Giá thuốc Tamiflu thất thường, nhiều nhà thuốc ngừng bán từ lâu

Thời gian gần đây, thông tin về việc ghi nhận số ca mắc cúm tăng khiến giá thuốc Tamiflu - thuốc điều trị bệnh cúm - cũng tăng theo.

Tại nhiều nhà thuốc ở Hà Nội, giá thuốc Tamiflu khác nhau, có nơi không nhập được vì khan hiếm nguồn cung.

Giá thuốc Tamiflu tăng từ trước Tết

Ghi nhận tại một nhà thuốc trên đường Nguyễn Xiển (Thanh Xuân, Hà Nội), giá thuốc Tamiflu hiện có giá 65.000 đồng/viên. Dược sĩ tư vấn thuốc chỉ dành cho người mắc bệnh cúm A hoặc B, giúp giảm các triệu chứng cúm như sốt, ớn lạnh, đau nhức cơ thể, ho, đau họng… ngăn chặn virus sinh sôi trong cơ thể.

“Từ trước Tết khoảng 2 tuần, giá thuốc cửa hàng nhập vào đã tăng. Trước đó, chúng tôi bán với giá 55.000 đồng/viên thuốc Tamiflu”, dược sĩ của cửa hàng nói.

Bên cạnh đó, người này cũng tư vấn cần xác định rõ loại cúm mắc phải là gì, nếu chỉ là cúm thường thì có thể dùng các loại thuốc khác có giá rẻ hơn như Tiffy, Epofluden…

“Không phải bệnh nhân nào bị cúm cũng dùng thuốc Tamiflu. Những trường hợp mắc cúm nếu nhẹ thì không cần thiết phải uống thuốc này mà bệnh sẽ tự khỏi. Hơn thế, việc dùng thuốc Tamiflu chỉ có tác dụng nếu chẩn đoán phát hiện cúm sớm trong 48 giờ đầu, theo chỉ định của bác sĩ. Sau 48 giờ, bệnh nhân cúm chủ yếu được điều trị hạ sốt và chăm sóc để phòng biến chứng”, dược sĩ nói thêm.

 Giá thuốc Tamiflu tăng trong thời gian gần đây. Ảnh: TT

Giá thuốc Tamiflu tăng trong thời gian gần đây. Ảnh: TT

Trong khi đó, tại một nhà thuốc ở phường Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội), thuốc Tamiflu chưa bao giờ có giá 55.000 đồng/viên.

Theo chị Hằng, dược sĩ của nhà thuốc, hiện thuốc được bán với giá 65.000 đồng/viên bắt đầu từ sau Tết, tăng 5.000 đồng so với trước đó.

“Giá tăng bởi giá hàng nhập vào cũng tăng, thường là vào dịp này khi mà thời tiết thuận lợi đối với các tác nhân gây bệnh cúm, hô hấp”, chị Hằng nói.

Chị Hằng cũng cho biết khoảng 1 tuần trở lại đây, lượng người đến mua thuốc Tamiflu có tăng, chủ yếu để trị các triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, thở khò khè. Tuy nhiên, nếu sau khi sử dụng kit xét nghiệm tại quầy không cho kết quả dương tính với cúm A hoặc cúm B, nhà thuốc sẽ không bán Tamiflu cho khách.

“Đây là thuốc để điều trị chứ không phải để phòng bệnh, do đó chúng tôi chỉ bán khi người bệnh được xác định dương tính với cúm A, cúm B hoặc có đơn chỉ định của bác sĩ.

Mỗi lần bán, chúng tôi cũng chỉ kê đủ để người bệnh dùng thuốc trong 2-3 ngày, bởi liều như vậy là đã đủ để giảm các triệu chứng, chứ không bán nhiều để người dân tích trữ”, chị Hằng khẳng định.

Cũng theo dược sĩ này, thời điểm thuốc Tamiflu có giá cao nhất là 70.000 đồng/viên, tức 700.000 đồng/hộp/10 viên. Quá mức giá này, cửa hàng sẽ không nhập.

“Nếu giá thuốc nhập vào quá đắt chúng tôi sẽ ngừng nhập. Vì nếu bán ra với giá quá cao sẽ dễ gây hiểu nhầm, bị người dân phản ánh”, dược sĩ Hằng giải thích.

Còn tại nhiều nhà thuốc trên đường Thái Hà (Đống Đa, Hà Nội), các chủ nhà thuốc cho biết đã ngừng bán Tamiflu từ lâu vì không có nguồn nhập, hàng khan hiếm, giá cả thất thường.

“Khi nào giá cả bình ổn lại thì tôi cũng không rõ vì từ trước Tết đã bắt đầu có tình trạng tăng giá chứ không phải chỉ mới đây”, một chủ nhà thuốc thông tin.

Cá nhân tăng giá thuốc bị phạt tới 80 triệu đồng

Website của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) công khai giá bán buôn dự kiến thuốc Tamiflu viên nang cứng (75mg), hộp một vỉ gồm 10 viên là 44.877 đồng/viên, tương đương gần 450.000 đồng/hộp.

Ngày 10-2, đại diện Cục Quản lý Dược cũng cho biết các thuốc chứa hoạt chất Oseltamivir (có trong Tamiflu) hiện vẫn đảm bảo về nguồn cung.

Đối với thuốc Tamiflu, theo thông tin từ công ty nhập khẩu, hiện số lượng thuốc tồn kho là hơn 10.000 hộp. Sắp tới, công ty sẽ nhập thêm khoảng 50.000 hộp.

Đồng thời, trong nước cũng sản xuất và cung ứng thuốc chứa Oseltamivir, hiện đang có trên 300.000 viên, giá bán buôn giữ nguyên.

Theo đại diện Cục Quản lý Dược, các hành vi lợi dụng, tăng giá bán nhằm trục lợi sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 87/2024/NĐ-CP với số tiền phạt từ 50-80 triệu đồng với cá nhân. Đối với tổ chức, mức phạt tăng gấp đôi.

Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm này còn bị buộc phải khắc phục hậu quả, cụ thể là phải trả lại cho khách hàng số tiền đã thu lợi từ hành vi vi phạm hành chính.

Tamiflu không phải "thần dược trị cúm"

Theo PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai, bệnh cúm hay còn gọi là cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan qua đường hô hấp, ghi nhận các trường hợp mắc quanh năm, với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho.

Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, lây nhanh qua đường hô hấp thông qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc.

Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng virus cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C.

 Bệnh nhân mắc cúm A đang điều trị nội trú tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân mắc cúm A đang điều trị nội trú tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BVCC

Cũng theo bác sĩ Dũng, vào mùa đông hay giao mùa đông xuân, thời tiết thay đổi thất thường là điều kiện thuận lợi cho các virus đường hô hấp, trong đó có virus cúm phát triển, khiến số bệnh nhân mắc cúm gia tăng.

"Việc thay đổi thời tiết khiến sức đề kháng cơ thể mỗi người, nhất là trẻ em giảm xuống… tạo điều kiện thuận lợi cho virus cúm dễ dàng lan truyền. Đáng lo ngại, số bệnh nhân mắc cúm tăng cao cũng khiến cho thuốc Tamiflu khan hiếm và tăng giá”, bác sĩ Dũng nhận định.

Trước tình trạng người dân đổ xô đi mua thuốc Tamiflu, bác sĩ Dũng cho biết, 80-90% các trường hợp mắc cúm là ở thể nhẹ, có thể tự khỏi. Những trường hợp sốt cao kéo dài, liên tục, tổn thương phổi thì mới cần nhập viện điều trị, và không phải bệnh nhân nào bị cúm cũng dùng thuốc Tamiflu.

Bác sĩ Dũng lý giải: Tamiflu là thuốc kháng virus, nhưng không giống với hầu hết kháng sinh, nó không có khả năng tiêu diệt virus cúm. Bởi đây là thuốc ức chế men neurominidase của virus cúm. Virus cúm sau khi xâm nhập vào cơ thể, đi vào tế bào và nhân đôi, sau đó men này sẽ giúp virus cúm tách ra, rời khỏi tế bào chủ và đi tìm tế bào mới.

Thuốc Tamiflu ức chế sự nhân lên của virus này, làm giảm sự phát tán của virus cúm trong cơ thể.

"Những trường hợp mắc cúm nhẹ không cần thiết phải uống thuốc Tamiflu, bệnh sẽ tự khỏi. Thời điểm này, người dân cần hiểu đúng về thuốc Tamiflu, tránh mất tiền oan mua thuốc này vì lời đồn đây là "thần dược trị cúm"”, ông Dũng nhấn mạnh.

Thời gian gần đây, nhiều bệnh nhân cúm mùa nhập viện với các biến chứng nặng, thường xảy ra trên các bệnh nhân có nhiều bệnh nền như tim mạch, hô hấp, nội tiết, người đang dùng các thuốc ức chế miễn dịch...

Ở trên người khỏe mạnh có hệ miễn dịch tốt thì các biểu hiện cúm thường nhẹ, như sổ mũi, ngạt mũi, hắt hơi, ho, đau người, sốt... Nếu được nghỉ ngơi, giữ ấm, ăn uống đầy đủ và uống thuốc cảm cúm thông thường thì bệnh thường tự khỏi và không phải nhập viện.

Tuy nhiên, ở những người có hệ miễn dịch yếu, mang bệnh nền, bệnh mãn tính hoặc người cao tuổi, virus cúm sẽ tấn công mạnh vào hệ hô hấp và gây ra những biến chứng như viêm phổi, bội nhiễm các vi khuẩn, viêm cơ tim, suy hô hấp nặng, suy đa tạng... có thể phải thở máy, lọc máu, thậm chí có nguy cơ tử vong.

Cần phân biệt rõ triệu chứng cảm lạnh và bệnh cúm. Cụ thể, cảm lạnh (cold) là cơ thể bị nhiễm gió lạnh, mưa lạnh thường gây mệt mỏi qua loa vài ngày tự khỏi.

Trong khi đó, cúm (flu) là một bệnh do tác nhân là virus cúm gây ra các triệu chứng đường hô hấp như ho, sốt, ngạt mũi, hắt hơi, khó thở... và có thể gây biến chứng nguy hiểm cần phải điều trị.

Thuốc kháng virus điều trị cúm là Oseltamivir (Tamiflu) giúp điều trị giảm nhanh triệu chứng, tuy nhiên cần có chỉ định và theo dõi chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa.

PGS.TS ĐỖ DUY CƯỜNG

Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai

THANH THANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/gia-thuoc-tamiflu-that-thuong-nhieu-nha-thuoc-ngung-ban-tu-lau-post833550.html
Zalo