Cẩn trọng khi tiếp xúc với hóa chất

Tiếp xúc với hóa chất, nếu không xử lý kịp thời có thể gây tổn thương gan, thận, phổi, não

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thường sử dụng các hóa chất phục vụ sinh hoạt và sản xuất như nước rửa chén, xà phòng giặt đồ, chất tẩy rửa, xà phòng tắm, thuốc trừ sâu... Do đó, ngộ độc hóa chất cũng là một trong những tai nạn thường gặp.

Phải can thiệp nhanh

Ngộ độc hóa chất xảy ra có thể do tự tử nhưng nhiều khi là do uống nhầm, nhất là ở trẻ em.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TP HCM), cho biết tại bệnh viện từng tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ bị ngộ độc hóa chất do uống nhầm. Điển hình, bệnh viện đã tiếp nhận điều trị và cứu sống bé trai (3 tuổi, ngụ Bến Tre) bị tổn thương loét chít hẹp thực quản, loét chít hẹp ở đoạn đầu tá tràng, tổn thương gan nặng... Bé đã được đặt ống thông mũi - thực quản - dạ dày để nuôi ăn, truyền thuốc giải độc... Sau hơn 1 tháng điều trị, sức khỏe bé hồi phục, xét nghiệm không còn độc chất trong máu. Bé được xuất viện nhưng vẫn phải đến tái khám nội soi đường tiêu hóa để kiểm tra.

Một bệnh nhân ngộ độc hóa chất được lọc máu tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP HCM)

Một bệnh nhân ngộ độc hóa chất được lọc máu tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP HCM)

Theo bác sĩ Tiến, bé bị ngộ độc do uống nhầm dung dịch methyl ethyl ketone peroxide, dùng pha chế với một loại hóa chất khác để trét ghe xuồng ở những vị trí có khe hở, xì rò… nhằm chống thấm nước. Đây là một loại hóa chất oxid hóa mạnh, gây ăn mòn nặng làm tổn thương da, đặc biệt là niêm mạc đường thở, đường tiêu hóa, gây chít hẹp. Ngoài ra, độc chất còn vào máu gây tổn thương gan, thận, phổi, não…

Bác sĩ chuyên khoa II Từ Kim Thanh, Trưởng Khoa Thận - Lọc máu Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP HCM), cho biết trung bình mỗi tháng, khoa tiếp nhận khoảng 10 trường hợp ngộ độc các loại. Cụ thể như thuốc diệt cỏ (Paraquat, Diquat...); thuốc an thần, thuốc điều trị mạn tính và các hóa chất (sữa rửa mặt, dầu gội đầu, nước javen...). Tại bệnh viện, những ca ngộ độc nặng sẽ được đưa vào quy trình cấp cứu với sự phối hợp giữa khoa hồi sức và khoa thận nhân tạo - lọc máu. Tùy theo loại độc chất, thời gian tiếp xúc..., bác sĩ sẽ phân loại để điều trị. Những trường hợp ngộ độc có thể từ nhẹ đến nặng. Trường hợp độc chất nguy hiểm như ngộ độc thuốc diệt cỏ... phải được can thiệp càng sớm càng tốt. Vì độc chất có thể lan qua máu, nhu mô phổi, thậm chí chuyển hóa qua gan và thận, gây suy các cơ quan. Do đó, lọc máu là một trong những phương pháp tối ưu giúp người bệnh lọc độc chất.

Khó xác định độc chất

Bác sĩ chuyên khoa I Huỳnh Văn Mười Một, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (TP HCM), cho biết ngộ độc hóa chất là tình trạng nuốt, tiếp xúc hoặc tiêm phải thuốc, hóa chất, hít khí độc.

Với các chất tẩy rửa, nhiều người bị ngộ độc do uống hoặc tiếp xúc trên da. Có nhiều loại hóa chất, mỗi loại xâm nhập và tác động khác nhau đến sức khỏe. Dựa vào cách tiếp xúc hóa chất, các triệu chứng được chia ra nhiều nhóm như ngộ độc đường hô hấp, da, tiêu hóa, hệ thần kinh, hệ tuần hoàn. "Với những trường hợp bị ngộ độc hóa chất, sau khi sơ cứu ban đầu cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế uy tín gần nhà để được xử trí kịp thời. Khi đến bệnh viện, người nhà hãy mang theo loại hóa chất mà người bệnh uống hoặc hít phải để bác sĩ xác định chính xác chất gây ngộ độc, từ đó giúp điều trị hiệu quả hơn" - bác sĩ Một lưu ý.

Bác sĩ Thanh thông tin hiện nay, với kỹ thuật lọc máu phát triển như lọc máu hấp phụ và thay huyết tương, việc cấp cứu người bệnh ngộ độc đã trở nên hiệu quả hơn. Tuy nhiên, việc xác định độc chất cụ thể đôi khi rất khó khăn và thời gian chờ kết quả xét nghiệm có thể kéo dài, trong khi bệnh nhân có thể tử vong trong vài phút. "Có những trường hợp bệnh nhân cố ý giấu hoặc chưa phát hiện được độc chất, dẫn đến khó khăn trong việc điều trị. Những trường hợp ngưng tim, nếu vào bệnh viện kịp thời để hồi sức thì có thể cứu được nhưng những trường hợp chết não thì không thể" - bác sĩ Thanh chia sẻ.

Để phòng tránh ngộ độc hóa chất đối với trẻ, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến lưu ý cha mẹ hãy để hóa chất hay thuốc xa tầm tay của trẻ. Đặc biệt, không nên đựng trong các chai lọ nước uống đóng chai vì trẻ sẽ tưởng nhầm là thức uống. Việc uống nhầm gây hậu quả đáng tiếc có thể nguy hiểm đến tính mạng. Trường hợp phát hiện trẻ uống nhầm hóa chất, cha mẹ nhanh chóng đưa đến bệnh viện để được cấp cứu, xử trí thích hợp.

Xyanua có sẵn trong một số thực phẩm

Bác sĩ Phan Trung Nguyên, Khoa Thận - Lọc máu Bệnh viện Lê Văn Thịnh, chia sẻ nhiều người hay gọi xyanua là chất độc vì khả năng gây tử vong nhanh chóng khi bị nhiễm độc, chỉ cần khoảng 50 mg xyanua đã có nguy cơ gây tử vong cho người nhiễm.

Xyanua có thể có trong một số thực phẩm tự nhiên như củ sắn (khoai mì), măng tươi và hạt của một số loại cây. "Những thực phẩm này chưa được sơ chế kỹ mới có khả năng gây độc, nếu được chế biến đúng cách thì vẫn có thể sử dụng an toàn. Do đó, để phòng tránh độc chất này, trước khi ăn, cần chế biến kỹ" - BS Nguyên khuyến cáo.

Bài và ảnh: Hải Yến

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/can-trong-khi-tiep-xuc-voi-hoa-chat-196240713202042575.htm
Zalo