Da vàng như nghệ do tự ý dừng thuốc điều trị viêm gan B
Sau khi tự ý dừng thuốc điều trị viêm gan B, người đàn ông mệt mỏi, vàng da rõ rệt, phù toàn thân, nhận thức chậm dần, đến viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Hai năm trước, người đàn ông 51 tuổi, quê Hải Phòng được chẩn đoán mắc viêm gan B mạn tính và có chỉ định dùng thuốc kháng virus để kiểm soát bệnh. Tuy nhiên, người đàn ông này không tuân thủ điều trị, uống thuốc không đều đặn và đặc biệt tự ý dừng thuốc hơn một tháng trước khi nhập viện.
Sau khoảng 2 tuần ngừng thuốc, anh cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, đầy bụng, sợ dầu mỡ, nhưng chủ quan không đi khám. Đến tuần thứ ba, anh bị vàng da rõ rệt, nước tiểu sậm màu, bụng chướng. Sang đến tuần thứ tư, anh phù toàn thân, xuất huyết dưới da, nhận thức chậm dần và phản ứng kém.
![Dấu hiệu vàng da ở người bệnh rất rõ rệt. (Ảnh: Thanh Đặng)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_83_51438241/a5b727b81cf6f5a8ace7.jpg)
Dấu hiệu vàng da ở người bệnh rất rõ rệt. (Ảnh: Thanh Đặng)
Gia đình đưa anh đến cơ sở y tế trong tình trạng vàng da nặng, tiếp xúc chậm, lờ đờ, có dấu hiệu suy gan tiến triển. Dù bệnh nhân được lọc máu và lọc huyết tương hai lần tại cơ sở y tế trước đó, nhưng tình trạng vẫn không cải thiện. Sau đó, anh được chuyển lên khoa Viêm gan, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để tiếp tục điều trị.
Tại cơ sở y tế tuyến trung ương, anh được chẩn đoán mắc suy gan cấp, xơ gan, viêm gan B mạn tính, hôn mê gan độ 2 và có nguy cơ tiến triển nhanh lên độ 3-4 nếu không kiểm soát kịp thời. Bệnh nhân còn có dấu hiệu suy thận do hội chứng gan-thận.
Theo BSCKII Đới Ngọc Anh, khoa Viêm gan, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, khi bệnh nhân viêm gan B mạn tính tự ý ngừng thuốc, virus có thể tái hoạt động mạnh mẽ, gây viêm gan cấp, làm tổn thương gan nghiêm trọng. Ban đầu, bệnh nhân có thể chỉ cảm thấy mệt mỏi, ăn kém, đầy bụng và vàng da chưa rõ rệt.
Tuy nhiên, sau 2-3 tuần, vàng da và vàng mắt sẽ bắt đầu xuất hiện, nước tiểu sậm màu, bụng chướng do tích tụ dịch ổ bụng. Khi bệnh trở nặng hơn, bệnh nhân có thể phù toàn thân, xuất huyết dưới da, và có dấu hiệu hôn mê gan (bệnh não gan), mất tập trung và dễ lú lẫn.
![Ngoài vàng da, người bệnh còn bị chướng bụng. (Ảnh: Thanh Đặng)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_83_51438241/811d01123a5cd3028a4d.jpg)
Ngoài vàng da, người bệnh còn bị chướng bụng. (Ảnh: Thanh Đặng)
Bệnh hôn mê gan (bệnh não gan) là biến chứng nguy hiểm của suy gan cấp. Khi gan không còn khả năng loại bỏ độc tố, các chất độc tích tụ trong máu gây rối loạn thần kinh. Bệnh này có 4 mức độ, từ lú lẫn nhẹ đến hôn mê sâu. Nếu không kiểm soát kịp thời, bệnh nhân có thể rơi vào hôn mê gan độ 4, suy đa tạng và tử vong. Trong trường hợp này, nếu không đáp ứng điều trị nội khoa, bệnh nhân có thể cần ghép gan để duy trì sự sống.
Viêm gan B là nguyên nhân hàng đầu gây xơ gan và ung thư gan. Nhiều bệnh nhân nghĩ khi dùng thuốc kháng virus, họ sẽ không có nguy cơ mắc ung thư gan, nhưng thực tế, ngay cả khi điều trị, nguy cơ này vẫn tồn tại. Quan trọng nhất là bệnh nhân cần khám định kỳ 3-6 tháng/lần để kiểm soát bệnh và sàng lọc ung thư gan bằng siêu âm và xét nghiệm chuyên sâu. Đặc biệt, khi ngừng thuốc, virus có thể bùng phát nhanh chóng, thúc đẩy quá trình xơ gan và ung thư gan tiến triển nhanh hơn.
Chuyên gia khuyến cáo, việc khám định kỳ giúp phát hiện sớm ung thư gan. Nếu khối u được phát hiện ở giai đoạn đầu, điều trị sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với khi bệnh đã tiến triển nặng. Do đó, mỗi bệnh nhân viêm gan B cần ý thức bảo vệ sức khỏe, tuân thủ phác đồ điều trị và chủ động theo dõi sức khỏe định kỳ, không tự ý dừng thuốc để tránh các biến chứng nguy hiểm và cải thiện chất lượng sống.