc mới vào test chưa lên cúm, nhưng ngày hôm sau thì dương tính với cúm A. Lúc này cháu đã có biểu hiện thở khó, viêm phổi".
TS.BS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết: "Miền Bắc hiện nay lưu hành cả hai chủng cúm A và Cúm B, nhưng năm nay thì số cúm A nhiều hơn. Biểu hiện lâm sàng của cúm A và cúm B trong thời gian gần đây có nhiều biến chứng khác so với trước. Đáng chú ý là một số biến chứng hiếm gặp như viêm não sau cúm hoặc tắc mạch não. Ngoài ra, những biến chứng thường gặp vẫn là viêm phổi và viêm phế quản".
Các bác sĩ khuyến cáo khi thấy người bệnh có những biểu hiện bất thường về sức khỏe như sốt cao li bì, khó thở, thở nhanh thì cần đưa tới các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh tự ý mua thuốc điều trị dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Biện pháp quan trọng nhất để phòng cúm là tiêm vắc xin phòng bệnh theo đúng lịch.