Cạn quỹ đất, thiếu vốn: Khó chuyển đổi sang khu công nghiệp xanh

Nhu cầu phát triển mô hình khu công nghiệp (KCN) xanh tại Việt Nam ngày càng bức thiết và đây cũng là cơ hội để thu hút FDI, cũng như tăng năng lực cạnh tranh trong xuất khẩu... Vậy nhưng quá trình chuyển đổi sang KCN xanh đang vấp phải những khó khăn từ việc tiếp cận vốn vay, quỹ đất hạn hẹp...

Tín dụng xanh chỉ chiếm khoảng 4,6% tổng dư nợ tín dụng

Giới chuyên gia nhận định, để bắt kịp xu hướng của thời đại, cũng như đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững thì việc xây dựng, chuyển đổi sang mô hình KCN xanh là vô cùng cấp thiết. Sau hơn 30 năm phát triển, hiện những KCN trên cả nước đang gặp phải nhiều tồn tại trong quy hoạch và hiệu quả vận hành đang đặt ra yêu cầu cấp thiết về chuyển đổi mô hình. Và nhằm mục tiêu phát triển xanh, bền vững, từ những năm 2014 một số địa phương như Đà Nẵng, Cần Thơ, TPHCM, Đồng Nai... đã bắt đầu chủ trương chuyển đổi từ mô hình KCN truyền thống sang KCN xanh. Song đến nay, trong hơn 335 KCN đang hoạt động trên cả nước, mới chỉ khoảng 2% đang thực hiện các bước chuyển đổi theo mô hình KCN sinh thái.

Theo giới chuyên gia tài chính, việc chuyển đổi, phát triển xây dựng các KCN xanh đòi hỏi nguồn lực tài chính rất lớn, bao gồm đầu tư vào hạ tầng đồng bộ, hệ thống vận chuyển thân thiện môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo, công nghệ xử lý chất thải tiên tiến và quy trình quản lý xanh… Đây là những khoản đầu tư chiến lược, dài hạn và không dễ tiếp cận đối với phần lớn DN. Chính vì vậy, ngành ngân hàng được kỳ vọng sẽ đóng vai trò chủ lực trong việc cung ứng tín dụng xanh, hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của các KCN.

Về thực trạng trên, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú cho hay, tín dụng xanh tại Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nhờ định hướng rõ ràng từ Chính phủ và NHNN. Cơ quan quản lý đã ban hành hàng loạt chính sách, văn bản hướng dẫn và hợp tác quốc tế để xây dựng danh mục 12 lĩnh vực xanh ưu tiên, tạo nền tảng cho hoạt động cấp tín dụng xanh. Từ chỗ chỉ có 15 tổ chức tín dụng tham gia năm 2017, đến nay con số đã tăng lên 50 đơn vị có phát sinh dư nợ tín dụng xanh. Vậy nhưng hiện tỷ lệ tín dụng xanh chỉ chiếm khoảng 4,6% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống.

Doanh nghiệp ngại đầu tư chuyển đổi

Đại diện Khu Công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng cho rằng, khó khăn cũng như rào cản lớn trong quá trình chuyển đổi từ KCN truyền thống sang KCN xanh, sẽ đến từ quỹ đất hạn hẹp và thiếu vùng đệm phát triển. Từ đó, việc mở rộng, cải tạo hoặc tích hợp hạ tầng xanh trong KCN xanh sẽ gặp nhiều trở ngại. Kế đến là nguồn vốn hỗ trợ đổi mới công nghệ còn rất hạn chế. Thủ tục vay phức tạp, nhiều quỹ tài chính xanh đã ngừng cấp vốn hoặc thắt chặt điều kiện vay.

Vẫn theo vị đại diện này, hiện có nhiều DN ngần ngại đầu tư công nghệ mới xuất phát từ thực tế thiếu các gói tín dụng dài hạn cho chuyển đổi xanh. Bên cạnh đó, đặc điểm của các lĩnh vực xanh, như năng lượng tái tạo, công trình xanh là cần vốn đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn dài. Trong khi đó, vốn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn, việc cho vay trung dài hạn gặp trở ngại do phải đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo quy định. Điều này làm giảm khả năng cung ứng tín dụng xanh dài hạn.

TS Đặng Quang Hải (Trung tâm Công nghệ sinh học, Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng) chia sẻ, phần lớn DN trong KCN hiện nay là DN nhỏ, vừa và siêu nhỏ, vốn hạn chế, trình độ quản lý còn thấp. Họ cũng khó tiếp cận nguồn vốn đầu tư xanh do thiếu tài sản đảm bảo, thông tin tài chính chưa minh bạch và thiếu nhân lực chuyên môn. Trong khi đó, chưa có cơ chế ưu đãi tài chính đặc thù cho các dự án đầu tư vào mô hình KCN sinh thái. Bên cạnh đó, ý thức liên kết cộng sinh giữa các DN trong KCN cũng là một rào cản đáng kể. Tâm lý e ngại thay đổi, sợ phát sinh thủ tục hoặc tăng chi phí khiến nhiều DN chưa sẵn sàng tham gia quá trình chuyển đổi.

Nam Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/can-quy-dat-thieu-von-kho-chuyen-doi-sang-khu-cong-nghiep-xanh-10305926.html
Zalo