'Giải độc' cho mẹ chồng - nàng dâu

Nhiều phụ nữ nghe 'lời khuyên trên mạng' mà làm 'con dâu ghê gớm' để rồi đẩy hôn nhân của mình vào 'cuộc chiến' mẹ chồng - con dâu. Và nhiều phụ nữ thì ngược lại, theo cách 'chín bỏ làm mười' mà nuốt vào trong mọi thứ, dẫn đến hôn nhân u uất như người bệnh lâu năm.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Mẹ chồng có "độc"

Những lá thư của các người vợ (và đôi khi là cả người chồng) gửi đến tôi tâm sự về mẹ chồng rất nhiều. Có đến hàng trăm điều "kể tội" mẹ chồng (hoặc bênh vực mẹ mình từ những người đàn ông). Quả thực, nhiều "tội" của mẹ chồng nghe xong thấy tội con dâu thật. Như những mẹ chồng can thiệp từ bữa ăn của con cái.

"Tại sao bữa cơm không có rau xanh?"/ "Ít thịt thế này làm sao chồng con đủ sức khỏe mà đi làm kia chứ?". Tôi đã từng chứng kiến bà nội tôi như thế với mẹ tôi. Bữa ăn nào cả nhà cũng bị giật mình vì bất ngờ bà nội xô cửa bước vào hoặc có hôm thì giật mình vì… đôi mắt bà nội thấp thoáng ngay khe cửa sổ.

Bà nội tôi đặc biệt thương tôi - cháu đích tôn cầm ảnh thờ cho bà. Nên mẹ tôi đôi phen bị bà nội tôi mắng chửi vuốt mặt không kịp. Tôi vừa thương yêu bà vừa ghét bà vì thấy mẹ mình bị đối xử như thế. Đến nỗi nhiều hôm nhà tôi phải ăn như… ăn vụng.

Có lần bố tôi trúng mánh, mua thịt quay về nhà ăn thì bà nội xông vào mắng mẹ tôi: "Nhà nhiều tiền lắm mà ăn thịt quay thế này à?". Bởi những năm 80 của thế kỷ trước, thịt quay Hàng Buồm là thứ rất xa xỉ. Nên tôi hiểu nỗi khổ của những dâu con đến ăn gì cũng bị soi như thế.

Một kiểu "tội" nữa mà các con dâu hay kể cho tôi nghe là bà nội giáo dục cháu… ghét mẹ. Mẹ dạy một đằng, bà nội dạy một nẻo và luôn đi kèm là "mẹ nó chả biết dạy con". Nên nhiều đứa trẻ bám bà vì được bà bênh, mà không nghe lời mẹ.

Nhà văn Hoàng Anh Tú

Nhà văn Hoàng Anh Tú

Nhiều người phụ nữ không dạy nổi con mình khi có bà nội "bảo kê" cháu. Là còn chưa kể cách nuôi dạy con của bà nội đều cách hiện tại đến 30-40 năm, chẳng tránh khỏi không phù hợp, thậm chí gây nguy hiểm cho trẻ (như vắt chanh vào mắt cho mắt sáng, ngậm đinh gỉ với hạt cau là hết đau răng…). Nói sao bà cũng không chịu mình sai.

Đặc biệt là nhiều mẹ chồng "nổi tiếng" với việc soi lỗi con dâu. Đúng kiểu "quét nhà ra bụi", mọi thứ con dâu làm đều không vừa mắt mẹ chồng. Chưa kể con dâu đâu phải ai cũng hoàn hảo cả, những khiếm khuyết, thậm chí chỉ đơn giản là khác biệt về cách thức do văn hóa vùng miền, văn hóa gia đình cũng trở thành lỗi sai trầm trọng.

Như rửa bát mà không úp xuống cũng thành sai. Như tại sao canh rau mồng tơi lại nấu với sườn, phải đi cùng với cua chứ? Rau muống nấu với quả sấu, ai lại vắt chanh, nó đắng ra?

Kể "tội" mẹ chồng thì mười ngàn ngày không hết. Chỉ là những người con dâu luôn phải sống cùng những bực bội, uất nghẹn. Chồng hiểu và chia sẻ thì đỡ, chồng bênh mẹ hoặc lại bài: "Thôi, mẹ già rồi, mẹ tính khí người già, em đừng chấp" là ba máu sáu cơn có ngày. Con giun xéo mãi cũng quằn, ai mà bao dung và chịu đựng mãi cho được?

Đừng tưởng dâu hiền

Đáng sợ nhất là những "lời khuyên trên mạng". Trong những hội nhóm nói chuyện hôn nhân gia đình, bất cứ ca nào con dâu ca thán mẹ chồng là rất đông phụ nữ vào cho lời khuyên… bật lại mẹ chồng.

Thậm chí cả những hả hê về việc "đã huấn luyện mẹ chồng" bằng sự ghê gớm của mình. Là đàn ông, đọc những "lời khuyên trên mạng" ấy, tôi không khỏi thở dài. Thương những mẹ chồng gặp con dâu ghê gớm một thì tôi thương những người chồng nằm giữa hai "chiến tuyến" đến mười. Bên tình, bên hiếu, bên nào nặng hơn thì bên còn lại sẽ càng đau hơn.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chúng ta thật dễ dàng khi nhìn ra lỗi sai của người khác nhưng lại vô cùng khó khăn khi nhìn ra lỗi sai từ mình. Nhất là khi về làm dâu, phải sống cùng nhà chồng, người phụ nữ ấy luôn có cảm giác bơ vơ, khó hòa nhập. Nên chỉ một cư xử không khéo của mẹ chồng cũng thành cơn tủi thân của con dâu.

Như một bức thư gửi tôi: "Em tủi thân lắm! Hai vợ chồng về thăm bà nội, em là người lái xe vì chồng em không biết lái, đi hơn 200km, mệt lử người, về đến nhà thì bà nội lụi cụi vào trong vắt cam mang ra đưa… chồng em, bảo: "Cu Tí của mẹ uống đi cho đỡ mệt. Đường xa vất vả cho con quá".

Em ngồi trơ khấc. Đến cả cốc nước lọc cũng tự mà đi rót. Em biết mẹ chồng thương con trai nhưng cách ứng xử đó làm sao em coi mẹ chồng như mẹ đẻ cho nổi? Đó cũng là lý do em ít về thăm mẹ chồng".

Đấy! Không ở chung nhà mà còn vậy, huống chi ở chung với mẹ chồng. Những hành xử thiếu tế nhị, thiếu tinh tế của mẹ chồng đôi khi thổi bùng ngọn lửa giận dữ của con dâu, biến con dâu thành con dâu ghê gớm.

Chưa kể nhiều phụ nữ bình thường chẳng nghĩ gì đâu nhưng lên mạng đọc được nhiều bài viết về mẹ chồng quá mà sau đó bắt đầu… đề phòng mẹ chồng. Rồi bảo: Phòng bệnh hơn chữa bệnh.

Cứ chuẩn bị cho chắc, không xảy ra thì tốt mà xảy ra thì bớt shock. Đề phòng mẹ chồng can thiệp vào gia đình mình bằng việc cấm cửa mẹ chồng đến nhà mình. "Thôi, cứ cuối tuần hai vợ chồng về thăm ông bà là được. Để bà lên nhà bà lại ý kiến, bực mình ra". Đề phòng mẹ chồng dạy hư cháu bằng việc cấm con nghe bà, nói xấu bà để con đừng tín nhiệm bà.

Thậm chí "dằn mặt" luôn với chồng: "Em không muốn ông nội với bà nội đưa con ra hàng quán vỉa hè đâu nhé! Ăn uống mất vệ sinh lại còn tiếp xúc toàn khói thuốc lá. Bà nội toàn tay vừa làm vườn xong, phủi phủi vào mông quần rồi bóc cam quýt cho con ăn. Kinh chết đi được". Chỉ là người chồng đau lòng khi thấy vợ mình "vạch đất chia đường" với cha mẹ ruột của mình.

Chữa lành mối quan hệ mẹ chồng - con dâu

Vẫn là những "lời khuyên trên mạng" về việc sống chết đừng có ở chung. Nhiều con dâu quán triệt lời khuyên mà dù phải đi thuê nhà mất 1/3 thu nhập hàng tháng cũng nhất quyết không ở cùng mẹ chồng. Tốt thôi, bởi các cụ vẫn nói: Xa thương, gần thường.

Chỉ là dù không sống chung, việc ta về làm dâu cũng như chồng ta về làm rể, hôn nhân là việc ta kết hôn với cả nhà chồng và nhà vợ. Là bố mẹ chồng với bố mẹ ta bắt đầu một mối quan hệ mới: Ông bà thông gia. Là ta có thêm một người mẹ nữa, người bố nữa ngoài cha mẹ ruột của ta.

Dù thế nào thì đó cũng là việc không thể khác được. Khi có con thì con ta là cháu ruột của ông bà nội, ông bà ngoại. Nên dù ta có là người dưng nước lã, chẳng máu mủ ruột thịt với họ thì con ta vẫn là người thân, máu chảy ruột mềm với họ.

Xác định mối quan hệ này để cư xử cho đúng đạo làm con. Những con dâu có đúng đến đâu thì vẫn là bất hiếu khi buông ra những lời thóa mạ mẹ chồng. Đạo làm con không cho phép. Và tất nhiên, ngược lại cũng vậy, mẹ chồng coi con dâu là "khác máu tanh lòng" cũng là trái đạo đức.

Chẳng thể nhân danh vết thương ta đang chịu để được quyền thóa mạ, được quyền nói ra những câu vô nhân đến thế. Không phải là "đẹp mặt" cho ta với người đời đâu mà là tư cách đạo đức của ta trước con mình, nhúm ruột của mình vậy. Ta làm sao dạy con chữ "hiếu" khi mà ta bất hiếu?

Cha mẹ chồng có thể chẳng sinh ra ta nhưng họ vẫn là cha mẹ ta trên danh nghĩa gia đình. Là ông bà nội của con ta, là cụ nội của cháu ta. Kết hôn chính là như vậy. Mang người dưng thành người nhà, biến người thường thành người thương.

Nhưng tôi phải làm sao khi mẹ chồng có độc? Những mẹ chồng suốt ngày bắt lỗi con dâu, những mẹ chồng can thiệp thô bạo vào gia đình nhỏ của tôi, những mẹ chồng tấn công con dâu bằng quyền làm cha, làm mẹ của mình? Còn chưa kể những mẹ chồng coi con trai mình là nhất, "nó có đi ngoại tình cũng là bởi con dâu chả ra gì".

Tôi không khuyên bạn nín nhịn, nuốt vào trong những ấm ức đó. Nó sẽ khiến bạn tổn thương và lâu ngày thành bệnh. Tôi cũng chẳng muốn bạn trở thành con dâu ghê gớm. Tôi chỉ mong bạn tỉnh táo, lý trí hơn. Giống như gặp thời tiết xấu ta luôn có cách thích ứng với nó. Mưa thì mặc áo mưa, nắng thì che ô, bôi kem chống nắng, bão đến thì neo giữ ngôi nhà…

Là ta không thể thay đổi mẹ chồng thì ta thay đổi cách thức ứng xử. Giống như không thay đổi được hướng gió thì thay đổi cánh buồm vậy. Giữ khoảng cách vừa đủ để xa thương, gần thường. Điều chỉnh cảm xúc của chính mình để đừng đẩy mối quan hệ này thành kẻ thắng người thua.

Chúng ta không cần chiến thắng mẹ chồng. Chưa thể yêu được mẹ chồng như mẹ mình thì hãy kính trọng người già, kính trọng bà nội của con mình, mẹ của chồng mình. Sai đâu sửa đó, đừng ham hố thay đổi ai cả. Bao dung hơn với họ đi vì họ chẳng còn ở bên chúng ta lâu đâu.

MẸO NHỎ CHO CON DÂU

Mẹ chồng bắt lỗi: Nhận sai không khiến ta thành kẻ thua cuộc. Nhận sai chỉ chứng tỏ rằng bạn trưởng thành và không tranh thắng hơn thua với người nhà.

Mẹ chồng giáo dục cháu sai cách: Hướng dẫn lại cách đúng cho… con. Chúng ta vẫn thường xuyên phải làm vậy, ngay cả người dạy sai không phải là mẹ chồng mà? Nếu con còn nhỏ, hãy chứng minh bằng… khoa học. Có thể mời các bác sĩ hoặc người uy tín nói với mẹ chồng. Thông tin an toàn sức khỏe bây giờ đâu khó kiếm?

Mẹ chồng can thiệp chuyện nhà mình: Đón nhận những lời góp ý của mẹ, còn việc sửa chữa hay có làm theo không là của mình kia mà.

Trở thành "đồng bọn" với chồng: Tâm sự với chồng một cách nhẹ nhàng, không kể tội mẹ chồng mà chỉ là cùng chồng tìm ra cách đúng. Chồng sẽ là "cầu nối", là thông dịch viên cho mình. Mẹ con họ sẽ có cách dàn xếp thôi mà.

Hoàng Anh Tú

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/giai-doc-cho-me-chong-nang-dau-20240813145507423.htm
Zalo