Quảng Nam: Đã kiểm soát, dập tắt dịch sốt phát ban nghi do sởi ở Nam Trà My
Những ngày qua trên địa bàn huyện Nam Trà My tỉnh Quảng Nam đã bùng phát dịch sốt phát ban nghi do sởi, sáng ngày 10/2 phóng viên Đại Đoàn Kết Online đã có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam về tình hình dịch bệnh này.
![Tiến sĩ Mai Văn Mười](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_113_51438766/2717b20d8943601d3952.jpg)
Tiến sĩ Mai Văn Mười
Phóng viên: Thưa Tiến sĩ, nguyên nhân nào xảy ra dịch sốt phát ban nghi do sởi?
Tiến sĩ Mai Văn Mười: Trước hết phải nói rằng, virus sởi có tốc độ lây rất nhanh, hơn 90% người chưa tiêm chủng hoặc chưa từng mắc bệnh chắc chắn sẽ nhiễm bệnh khi tiếp xúc với mầm bệnh. Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, trẻ có bệnh nền và hệ miễn dịch suy yếu, sẽ có nguy cơ nhiễm sởi cao hơn.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh sởi xảy ra là do “lỗ hổng vacxin” ở trẻ nhỏ trong suốt thời gian xảy ra dịch Covid-19 trẻ đã không được tiêm chủng đầy đủ vacxin sởi; đồng thời việc thiếu vacxin nhiều tháng trong năm 2023 đã gây ảnh hưởng ít nhiều đến tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ. Virus sởi chủ yếu tấn công vào nhóm trẻ chưa được chủng ngừa vacxin hoặc đã tiêm phòng nhưng không đủ liều, từ đó lây lan cho các nhóm đối tượng có hệ miễn dịch kém khác.
Đồng thời, huyện Nam Trà My là huyện miền núi cao, chủ yếu là người đồng bào các dân tộc thiểu số, nhiều người còn khó khăn; đâu đó người dân vẫn còn phong tục, tập quán lạc hậu như cúng bái khi ốm đau; việc tiêm chủng và chăm sóc y tế đối với các xã trên địa bàn là thách thức với ngành y tế trong nhiều năm qua.
![Bác sĩ của CDC Quảng Nam thăm khám cho bệnh nhân bị sởi tại xã Trà Leng, Nam Trà My.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_113_51438766/d5e876f24dbca4e2fdad.jpg)
Bác sĩ của CDC Quảng Nam thăm khám cho bệnh nhân bị sởi tại xã Trà Leng, Nam Trà My.
Tình hình dịch sốt phát ban nghi sởi ở Nam Trà My hiện nay như thế nào?
Theo báo cáo của Trung tâm y tế (TTYT) huyện Nam Trà My, trong dịp Tết Nguyên Đán Ất Tỵ, đã có 43 trẻ (sinh từ 2013 - 2024) có triệu chứng sốt phát ban được tiếp nhận điều trị. Trước diễn biến của dịch, được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Y tế, UBND tỉnh và sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các UBND huyện, xã, các ban, ngành, đoàn thể; ngành y tế đã tập trung phối hợp triển khai lập tức các biện pháp phòng, chống dịch bệnh này.
Cụ thể, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh và các đơn vị kiện toàn, kích hoạt lập tức hệ thống phòng chống dịch; đội cơ động phản ứng nhanh của CDC khẩn trương hỗ trợ cho huyện Nam Trà My, thường trực tại xã Trà Leng và các xã lân cận, phối hợp với chính quyền xã, ngành giáo dục, chỉ đạo trạm y tế (TYT) xã chủ động nắm bắt tình hình tận thôn nóc, kịp thời phát hiện trẻ ốm để vận động gia đình đưa trẻ ra TYT cách ly, điều trị; khoanh vùng kịp thời, không để lây ra các địa phương khác.
Cùng với đó, sẵn sàng tiếp nhận, thực hiện tốt công tác thu dung người bệnh sởi theo đúng phác đồ của Bộ Y tế; cách ly điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong. Phối hợp với các đơn vị dự phòng lấy mẫu xét nghiệm; Thực hiện nghiêm quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo và xảy ra các ổ dịch sởi tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Tăng cường tuyên truyền, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời về tình hình, các biện pháp phòng, chống bệnh sởi; Rà soát, điều tiết, cấp bổ sung Vitamin A liều cao cho TTYT huyện và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đang điều trị bệnh nhân sởi, sốt phát ban nghi sởi.
Cùng với đó, khẩn trương rà soát đối tượng, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những trẻ chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vacxin phòng bệnh sởi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR), đặc biệt là những nơi có nguy cơ xảy ra bệnh sởi hoặc nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp, vùng khó khăn…; triển khai TCMR thường xuyên cho trẻ thuộc đảm bảo an toàn, hiệu quả, không để tình trạng “trắng về tiêm chủng” trên quy mô thôn, bản, nóc;
TTYT huyện và UBND xã Trà Leng đã vận dụng các nguồn quan tâm chế độ dinh dưỡng, chăm sóc cho trẻ bị ốm; hằng ngày tổ chức nấu cháo dinh dưỡng, sữa cho trẻ được ăn uống đầy đủ, đảm bảo dinh dưỡng, giúp trẻ hồi phục nhanh hơn. UBND huyện chỉ đạo các ngành phối hợp TTYT trong việc đảm bảo chế độ ăn uống, dinh dưỡng cho trẻ ốm và người nhà chăm sóc trẻ. Tuyên truyền ổn định dư luận, tránh tâm lý hoang mang trong nhân dân.
Do được triển khai chống dịch nhanh chóng, kịp thời, đến hôm nay (10/2) số ca sốt phát ban được điều trị tại TTYT huyện Nam Trà My và TYT Trà Leng đã ổn định và xuất viện, chỉ còn vài trường hợp bệnh nhân ở lại để nhân viên y tế chăm sóc và điều trị thêm các bệnh lý đi kèm.
![Các bác sĩ điều trị bệnh nhân bị sởi tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_113_51438766/267c8366b82851760839.jpg)
Các bác sĩ điều trị bệnh nhân bị sởi tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My.
Qua sự việc lần này Tiến sĩ có đưa ra lời khuyên hay cảnh báo gì liên quan đến dịch sốt phát ban nghi do sởi?
Chúng tôi khuyến cáo đối với người dân cần thực hiện là chủ động thực hiện tiêm chủng vacxin có thành phần sởi đầy đủ và đúng lịch. Cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ hai mũi theo khuyến cáo của ngành y tế: mũi 1 lúc trẻ 9 tháng tuổi và mũi 2 lúc trẻ 18 tháng tuổi. Nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng việc ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung hợp lý các vitamin và chất khoáng, đặc biệt là vitamin A.
Cùng với đó, thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày. Không cho trẻ em dùng chung vật dụng cá nhân (khăn mặt, bàn chải, kính, cốc, chén, bát, đũa ...), đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng. Làm sạch đồ chơi, đồ vật bị nghi ngờ ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch.
Phải lau sàn nhà, nắm đấm cửa, mặt bàn, ghế, khu vệ sinh chung… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường từ 1 - 2 lần/ngày. Thường xuyên mở cửa để ánh nắng chiếu vào và đảm bảo thông khí thoáng cho nhà ở, phòng học, nơi làm việc… Hạn chế tiếp xúc với người mắc hoặc người nghi mắc bệnh, khi phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân.
Khi có các dấu hiệu của bệnh sởi như sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời.